Hóa giải đối đầu Nga - Mỹ

Cả Nga và Mỹ đều xác nhận Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Mỹ B. Obama sẽ có cuộc hội đàm vào ngày 28-9 tới, bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, với chủ đề có thể nói là nóng nhất trong quan hệ hai nước hiện nay là vấn đề Syria và Ukraine. 
Hóa giải đối đầu Nga - Mỹ

Lần gần đây nhất Tổng thống Nga và Mỹ gặp nhau là vào tháng 11-2014, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Còn cuộc gặp song phương chính thức giữa hai nhà lãnh đạo này  cũng đã diễn ra cách đây hơn 2 năm, vào tháng 6-2013 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G-8 tại Bắc Ireland. Quan hệ Nga - Mỹ có thể nói là đã đổ vỡ kể từ khi Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3 năm ngoái. Chính vì thế mà không có gì ngạc nhiên khi dư luận quan tâm đặc biệt đến cuộc gặp tại New York lần này giữa hai ông V. Putin và B. Obama. 

Tuy nhiên, chủ đề mà hai bên có thể thảo luận lại quá nhạy cảm, bởi nó động chạm đến ranh giới đỏ vốn chia cắt quan hệ hai nước cho đến nay. Trước hết là vấn đề Syria. Đã hơn 4 năm nay, đất nước vùng Trung Đông này rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu. Tình hình càng phức tạp hơn với sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mà hiện đã kiểm soát phần lớn Syria và Iraq, khiến cả thế giới lo ngại.

Cùng chung một mục tiêu ngăn chặn đà trỗi dậy của IS nhưng Mỹ và Nga lại mâu thuẫn gay gắt về giải pháp chính trị tổng thể cho Syria. Trong toan tính của Mỹ, tương lai của chính trường Syria phải được thiết lập trên cơ sở loại bỏ Tổng thống đương nhiệm Syria là ông Bashar al-Assad. Nhiều thông tin cho thấy Washington đang lợi dụng mục tiêu chống khủng bố, tiêu diệt IS để gián tiếp trợ giúp cho lực lượng chống Chính phủ Syria.

Trái ngược với Mỹ, Syria là đồng minh số 1 của Nga trong khu vực. Matxcơva cho rằng cách duy nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria là củng cố cơ cấu chính quyền hợp pháp hiện nay của nước này và hỗ trợ chính quyền Syria trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong con mắt của Nga, Mỹ đang dung túng cho việc sử dụng các nhóm khủng bố để chống lại một chế độ không vừa ý phương Tây và loại bỏ ông Bashar al-Assad. Việc Nga tăng cường viện trợ cho Syria bất chấp phản ứng của Mỹ cho thấy Matxcơva quyết không nhượng bộ.

Sự đối lập giữa Mỹ và Nga cũng thể hiện rất rõ trong vấn đề Ukraine. Những biến động ở Ukraine thời gian gần đây, tiếp theo những cuộc “cách mạng màu sắc” như ở Gruzia, được Nga coi như là kịch bản của Mỹ và phương Tây nhằm từng bước loại bỏ ảnh hưởng của Matxcơva tại khu vực an ninh truyền thống là không gian hậu Xô Viết. Chính vì thế, không thể có chuyện Nga sẽ nhượng bộ Mỹ trong vấn đề Ukraine bởi nó động chạm đến lợi ích chiến lược của nước này. 

Trong khi Mỹ và phương Tây lớn tiếng cáo buộc Nga “vi phạm trắng trợn” chủ quyền của Ukraine và rằng Nga đang thực hiện các chiến dịch quân sự trực tiếp nhằm hỗ trợ phe nổi dậy”ở miền Đông Ukraine, thì Nga cho rằng chính quyền Ukraine hiện nay do Mỹ và phương Tây hậu thuẫn đang tiến hành cuộc chiến chống lại người dân của mình. Bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Nga không bao giờ từ bỏ chủ quyền với bán đảo Crimea.

Với những mâu thuẫn căng thẳng như vậy, thật khó có thể hy vọng một cuộc gặp bên lề phiên họp của Đại hội đồng LHQ, chứ không phải chính thức, giữa ông V. Putin và ông B. Obama sẽ hoá giải tình trạng đối đầu Nga – Mỹ hiện nay. Dù người phát ngôn Nhà Trắng J. Earnest cho rằng cuộc gặp có thể sẽ đạt được những kết quả tích cực và tạo nền tảng để Mỹ và Nga phối hợp các hành động, nhưng xóa được lằn ranh đỏ hiện nay giữa hai bên là điều vô cùng khó khăn.  

HOÀNG SƠN theo An ninh Thủ đô