Theo đó, phương án 1 (cơ chế rộng rãi) trong đó cho phép nhập 100% đường thô; không giới hạn đối tượng tham gia nhập khẩu; số lượng đường nhập khẩu trong hạn ngạch theo cam kết WTO có nguồn gốc từ bất kỳ quốc gia nào thì được hưởng thuế ưu đãi theo các Hiệp định thuế quan đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết.
Số lượng đường nhập khẩu ngoài hạn ngạch sẽ được áp dụng thuế nhập khẩu theo biểu thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch của WTO; hạn ngạch nhập khẩu hàng năm được thông báo rộng rãi, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo phương án này, việc đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường hàng năm là đấu thầu mức phí cam kết nộp vào ngân sách Nhà nước, trên nguyên tắc đối tượng nào cam kết nộp phí cao hơn thì sẽ trúng thầu.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng trình thêm một phương án đấu thầu có chọn lọc, trong đó thực hiện cơ chế đấu thầu kép: Đấu thầu nhập khẩu và đấu thầu bán ra tại thị trường nội địa để điều tiết cung cầu và giữ được bình ổn giá. Hiệp hội cho rằng nên sử dụng quỹ bình ổn quốc gia để nhập khẩu đường.
Hai phương án của Hiệp hội Mía đường Việt Nam đưa ra sau khi Bộ Công thương có kiến nghị Thủ tướng cho phép HAGL đưa đường thô từ Lào về VN tinh chế rồi xuất khẩu qua chính cửa khẩu này.
Ngày 19/2/2014, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (Đồng Nai) được nhập khẩu 30.000 tấn đường thô của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu (Lào), tinh luyện và xuất khẩu toàn bộ sản phẩm qua cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai theo đúng quy định về xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ.
Vấn đề này khiến (VSSA) rất bức xúc. Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch VSSA kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chấp thuận việc nhập khẩu này cũng như không cho phép xuất khẩu đường có nguồn gốc không phải từ mía do người dân Việt Nam trồng qua cửa khẩu tiểu ngạch, lối mở sang Trung Quốc - mà cụ thể ở đây là cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát - Lào Cai.
Theo VSSA, việc cho phép Đường Biên Hòa nhập đường thô của Hoàng Anh Gia Lai từ Lào về tinh chế sẽ “bóp chết” hơn 40 doanh nghiệp mía đường trong nước.
Phản hồi lại VSSA, Chủ tịch của Hoàng Anh Gia Lai là ông Đoàn Nguyên Đức (thường được biết đến tên gọi bầu Đức) đã khẳng định việc nhập đường bán cho nhà máy đường Biên Hòa tinh luyện và xuất khẩu sẽ không ảnh hưởng đến doanh nghiệp mía đường trong nước.
Đa số các chuyên gia kinh tế đều đồng tình với việc cho phép Đường Biên Hòa được mua đường thô của Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu tại Lào. Tuy nhiên các cơ quan quản lý cần giám sát để lượng đường sau khi được tinh luyện phải xuất 100% ra thị trường nước ngoài, tránh ảnh hưởng doanh nghiệp mía đường trong nước.
Theo Stockbiz