Hành trình đi nhờ người dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để mua được 4 loại thuốc trong đơn bác sĩ viết tay, một gia đình ở Nghệ An đã phải đi qua nhiều quầy thuốc ngoài viện, nhờ 4 người dịch chữ bác sĩ và chỉ kết thúc khi đến mua ở nhà thuốc bệnh viện.

Trong Thông tư 04/2022, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử, hoàn thành trước tháng 7/2023. Tuy nhiên, cơ quan này không nêu rõ yêu cầu khi nào phải xóa sổ đơn thuốc viết tay, vì thế hiện không ít cơ sở y tế từ tuyến trung ương tới xã, phường, y tế tư nhân, vẫn còn tình trạng đơn thuốc được bác sĩ kê bằng tay, thay vì in đơn điện tử. Đáng nói nhiều đơn thuốc khiến bệnh nhân, dược sĩ, thậm chí bác sĩ bị làm khó, "bó tay" vì… không dịch được chữ bác sĩ.

Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu rà soát, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời hành vi tiêu cực trong kê đơn, chỉ định kỹ thuật, dịch vụ y tế để lấy “hoa hồng”, gây phiền hà cho người bệnh nhằm trục lợi từ người bệnh và Quỹ BHYT.

Từ thực tế trải nghiệm đi khám chữa bệnh, nhiều độc bày tỏ nỗi bức xúc khi phải luận dịch chữ bác sĩ và những băn khoăn về việc vì sao vẫn còn tình trạng này trong khi nơi nơi đã ứng dụng chuyển đổi số. Bài viết dưới đây là ý kiến thể hiện góc nhìn cá nhân độc giả qua diễn đàn "Khổ sở đi dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc viết tay" trên Vietnamnet.

Một tháng nay, mẹ tôi bỗng nhiên đau khớp gối nhức nhối dù không chấn thương, va chạm. Nhà tôi đưa bà từ quê ra một bệnh viện công lập ở Hà Nội khám cơ xương khớp.

Vì đã đặt lịch hẹn khám theo yêu cầu với giá 500.000 đồng, thầy thuốc hẹn gia đình 8 giờ đến bệnh viện để khỏi phải chờ đợi quá lâu. Sau 5 - 7 phút hỏi bệnh, bác sĩ chỉ định cho mẹ tôi siêu âm, chụp X-quang và chụp cộng hưởng từ một bên khớp gối nghi ngờ tổn thương.

Đầu giờ chiều mẹ con chúng tôi mới cầm được kết quả của các chỉ định trên. Sau đó, bác sĩ khám dành thêm gần 10 phút để đọc phim, giải thích và đưa ra lời khuyên về bệnh mẹ tôi mắc phải rồi kê đơn thuốc bằng tay.

Từng có kinh nghiệm đưa người nhà đi khám, nhưng tôi khá ngạc nhiên khi bác sĩ tự kê đơn viết tay trên cuốn sổ y bạ của bệnh nhân, thay vì đọc kết quả chẩn đoán và tên thuốc để điều dưỡng viên ngồi bàn bên cạnh phụ giúp, in đơn thuốc ra.

donthuoc1-chubacsi-1-630-1503.png
Đơn thuốc khiến người nhà bệnh nhân phải nhờ tới 4 người luận dịch trước khi được dược sĩ quầy thuốc bệnh viện bán chính xác các loại thuốc. Ảnh: NVCC

Nhận đơn thuốc xong mà chưa kịp nhìn đơn, biết rất nhiều bệnh nhân khác đang xếp hàng chờ tới lượt, chúng tôi cảm ơn các thầy thuốc rồi nhanh chóng ra khỏi phòng khám. Mẹ tôi khen bác sĩ thân thiện, giải thích bệnh dễ hiểu.

Vì chân của mẹ tôi đau đớn sau 1 ngày đi lại, gia đình đành đưa bà về chỗ nghỉ ngơi và sẽ cầm đơn ra quầy thuốc gần đó mua thay vì mua luôn ở quầy thuốc bệnh viện.

Hai cô dược sĩ trẻ ở quầy thuốc gần khách sạn tỏ ra lúng túng sau khi thảo luận vì họ không dịch hết chẩn đoán bệnh và các loại thuốc trong đơn đó "bởi chữ bác sĩ quá rối”. Sau khi dịch được tên glucosamin ở số cuối cùng, một cô dược sĩ hỏi tôi: “Bệnh nhân có tràn dịch khớp không?” rồi phán đoán ra tên thuốc: “Có thể loại thứ 3 này là Ultracet giúp giảm đau. Tôi thấy bệnh nhân khớp hay được kê loại đó”.

Vì không dịch được chữ bác sĩ, tôi gửi đơn thuốc cho một người em họ làm bác sĩ nhưng ở chuyên ngành khác và được nhận về lời nhắn: “Nên hỏi lại bác sĩ trực tiếp kê đơn cho chắc chắn, đừng đoán”.

Chúng tôi sang một quầy thuốc khác để mua nhưng người đứng quầy thuốc không chắc chắn lắm về những loại thuốc được dịch ra và khuyên gia đình nếu không gọi cho bác sĩ, có thể đến quầy thuốc bệnh viện hoặc ở cổng viện, bởi có những đơn chỉ có dược sĩ ở đó mới dịch được.

Có vẻ lời khuyên đó là đúng. Cô dược sĩ quầy thuốc bệnh viện chỉ cần nhìn đơn thuốc kia mà không cần hỏi lại chúng tôi bất cứ câu gì, chỉ dặn chờ đọc tên và lấy thuốc.

Hành trình mua thuốc theo đơn bác sĩ của gia đình tôi kết thúc sau gần một buổi và nhờ tới 4 người làm ngành y luận dịch. Mẹ tôi cứ nhắc mãi chuyện này, rằng thật may mắn sau khám vẫn ở Hà Nội để đến quầy thuốc bệnh viện mua. Quầy thuốc ở quê chắc không ai dịch nổi đơn đó, nhỡ đâu sai thuốc lại thành "lợn què" thật.

Bác sĩ đã khám cho mẹ tôi là người có tiếng giỏi chuyên môn. Nhưng giá như đơn thuốc bác sĩ kê đọc dễ hơn, đơn thuốc được in ra, gia đình tôi không phải mất cả buổi để đi lòng vòng qua nhiều hiệu thuốc nhờ các dược sĩ vắt óc phán đoán, dịch từng dòng chữ chẩn đoán và từng loại thuốc, có lẽ cuộc đi khám của mẹ tôi đã trọn vẹn hơn.

Có người bảo bác sĩ bận rộn, có nhiều việc quan trọng hơn, khám chuẩn bệnh là được, đơn thuốc chỉ cần có người dịch được là được. Nhưng việc in đơn thuốc, theo tôi đâu có khó hay làm mất thời gian của bác sĩ đến vậy?

Hoàng Lê (Nghệ An)