Hãng tàu Hàn Quốc phá sản, lập chuyên mục đặc biệt để thông tin đến doanh nghiệp

VietTimes -- Để thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp về việc hãng tàu Hanjin Shipping Global của Hàn Quốc (hãng tàu Hanjin) xin phá sản, Cục Hàng hải đang tiến hành lập một mục thông tin điện tử chuyên biệt.
Hanjin chiếm 5% thị phần vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam.
Hanjin chiếm 5% thị phần vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam.

Cụ thể, mục thông tin có tiêu đề “Thông tin liên quan đến việc xin phá sản của hãng tàu Hanjin Shipping Global” và được duy trì đến khi vụ việc nói trên cùng các hậu quả liên quan chấm dứt.

Cũng theo đại diện Cục Hàng hải VN, các doanh nghiệp liên quan đến hàng hóa bị tồn đọng tại hãng tàu Hanjin đều đã đưa ra hướng xử lý hàng tồn đọng tại các cảng trung chuyển là rút hàng từ container của Hanjin và chuyển sang container hãng khác để tiếp tục vận chuyển.

Ước tính chi phí để thực hiện việc rút hàng sang container và chi phí vận chuyển phải trả cho hãng tàu Hanjin và hãng tàu khác sẽ tăng thêm khoảng 2.000- 2.500 USD/container, ngoài ra thêm khoảng 50 USD/container chi phí lưu kho bãi. Việc bù trừ công nợ, khiếu nại, các bên thu thập đủ hồ sơ, tiến hành các thủ tục đúng với quy định của pháp luật trong nước, quốc tế và các nước liên quan.

Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác liên ngành gồm đại diện các Bộ GTVT (chủ trì), Công thương, Tài chính và Ngoại giao để đưa ra các giải pháp kịp thời, hướng dẫn DN xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến hãng tàu Hanjin và giảm thiểu thiệt hại đối với doanh nghiệp VN.

Trước đó, liên quan đến việc hãng tàu Hàn Quốc phá sản, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp có các lô hàng nhập khẩu đã cập cảng, khẩn trương hoàn thành thủ tục nhận và thông quan giải phóng hàng ra khỏi container của Hãng Hanjin. Ngoài ra, với các lô hàng xuất khẩu đã đưa vào container của Hãng Hanjin, nhanh chóng lấy hàng ra khỏi container và liên hệ với đối tác nước ngoài để có phương án lựa chọn, thay đổi hãng tàu cũng như lịch booking hàng hóa.

Đồng thời, để tránh tình trạng các doanh nghiệp Việt phải chịu thêm lỗ, Cục Hàng hải vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập đoàn liên ngành hướng dẫn doanh nghiệp xử lý giảm thiểu thiệt hại từ vụ việc. Vì tính đến giữa tháng 9/2016, chỉ riêng Hiệp hội Logistic Việt Nam đã có khoảng 5000 container hàng hóa xuất khẩu và khoảng 6.000 container hàng hóa nhập khẩu đang được Hanjin vận chuyển. Ngoài ra, các doanh nghiệp, hiệp hội khác vẫn còn hàng trăm container tập kết ở các cảng chờ được Hanjin vận chuyển….

Hanjin là hãng tàu lớn nhất của Hàn Quốc, hiện ở thị trường Việt Nam hãng này chiếm 5% thị phần vận chuyển hàng hóa. Do đó, các ngành hàng có khối lượng xuất nhập khẩu nhiều như dệt may, da giày, đồ gỗ hay hàng thủy sản đều bị ảnh hưởng.