Hàn Quốc, Mỹ sẽ nâng cấp 2 cuộc tập trận lớn để đe nẹt Bắc Triều Tiên

VietTimes -- Hai cuộc tập trận thường niên Key Resolve và Foal Eagle sẽ được tăng cường, nhất là sự tham gia của tàu sân bay USS Carl Vinson, máy bay ném bom chiến lược. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh cáo mạnh mẽ Triều Tiên...
Ngày 2/2/2017, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Hàn Quốc, hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo. Nguồn ảnh: Internet
Ngày 2/2/2017, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Hàn Quốc, hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo. Nguồn ảnh: Internet

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 4 tháng 2 dẫn hãng tin Yonhap Hàn Quốc ngày 3 tháng 2 cho hay, quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 3 tháng 2 công bố kết quả hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc cho biết do Triều Tiên có khả năng dựa vào thời cơ tập trận Hàn - Mỹ để gây khó, thăm dò chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có kiên quyết đáp trả hay không, hai bên đã đạt được đồng thuận về tính cần thiết gia tăng mức độ tiến hành tập trận chung trong năm 2017.

Quan chức này cho biết Bộ trưởng Quốc phòng hai nước quyết định tháng 3 năm nay tổ chức lớn các cuộc tập trận Key Resolve và Foal Eagle để đề phòng Triều Tiên tận dụng cơ hội phóng tên lửa khiêu khích thách thức khả năng nhẫn nại của Tân Chính phủ Mỹ.

Được biết, hai nước đang thảo luận phương án tổ chức lớn cho các vũ khí chiến lược của Quân đội Mỹ như tàu sân bay, máy bay ném bom tham gia diễn tập. Cụm chiến đấu tàu sân bay USS Carl Vinson cũng được cân nhắc.

Hai bên còn đạt được nhất trí về tiếp tục thảo luận nâng cao khả năng tiến hành răn đe mở rộng của Mỹ đối với Triều Tiên, đó là thông qua thường xuyên điều động hoặc triển khai luân phiên các vũ khí chiến lược ở Hàn Quốc để đề phòng Triều Tiên "khiêu khích" về hạt nhân và tên lửa.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson tiến hành huấn luyện trên đường đến Tây Thái Bình Dương và Biển Đông. Ảnh: War.163.com
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson tiến hành huấn luyện trên đường đến Tây Thái Bình Dương và Biển Đông. Ảnh: War.163.com

Khi hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc ngày 3 tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh Mỹ đáp trả có hiệu quả đối với tất cả các cuộc tấn công hạt nhân với thế mang tính áp đảo, đã phát đi tín hiệu cảnh cáo mạnh mẽ đối với Triều Tiên.

Phát biểu này tiếp tục cho thấy Mỹ quyết không nhân nhượng với tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, từ ngữ sử dụng mạnh mẽ, cứng rắn hơn so với khi điện đàm trước đó giữa hai nhà lãnh đạo quốc phòng này.

Ngày 31 tháng 1, khi điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã khẳng định, Hàn Quốc và Mỹ sẽ duy trì trạng thái cảnh giác toàn diện, ứng phó kịp thời và có hiệu quả đối với tất cả mọi tình huống bất ngờ.

Theo phân tích, ông James Mattis sở dĩ tăng cường mức độ cảnh giác với Triều Tiên là do Mỹ cho rằng khả năng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã đe dọa đến an ninh lãnh thổ của Mỹ.

Ngoài ra, theo hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 3 tháng 2, cùng ngày khi hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân thì Mỹ "sẽ thực hiện các biện pháp ứng phó có hiệu quả và mang tính áp đảo", đã thể hiện tư thế đối kháng mạnh mẽ.

Mặc dù chính quyền Donald Trump gấp rút đưa ra biện pháp ngăn chặn Triều Tiên phát triển hạt nhân và tên lửa, nhưng đội ngũ phụ trách khởi thảo chính sách còn chưa ổn định, việc đưa ra chính sách đối với Triều Tiên vẫn còn phải chờ đợi.

Máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer Mỹ (ảnh tư liệu)
Máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer Mỹ (ảnh tư liệu)

Triều Tiên vừa tuyên bố công tác chuẩn bị bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của họ đã bước vào giai đoạn cuối cùng, điều này gây cảnh giác cho Mỹ và Hàn Quốc.

Khi tham dự phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ, ông James Mattis từng nhấn mạnh "sẽ ứng xử nghiêm túc với việc này", cho biết sẽ cùng với Bộ Ngoại giao Mỹ nghiên cứu đối sách.

Nhưng, ê kíp Bộ Ngoại giao quan trọng của Mỹ còn chưa ổn định. Ngoại trưởng Rex Tillerson vừa được Thượng viện Mỹ phê chuẩn và nhậm chức. Nhiều quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ lần lượt từ chức theo sự chuyển giao chính quyền, những người kế nhiệm vẫn chưa được bố trí xong.

Do đó, khoảng trống ngoại giao hiện tại ở Mỹ gây lo ngại, thậm chí có nhà nghiên cứu Mỹ dùng cụm từ "bước đi loạng choạng" để hình dung hiện trạng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Sau khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, Triều Tiên vẫn chưa tiến hành các hành động "khiêu khích" quân sự rõ ràng, hầu như đang quan sát thái độ của chính quyền Donald Trump đối với Triều Tiên, bao gồm khả năng đối thoại Mỹ - Triều Tiên.

Hãng tin Yonhap Hàn Quốc ngày 3 tháng 2 cho hay Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Alexander Timonin cùng ngày trả lời phỏng vấn báo chí cho biết nếu Chính phủ Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, Nga sẽ đưa ra biện pháp tương ứng để bảo đảm an ninh quốc gia.

Theo ông Alexander Timonin, triển khai THAAD ở Hàn Quốc sẽ tạo ra mối đe dọa cho hòa bình của bán đảo Triều Tiên và khu vực, đồng thời không có lợi cho thực hiện hòa bình khu vực. Nga hy vọng Hàn Quốc có thể từ bỏ triển khai THAAD.

Về lý do cụ thể Nga phản đối triển khai THAAD ở Hàn Quốc, ông Alexander Timonin cho biết Nga cho rằng Hàn Quốc triển khai THAAD có nghĩa là Hàn Quốc bị kéo vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, điều này tạo ra mối đe dọa cho lợi ích an ninh chiến lược của Nga.

Xe chở tên lửa đánh chặn của hệ thống THAAD Mỹ (ảnh tư liệu)
Xe chở tên lửa đánh chặn của hệ thống THAAD Mỹ (ảnh tư liệu)