Hạm đội Nga đang tiến qua Biển Bắc rồi tiếp đó là eo biển Anh hướng về Địa Trung Hải. Các nguồn tin NATO tin rằng đội tàu Nga đem theo nhiều chiến đấu cơ nhằm yểm trợ cho cuộc tổng công kích vào thành trì Aleppo nơi phiến quân đang bị vây hãm. Một đợt tấn công dứt điểm có thể sẽ giúp tổng thống Syria Bashar al-Assad trụ vững trên ghế quyền lực.
Theo Daily Mail, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và các tàu tuần dương hạm, khu trục hạm, tàu ngầm thuộc hai hạm đội đã rời căn cứ hướng về Syria. Hộ tống hạm đội này còn có 3 tàu đảm trách công tác tiếp tế, hậu cần. Cụm tác chiến tàu sân bay Nga ngày 21/10 đã rầm rộ diễu qua eo biển Anh và triển khai các vòng bảo vệ chặt chẽ nhằm không cho bất kỳ thứ gì tiếp cận.
Các chiến đấu cơ Su-33 đã xuất kích từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, trong khi trực thăng săn ngầm cũng được hạm đội Nga tung lên để cảnh giới. Trên boong tàu sân bay Nga, các binh sĩ lăm lăm tiểu liên AK-74 và súng máy đứng gác.
Cụm tác chiến tàu sân bay Nga hải hành qua eo biển trong sự cảnh giác cao độ của khối NATO. Hải quân các nước Anh, Hà Lan, Na Uy, Phần Lan đều đã điều chiến hạm của mình theo sát hạm đội Nga.
Hãng thông tấn TASS của Nga cho biết, đây là lần thứ 8, tàu sân bay Nga và các tàu hộ tống này di chuyển tới Địa Trung Hải, chuyến đi đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược của ông Putin nhằm tái khẳng định sức mạnh hải quân của Nga và tiếp cận mục tiêu.
Tuy nhiên theo Reuters, lần triển khai này rất khác so với những lần trước. Matxcơva đã dành những nguồn lực đáng kể trong suốt thập kỷ vừa qua để triển khai khả năng hành động từ tàu sân bay. Nhưng không giống như Mỹ, Pháp, Anh và Italia, Nga không bao giờ sử dụng tàu sân bay khi đang tức giận. Điều này có vẻ như đang thay đổi. Có lẽ trong vòng hai tuần tới, các máy bay chiến đấu SU-33 và MiG-29 sẽ bay thẳng đến Aleppo và những vùng khác ở Syria.
Ở một mức độ nào đó, điện Kremlin không có nhu cầu đặc biệt sử dụng máy bay từ tàu sân bay. Nếu muốn tăng số lượng máy bay hoạt động ở Syria, Nga có thể thực hiện một cách đơn giản là điều động nhiều máy bay hơn tới các sân bay của ông Assad.
Phái tàu sân bay và các tàu hộ tống đi kèm là một phương pháp hết sức đắt đỏ và phức tạp mà cũng chỉ để đạt được một kết quả tương tự. Cách làm như vậy cũng không phải là không có nguy hiểm, vì trước đây tàu chiến của Nga cũng từng cho thấy dấu hiệu báo động về việc hỏng hóc do hải hành trên biển.
Matxcơva rõ ràng đang mong muốn thể hiện rằng họ có thể cạnh tranh với Washington bằng cách triển khai một cụm tác chiến hải quân cách xa hàng nghìn dặm và sau đó tiến hành hoạt động quân sự trong một vài tuần hoặc một vài tháng. Đây là dạng diễn tập khẳng định khả năng quân sự mới của Nga. Nó sẽ càng làm phức tạp hơn những tính toán chính trị cho Mỹ và các nước khác khi muốn tìm cách hành động ở Syria. Và tất nhiên nó cũng mang lại một cơ hội để nhắc nhở các nước phía Bắc Âu rằng họ không thể phớt lờ Nga.
Trong những chuyến thực hiện nhiệm vụ trước đây ở Biển Bắc, tàu sân bay Nga chắc chắn đã triển khai các máy bay và máy bay chiến đấu tới gần giàn khoan dầu Na Uy, đây là một hành động đe doạ buộc các máy bay trực thăng dân sự gần đó phải hạ cánh. Lần này, theo một số nguồn tin thì tàu sân bay Nga có thể tiến hành các cuộc diễn tập không kích trong vùng biển quốc tế phía bắc Scotland.
Các sĩ quan hải quân cao cấp của Nga hi vọng việc triển khai này sẽ củng cố họ trong những cuộc chiến mở đầu giữa hai bên quân đội. Cho đến tận bây giờ, phần lớn chiến thắng trong những chiến dịch quân sự gần đây (ở Ukraine năm 2014, ở Georgia năm 2008, Chechnya và ở Syria) là của lực lượng quân đội trên bộ và trên không. Hiện nay Nga có thể phô diễn sức mạnh hải quân cũng như xây dựng những kỹ năng và khả năng cần thiết nhằm phát triển một cụm tác chiến tàu sân bay thực sự.
Với việc Nga duy trì sự hiện diện hải quân lâu dài ở Syria từ năm 2013, Mỹ và các đồng minh đã theo dõi sát sao những điều mà hải quân Nga có thể và không thể thực hiện được. Reuters nhận định Trung Quốc cũng sẽ được lợi vì tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên của Trung quốc vốn là tàu Varyag thời Xô viết, là tàu anh em với tàu Đô đốc Kuznetsov.
Cả Nga và Trung Quốc đều đầu tư những nguồn lực khổng lồ vào phát triển vũ khí hòng đánh bại tàu sân bay của Mỹ, quả thực việc phát triển các công nghệ như vậy rất quan trọng, ít nhất là để vận hành được những tàu sân bay của chính các nước này. Tuy nhiên quan chức Mỹ cho rằng thế hệ tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chống tàu mới nhất phần lớn vẫn chưa thể chứng minh được năng lực chiến đấu.
Mục tiêu chính của đội tác chiến tàu sân bay Nga có thể là tấn công mục tiêu trên mặt đất ở Syria, nhưng cũng có khả năng phòng thủ chống lại sự tấn công hải quân của kẻ thù. Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov mang 12 chiếc trực thăng chống ngầm, khiến bất kỳ tàu ngầm nào của NATO cũng khó tiếp cận được. Theo như truyền thông của Nga, đội tác chiến hải quân này còn bao gồm cả tàu tuần dương Peter Đại đế cũng như hai tàu chiến chống ngầm.
Các thuỷ thủ của Nga có thể còn lạ lẫm với các hoạt động tấn công bằng tàu ngầm nhưng họ cũng là hải quân duy nhất từng chiến đấu với tên lửa chống tàu từ khi Anh tham chiến ở Falklands năm 1982. Trong suốt cuộc chiến với Georgia năm 2008, một tập hợp các tàu chiến của Nga và Georgia đã tham gia vào cuộc chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu, chi tiết của trận chiến này phần lớn vẫn chưa được sáng tỏ.
Tất cả liên quan đến cuộc chiến trên mặt đất, cuộc chiến quyết định tương lai của Syria nói chung và Aleppo nói riêng. Mỹ biết rằng việc ngăn chặn cuộc tấn công của lực lượng Nga và Syria vào Aleppo có thể dẫn đến hành động quân sự nghiêm trọng hơn, ít nhất là bắn hạ nhiều máy bay hoặc nhằm vào các căn cứ không quân của liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Theo Reuters, tàu sân bay của Nga triển khai hoạt động tác chiến ở Địa Trung Hải không chỉ khẳng định sức mạnh của Nga mà còn làm phức tạp hơn những tính toán địa chính trị trên thế giới. Và đó chính là điều mà ông Putin mong muốn.