Đề cao việc đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Hacinco (Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội) cho biết, Dự án Khu đô thị mới Đại Kim được UBND TP. Hà Nội giao Công ty làm chủ đầu tư, nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân Thành phố.
Trong đó, có phần giải quyết nhu cầu về nhà ở của lực lượng an ninh, Công an TP. Hà Nội và của cán bộ, chiến sỹ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C44), Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (C46), Tổng cục VI (Bộ Công an), theo chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các lực lượng công an có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; phục vụ di dân giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cải tạo Khu tập thể Văn Chương (quận Đống Đa); các công trình công cộng như Trường Đại học dân lập Thăng Long cùng các trường tiểu học, nhà trẻ, cây xanh, bãi đỗ xe…
Theo ông Quang, dự án Khu đô thị mới Đại Kim có diện tích 21,6 ha thực hiện theo hình thức thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất – là hình thức thực hiện lần đầu tiên được áp dụng tại Hà Nội.
Chủ đầu tư cũng đã cố gắng vận dụng tối đa các chế độ, chính sách để có mức giá thỏa thuận chuyển nhượng tốt nhất cho các chủ đất. Đến thời điểm này, Hacinco đã cơ bản hoàn thành việc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp (đạt tỷ lệ 91,4%).
“Gần 10% diện tích dự án vẫn chưa hoàn thành chuyển nhượng cho Dự án bởi 2 lý do. Một là số hộ dân không thỏa thuận được với Công ty do ký hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp cho một số đối tượng và xây dựng công trình trái phép trên đất. Hai là các hộ dân đòi hỏi giá chuyển nhượng như đất thổ cư…”, ông Quang nói.
Là người trực tiếp phụ trách Dự án, Trưởng ban quản lý Dự án 2 (Công ty Hacinco), bà Lê Thị Mai Phương khẳng định, về mức giá và phương thức chuyển nhượng, Hacinco đã làm thủ tục tiếp nhận quyền sử dụng đất thông qua ký kết hợp đồng chuyển nhượng với với phần lớn các hộ dân. Giá thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp tại Dự án án Khu đô thị mới Đại Kim thậm chí cao hơn các dự án khu đô thị mới khác trên địa bàn.
“Cụ thể, đối với diện tích đất thì khung giá chuyển nhượng là 3,5 triệu đồng/m2, với các hộ có diện tích đất lớn hơn hơn 450 m2, mức giá chuyển nhượng của phần còn lại là 600.000 đồng/m2. Chính sách thỏa thuận này đem lại quyền lợi cho người dân cao hơn nhiều so với chính sách thu hồi, vì nếu thực hiện thu hồi thì đa số các hộ dân chỉ được bồi thường ở mức 252.000 đồng/m2”, bà Phương cho biết.
Đã trả lời rõ ràng
Về những vấn đề mà các hộ dân trú tại ngõ 168/99, tổ 30 phường Đại Kim khiếu nại, đại diện Hacinco cho biết, Công ty đã trả lời cụ thể bằng văn bản. Theo đó, đối với các trường hợp mua bán đất nông nghiệp của một số hộ dân với chủ đất cũ trước đây là giao dịch dân sự. Tuy nhiên, giao dịch này chưa được Nhà nước công nhận. Do đó, Hacinco không có thẩm quyền để xem xét tính chất pháp lý của các giao dịch này.
“Công ty chỉ có thể căn cứ vào các tài liệu hợp pháp để thực hiện thủ tục nhận chuyển nhượng từ người có quyền sử dụng đất”, bà Lê Thị Mai Phương cho biết.
Đề cập những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án Khu đô thị mới Đại Kim, theo Báo cáo số 106/CB – UBND của UBND phường Đại Kim gửi UBND quận Hoàng Mai, bà Cung Thị Hợp, Chủ tịch UBND phường Đại Kim cho biết: về nguồn gốc đất mà các hộ dân cứ trú tại ngõ 168/99, tổ 30 phường Đại Kim, trên bản đồ đất nông nghiệp trước đây thể hiện là ao nước do Hợp tác xã giao cho đông Đỗ Đình Dương và vợ là bà Nguyễn Thị Hòa.
Hiện nay, ông Đỗ Đình Dương và bà Nguyễn Thị Hòa đã chết. Toàn bộ phần diện tích đất ao được thể hiện trên bản đồ địa chính số thửa 151, tờ bản đồ số 4 đã chuyển nhượng có các chủ sử dụng khác. Về hiện trạng khu đất, tại thửa đất số 151 tờ bản đồ số 4, đã có 34 hộ gia đình đang sinh sống với 2 dãy nhà 2 tầng và nhà cấp 4. Cần phải nói thêm rằng, các hộ dân đã không đồng thuận cung cấp giấy tờ để xác định việc mua bán và thời điểm.
Trong khi bà Cung Thị Hợp khẳng định “UBND phường Đại Kim đang xin ý kiến UBND quận Hoàng Mai và cơ quan chức năng xử lý vấn đề này trong thời gian sớm nhất”, thì Hacinco vẫn tiếp tục đợi mặt bằng dù thời gian chờ đợi đã kéo dài gần 1 thập kỷ.
Theo Đầu tư
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu