Theo CBS News, mới đây tỉ phú Donald Trump, ứng cử viên Đảng Cộng hòa, tự hào tuyên bố ông vừa từ chối khoản quyên góp chính trị 5 triệu USD từ một giám đốc quỹ đầu tư.
Ông Trump khẳng định với tài sản khổng lồ 10 tỉ USD của mình, ông sẵn sàng chi 1 tỉ USD cho chiến dịch tranh cử.
Ông chỉ trích dữ dội việc đối thủ Jeb Bush huy động được hơn 150 triệu USD. “Jeb Bush là con rối trong tay những người quyên góp cho ông ta. Sớm hay muộn họ cũng sẽ đòi ông ta giúp đỡ. Tôi thì chẳng mắc nợ ai cả” - ông Trump nhấn mạnh.
Ông Trump cũng cho biết sẽ chỉ nhận tiền quyên góp “không đi kèm điều kiện”. Thông điệp đó là một trong những lý do khiến ông Trump giành được tỉ lệ ủng hộ rất cao từ các cử tri Cộng hòa, hiện lên tới 32% theo khảo sát của CNN/ORC Poll.
Tuyên bố của nhà tỉ phú này có thể gây tranh cãi nhưng không hề sai. Ảnh hưởng chính trị của giới siêu giàu Mỹ đối với các chiến dịch tranh cử đang bùng nổ.
Con đường riêng của Bernie Sanders
Khác với các đối thủ, ứng cử viên Dân chủ Bernie Sanders tuyên bố ông không muốn nhận tiền từ giới nhà giàu qua các PAC. Ông từng mô tả hệ thống tài chính tranh cử hiện nay là “tham nhũng và tương tự nạn hối lộ hợp pháp”.
Theo báo New York Times, trong sáu tháng đầu năm 2015 ông huy động được 16,4 triệu USD tiền quyên góp, phần lớn từ 400.000 cử tri Mỹ bình thường.
Ồ ạt đổ tiền cho tranh cử
Năm 2010, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết khẳng định quyên góp chính trị là một hình thức tự do ngôn luận. Điều đó có nghĩa là các tập đoàn và tỉ phú có quyền chi tiền không giới hạn cho các hoạt động chính trị. Kết quả là trong mùa bầu cử tổng thống năm 2016, giới siêu giàu ồ ạt đổ tiền vào hàng loạt siêu ủy ban hành động chính trị (PAC) hỗ trợ các ứng cử viên.
Trên lý thuyết, PAC ủng hộ một ứng cử viên sẽ bị cấm điều phối chiến thuật và kế hoạch tranh cử của nhân vật đó. Tuy nhiên thực tế hoàn toàn ngược lại.
Theo Trung tâm Chính trị phản ứng (CRP), trong sáu tháng đầu năm 2011 các PAC chỉ huy động được vài chục triệu USD cho các ứng cử viên cuộc bầu cử 2012. Nhưng cùng kỳ năm 2015, các PAC đã huy động được tới hơn 400 triệu USD.
Tính từ ngày 1-1 đến 30-6, hơn 48.000 người Mỹ quyên góp trực tiếp 130 triệu USD cho hoạt động tranh cử. Và chỉ vỏn vẹn 65 đại gia đã đóng góp tới 132 triệu USD cho các PAC. Một ví dụ điển hình là trường hợp của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Ted Cruz.
Các PAC của ông nhận 15 triệu USD từ anh em tỉ phú dầu khí Farris và Dan Wilks, 21 triệu USD từ hai giám đốc quỹ đầu tư.
Chỉ sáu cá nhân đã chi cho PAC của ông Cruz tới 36 triệu USD. Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của ông mới chỉ huy động được từ giới cử tri bình thường 14 triệu USD.
Tương tự, trong số 16 triệu USD tiền quyên góp chảy vào các PAC của ứng cử viên Cộng hòa Marco Rubio thì có đến 12,5 triệu USD đến từ bốn đại gia giàu có.
Gia đình tỉ phú Koch với khối tài sản 120 tỉ USD công khai tuyên bố sẽ đầu tư 889 triệu USD vào chiến dịch tranh cử hiện nay để thúc đẩy các chính sách chính trị bảo thủ, cực hữu.
Cứ sáu tháng một lần, nhà Koch tổ chức hội nghị để yêu cầu các ứng cử viên Đảng Cộng hòa “thể hiện” bản thân. Trước hội nghị hồi tháng 8 ở California, ông Trump giễu cợt trên Twitter: “Tôi chúc may mắn cho tất cả ứng cử viên Cộng hòa đến California để xin tiền từ nhà Koch. Đúng là những con rối”.
Hủy diệt hệ thống chính trị Mỹ
Báo Boston Globe dẫn lời chuyên gia chính trị Kellyanne Conway nhận định các PAC có hoạt động mạnh trong mùa bầu cử 2012, nhưng đến nay đã “vươn lên một đẳng cấp khác”.
Chuyên gia Fred Wertheimer, lãnh đạo Tổ chức Democracy 21, chỉ trích: “Một số lượng nhỏ những người giàu nhất nước Mỹ đang thể hiện ảnh hưởng chính trị khủng khiếp, trong khi 300 triệu người dân Mỹ bị gạt ra bên lề”.
Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter còn nặng lời hơn: “Chúng ta đang chứng kiến sự đổ vỡ của hệ thống chính trị Mỹ”. Theo ông Carter, dòng tiền vô hạn đổ vào chính trị là hành vi hối lộ và “xâm phạm tinh thần của hệ thống chính trị đã đưa Mỹ trở thành một quốc gia vĩ đại”.
Chuyên gia Lawrence Noble của Trung tâm Pháp lý tranh cử (CLC) cảnh báo việc giới siêu giàu chi phối bầu cử khiến vai trò của các cử tri bình thường bị thu hẹp nghiêm trọng.
“Nền dân chủ Mỹ đang bị đe dọa. Những nguyên tắc chính trị cơ bản đang bị xâm hại” - ông Noble nhấn mạnh.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ, kêu gọi xóa bỏ phán quyết năm 2010 của Tòa án Tối cao Mỹ. Bà cho rằng hệ thống chính trị Mỹ “đã bị các tỉ phú cướp đoạt”. Tuy nhiên, bản thân bà cũng được hưởng lợi từ cơ chế này.
Một PAC của bà Clinton đã huy động được 15 triệu USD, trong đó có tiền từ các tỉ phú. Ông Trump tiết lộ từng quyên góp cho bà Clinton trong mùa bầu cử trước và yêu cầu bà đến dự đám cưới của ông. “Và bà ấy có mặt. Bởi bà ấy không có sự lựa chọn nào khác” - ông Trump kể.
Vậy phải chăng ông Trump là sự lựa chọn tốt hơn? Một số chuyên gia bình luận việc để một tỉ phú rải tiền vào Nhà Trắng cũng chẳng dân chủ gì hơn việc một ứng cử viên khác bị các đại gia mua.
Bản thân ông Trump từng thú nhận trong nhiều thập kỷ qua đã không ít lần chi tiền cho các chính trị gia rồi sau đó đòi hỏi quyền lợi. Do đó, việc ông Trump mô tả mình là “hoa sen” trong “đầm lầy” tiền bạc chính trị bị chê là quá nực cười.
Con đường riêng của Bernie Sanders
Khác với các đối thủ, ứng cử viên Dân chủ Bernie Sanders tuyên bố ông không muốn nhận tiền từ giới nhà giàu qua các PAC. Ông từng mô tả hệ thống tài chính tranh cử hiện nay là “tham nhũng và tương tự nạn hối lộ hợp pháp”.
Theo báo New York Times, trong sáu tháng đầu năm 2015 ông huy động được 16,4 triệu USD tiền quyên góp, phần lớn từ 400.000 cử tri Mỹ bình thường.
Theo Tuổi trẻ