Ông Lưu Triệu Giai (Liu Zhaojia, hay Lau Siu-kai), Giáo sư Xã hội học tại Đại học Trung văn Hồng Kông, Phó chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Hồng Kông và Macao toàn quốc, Ủy viên Chính Hiệp Trung Quốc – một học giả nổi tiếng đã trả lời phỏng vấn trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, phân tích cho rằng tuyên bố mới nhất của ông Tập Cận Bình đã truyền tải ít nhất ba tín hiệu và cuộc bạo loạn ở Hồng Kông đã bước vào giai đoạn cuối. Ông cũng đưa ra các đánh giá, nhận định về tính chất, tương lai và kết cục của phong trào biểu tình tại Hồng Kông hiện nay.
VietTimes xin chuyển ngữ bài phỏng vấn Giáo sư Lưu Triệu Giai để bạn đọc tham khảo.
Giáo sư Lưu Triệu Giai: ông Tập Cận Bình nói để người Hồng Kông nghe, ông cũng muốn nói cho cộng đồng quốc tế nghe.
|
Đa Chiều: Trong mấy ngày qua, tình hình xung đột bạo lực ở Hồng Kông lại leo thang và xấu đi. Khi ông Tập Cận Bình tham dự Hội nghị lần thứ mười một các nhà lãnh đạo BRICS tại Brasilia, ông lại lên tiếng về vấn đề Hồng Kông và sử dụng các cụm từ “3 nghiêm trọng” (tức: các hành vi quá khích phạm tội bạo lực ở Hồng Kông đã chà đạp nghiêm trọng luật pháp và trật tự xã hội, phá hoại nghiêm trọng sự phồn vinh và ổn định của Hồng Kông, thách thức nghiêm trọng giới hạn của nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ) và “6 kiên định” (kiên định ủng hộ Trưởng quan Hành chính lãnh đạo Chính quyền Đặc khu hành chính điều hành chính quyền theo luật pháp Hồng Kông; kiên định ủng hộ cảnh sát Hồng Kông nghiêm khắc thực thi pháp luật; kiên định ủng hộ các cơ quan pháp luật Hồng Kông nghiêm trị các phần tử phạm tội bạo lực; kiên định quyết tâm của chính phủ trung ương trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia; kiên định quyết tâm thực hiện nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” và kiên định quyết tâm chống lại mọi sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào Hồng Kông).
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, “chấm dứt bạo loạn, khôi phục trật tự là nhiệm vụ cấp bách nhất của Hồng Kông lúc này”. Mặc dù ông Tập Cận Bình đã thể hiện rõ ràng thái độ cứng rắn, nhưng dường như vẫn không gây nên sự chú ý đủ mức ở Hồng Kông. Giáo sư nhìn nhận tuyên bố của ông Tập Cận Bình như thế nào? Đây có thể được coi là tối hậu thư của Bắc Kinh đối với những người biểu tình bạo lực ở Hồng Kông hay không?
Giáo sư Lưu Triệu Giai: Ông Tập Cận Bình phát biểu như vậy trong một diễn đàn quốc tế, ngoài việc nói để người Hồng Kông nghe, ông cũng muốn nói cho cộng đồng quốc tế nghe.
Có thể thấy rằng, thứ nhất, chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng các biện pháp kiên quyết để xử lý cuộc bạo loạn ở Hồng Kông và cũng cảnh cáo các lực lượng bên ngoài không được can thiệp vào công việc của Hồng Kông, không được ủng hộ và khuyến khích các phần tử bạo lực. Thứ hai, thái độ của ông Tập Cận Bình rất cứng rắn, cảm giác cấp bách về chấm dứt bạo loạn rất mạnh mẽ, để muốn nói rằng phải nhanh chóng sử dụng mọi biện pháp càng sớm càng tốt để đẩy nhanh việc chấm dứt bạo lực và bạo loạn. Thứ ba, phát biểu của ông Tập Cận Bình không biểu dương hay khẳng định hành động của bà Carie Lam và chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông (SAR) trong việc chấm dứt bạo loạn; cũng không nói “khẳng định cao độ”, mà là yêu cầu Trưởng quan Hành chính Hồng Kông lãnh đạo chính quyền SAR điều hành quản lý theo pháp luật, các bên hợp tác để trừng phạt tội phạm bạo lực và ngăn chặn bạo loạn. Ngoài ra, ông cũng lần đầu tiên đề cập đến cơ quan tư pháp, đưa ra yêu cầu đối với cơ quan tư pháp.
Giáo sư Lưu Triệu Giai: thái độ của ông Tập Cận Bình đã nói lên rằng, cuộc bạo loạn ở Hồng Kông đã đi đến giai đoạn cuối cùng.
|
Tôi nghĩ, thái độ này của ông Tập Cận Bình đã nói lên rằng, cuộc bạo loạn ở Hồng Kông đã đi đến giai đoạn cuối cùng. “Giai đoạn cuối cùng”, như tôi đã nói trước đây, là những người trẻ tuổi là chính, tình trạng bạo lực không ngừng leo thang, hy vọng dùng việc làm tê liệt giao thông tại Hồng Kông để đạt được hiệu quả, nhưng kết quả đã gây nên sự oán giận của nhiều người Hồng Kông. Bây giờ rõ ràng đã cảm thấy sự phản đối họ của nhiều công dân Hồng Kông, chẳng hạn như tự phát dọn dẹp chướng ngại vật trên đường và xảy ra xung đột va chạm với những người áo đen. Vì vậy, bây giờ đã thực sự là giai đoạn quyết chiến. Một mặt, ông Tập Cận Bình, với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất, đã lên tiếng đốc thúc chính phủ SAR nhanh chóng chấm dứt bạo loạn càng sớm càng tốt; mặt khác, các phần tử bạo lực cũng hy vọng gia tăng bạo lực và gây áp lực lên chính quyền SAR và chính phủ trung ương thông qua việc chiếm giữ các trường đại học. Kết quả chắc chắn các phần tử bạo lực sẽ không thể thành công. Chính quyền SAR cũng đã bày tỏ sẽ không chấp nhận yêu cầu của họ. Hơn nữa, những người biểu tình bạo lực hiện sử dụng trường đại học làm căn cứ để vây nhốt những người biểu tình và cản trở giao thông. Trên thực tế, lại càng khiến dân chúng oán trách; một số sinh viên trong Đại học Trung văn đã lục tục bỏ đi.
Vì vậy, tôi phán đoán: những hành động quá khích xảy ra trong khuôn viên nhà trường sẽ sớm kết thúc, rốt cục dân ý và dư luận xã hội bây giờ đã rất bất lợi cho họ. Một số người im lặng, mặc dù không trực tiếp tách rời khỏi họ, nhưng không còn cung cấp hỗ trợ hoặc đồng tình nữa. Nhưng đồng thời với việc nhanh chóng kết thúc (bạo loạn), cuộc đấu tranh bất bạo động sẽ vẫn tiếp tục, đặc biệt là trong bối cảnh ván bài chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ trong vấn đề Hồng Kông. Đồng thời, chính phủ trung ương cũng có thể đưa ra một số chính sách, thiết lập một cơ chế thực thi để đảm bảo rằng các cuộc bạo loạn tương tự từ nay về sau sẽ không còn xảy ra ở Hồng Kông để bảo vệ an ninh quốc gia tốt hơn.
Giáo sư Lưu Triệu Giai: cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã từ phong trào đường phố diễn biến thành phong trào sinh viên.
|
Đa Chiều: Khi chiến trường chuyển vào các trường đại học, trọng tâm cũng đã chuyển sang các nhóm các sinh viên, phong trào đường phố lúc ban đầu liệu có biến thành một phong trào sinh viên?
Giáo sư Lưu Triệu Giai: thực ra, ngay khi diễn ra cuộc bao vây Hội đồng Lập pháp ngày 1 tháng 7, đã chủ yếu là những người trẻ tuổi, đặc biệt là sinh viên đại học, nhưng trong 1 tháng trở lại đây, vai trò của các nhóm học sinh đang ngày một lớn. Có thể nói, bây giờ nó đã diễn biến thành một phong trào sinh viên khốc liệt, lấy các trường đại học làm căn cứ. Và bởi vì nó đã biến thành một phong trào sinh viên, nên ngay cả khi bạo lực leo thang, vẫn sẽ có một số người đồng tình với các sinh viên.
Đa Chiều: Nếu nó trở thành một phong trào sinh viên, liệu sẽ có sự điều chỉnh biện pháp của Bắc Kinh để ngăn chặn bạo lực? Xét cho cùng, phong trào sinh viên khác với phong trào đường phố với tất cả các thành phần xã hội tham gia. Phong trào sinh viên thuần túy hơn, có đạo đức và lý tưởng hơn. Nếu là một phong trào sinh viên, liệu có thể xem xét cần một tay mềm một tay cứng. Mềm là có thể xem xét đặc xá một bộ phận bị ép buộc; cứng là áp dụng đối với số ít những người thuộc phái “vũ dũng” thích làm gì là làm.
Ga tàu điện ở cổng trường Đại học Khoa học tự nhiên bị đập phá
|
Giáo sư Lưu Triệu Giai: Ông thấy phong trào sinh viên ở những nơi khác, đến một mức độ nào đó cũng rất bạo lực, nhưng cuối cùng họ cũng sẽ dừng lại và quay trở lại trường học. Hiện nay, sinh viên là chủ thể của xung đột bạo lực ở Hồng Kông, hình ảnh của họ trong lòng người Hồng Kông đã không còn là các sinh viên đơn giản, mà đã trở nên rất tồi tệ. Rất nhiều người không thể hiểu được những thủ đoạn khốc liệt mà các sinh viên hiện đang sử dụng, đồng thời cũng rất thất vọng với các nhà quản lý trường đại học vì những nhà quản lý đại học đã không xứng đáng với sự ủng hộ và kỳ vọng của mọi tầng lớp xã hội. Từ góc độ Trung ương, cũng rất lo lắng khi thấy các sinh viên trở nên cực đoan và bạo lực và bắt đầu nhận ra rằng giáo dục của Hồng Kông đã có vấn đề lớn. Những sinh viên này về căn bản không hiểu chính sách của Trung ương đối với Hồng Kông, căn bản không hiểu được “một quốc gia hai chế độ” và những quyền lợi được hưởng trong cơ chế “một quốc gia hai chế độ”.
Khuôn viên các trường đại học đã trở thành căn cứ cố thủ của những người biểu tình.
|
Hơn nữa, xem xét từ các khía cạnh khác nhau, các loại tư tưởng “Hồng Kông độc lập” hiện rất phổ biến trong giới trẻ. Họ cơ bản coi “Trung Quốc” là “nước ngoài”. Hiện nay hành vi của rất nhiều học sinh đã vi phạm quy định tại Điều 23 của “Luật cơ bản”, nguy hại đến an ninh quốc gia, nhưng vì không có pháp luật với Điều 23 nên không thể sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết. Tiếp theo, tôi nghĩ rằng, tăng cường công tác giáo dục của học sinh, nâng cao nhận thức và hiểu biết của họ về “Luật cơ bản” và cơ chế “một quốc gia hai chế độ”, là rất quan trọng và then chốt, đặc biệt là cần đặt an ninh quốc gia ở một vị trí cực kỳ quan trọng, sử dụng biện pháp pháp lý để đạt được mục đích giáo dục. Trong cơn bão chính trị lần này, trên thực tế là một đợt giáo dục chính trị thiết thực cho sinh viên, tăng cường cảm giác thực tế cho sinh viên, để họ nhận ra rằng hành vi bạo lực của họ không thay đổi được giới hạn của Trung ương; Trung ương sẽ không bao giờ nhượng bộ về các vấn đề nguyên tắc lớn. Nếu mù quáng kích động, cho rằng với sự hỗ trợ của các thế lực bên ngoài có thể buộc chính quyền SAR và chính phủ trung ương nhượng bộ, thì cuối cùng không chỉ tự hại bản thân, mà còn gây hại cho Hồng Kông./.
Giáo sư Lưu Triệu Giai (Lau Siu-kai) sinh năm 1947, người Đông Hoàn, Quảng Đông, hiện là Ủy viên khu vực Hồng Kông của Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc Trung Quốc, Phó Hội trưởng nghiên cứu Hồng Kông, Macao toàn quốc, cựu Cố vấn hàng đầu của Tổ Chính sách trung ương về chính quyền SAR (từ 2002 đến 2012). Ông tốt nghiệp chuyên ngành Xã hội học và Kinh tế học tại Đại học Hồng Kông; năm 1975 lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Minesota (Mỹ) rồi về giảng dạy môn Xã hội học tại Đại học Trung văn Hồng Kông; năm 1983 được phong Giảng sư cao cấp, năm 1987 được thăng học hàm Giáo sư. Ngoài giảng dạy, Giáo sư Lưu Triệu Giai tích cực tham gia chính trị.Từ 1993 được chính phủ Trung Quốc ủy nhiệm làm Cố vấn về vấn đề Hồng Kông; cùng năm được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn Trung Quốc (Quốc hội) ủy nhiệm làm Ủy viên Ủy ban Trù bị Đặc khu Hồng Kông; từ 2003 là Ủy viên Chính Hiệp toàn quốc; từ 2002 đến 2012 là Cố vấn hàng đầu của Tổ chính sách trung ương của chính quyền Đặc khu Hồng Kông. |