Giám đốc SenSecures: Dòng tiền chuẩn bị đổ vào Việt Nam để phát triển kinh tế số

VietTimes – Ông Shum Mew Toong - Giám đốc điều hành của SenSecures - cho rằng ông có niềm tin mạnh mẽ khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, khi tỉ lệ tăng trưởng của nền kinh tế số trên GDP đạt trung bình 38%/năm kể từ năm 2015, đạt 12 tỉ USD năm 2019 và được dự báo lên đến 43 tỉ USD vào năm 2025.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Là người “cầm cương” của một “liên quân” hợp tác giữa các hãng bảo mật McAfee, Menlo Security,  Proofpoint và Công ty Cổ phần Vietnet nhằm cung cấp nền tảng công nghệ cho các sản phẩm, dịch vụ, ông Shum Mew Toong khẳng định ông kỳ vọng rất cao vào sự phát triển nền kinh tế số của Việt Nam.

Giải thích lý do Việt Nam là đất nước đầu tiên phát triển dịch vụ trong khu vực ASEAN của SenSecures, ông Shum Mew Toong đưa ra những con số chứng minh sự phát triển kinh tế số của Việt Nam, rằng từ năm 2015 cho đến năm 2018, thống kê cho thấy tỉ lệ tăng trưởng của nền kinh tế số tại Việt Nam trên GDP có tốc độ tăng trưởng trung bình là 38%/năm. 

Theo ông Toong, đây là một điều đáng mừng. Đặc biệt hơn, nếu nhìn nó trong bức tranh tổng thể tỉ lệ tăng trưởng của nền kinh tế số so với sự tăng trưởng GDP thì hiện tại Việt Nam và Indonesia đang là hai nước dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng hàm lượng của kinh tế số trong tăng trưởng chung của GDP.

Ông Shum Mew Toong - Giám đốc điều hành của SenSecures.
 Ông Shum Mew Toong - Giám đốc điều hành của SenSecures.

“Năm 2016, chúng ta đã chứng kiến có đến 23 tỉ USD để đầu tư vào kinh tế số của Singapore. Trong khi đó, năm 2018 con số đầu tư này ở Việt Nam mới khoảng 1 tỉ USD. Rõ ràng đây là một cơ hội cho Việt Nam vì bởi muốn phát triển kinh tế số chắc chắn phải có sự đầu tư. Chúng ta sẽ nhìn thấy dòng tiền chuẩn bị đổ vào Việt Nam trong tương lai gần để phát triển kinh tế số, đặc biệt dòng tiền sẽ tập trung vào một vài ngành nghề chiếm tỉ trọng lớn của kinh tế số”, ông Toong nói.

Các lĩnh vực ông Toong cho rằng sẽ thu hút đầu tư là thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

Báo cáo của E-conomy 2019 mới đây công bố 7 khu vực thành thị chiếm tỉ trọng rất lớn, được coi là khu vực metro trong việc phát triển nền kinh tế số của khu vực ASEAN và riêng Việt Nam đóng góp hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP. HCM. Tại đây, 15% dân số thuộc khu vực đô thị lại đóng góp 52% về doanh số cho nền kinh tế số. Rất nhiều dịch vụ từ khâu tiêu dùng tới thanh toán sẽ chuyển sang số hóa. 

Năm 2019, Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng Internet, trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng Internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone) và theo tỉ lệ trung bình trong khu vực, việc sử dụng tập trung vào nhóm các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông liên lạc (52%), ứng dụng xem video (20%) và game (11%), cùng các ứng dụng cho công việc.