Ngày 26/10, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh vừa công bố Nghị quyết (được thông qua ngày 25/10) của Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Mã CK: HSG) về việc Thông qua chủ trương tái cấu trúc hệ thống phân phối (HTPP) của tập đoàn trong giai đoạn hiện nay.
Nghị quyết được đưa ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu HSG được giao dịch trên thị trường đang rơi về mức 10.000 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 26/10/2018), đánh mất hơn 2/3 giá trị kể từ vùng đỉnh (giá đã thực hiện điều chỉnh) được xác lập vào giữa năm 2017.
Cạnh tranh khốc liệt tại khu vực Miền Bắc và Miền Trung
Mở đầu nghị quyết về chủ trương tái cấu trúc, HSG cho biết lý do triển khai hoạt động này đến từ những lý do khách quan và chủ quan.
Cụ thể, Tập đoàn Hoa Sen cho biết diễn biến thị trường trong thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn và bất ổn, đặc biệt tại các khu vực Miền Bắc và Miền Trung. Bên cạnh đó, HSG cũng thừa nhận mô hình nhượng quyền thương mại đối với một số đơn vị không mang lại thành công, do các đơn vị này chuyển sang kinh doanh sản phẩm của các doanh nghiệp khác.
Với các lý do khách quan trên, Tập đoàn này sẽ phải phát triển nhanh hệ thống chi nhánh/cửa hàng bán lẻ (mang thương hiệu Hoa Sen và phân phối 100% sản phẩm của Hoa Sen) để gia tăng sản lượng tiêu thụ, tăng trưởng thị phần nội địa.
Đối với các thị trường cạnh tranh khốc liệt như tại Miền Bắc và Miền Trung, HSG sẽ tập trung, thống nhất mọi nguồn lực để tăng cường năng lực cạnh tranh, cũng như phát huy lợi thế của HTPP để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giải quyết dòng tiền, hạch toán chi phí khấu hao và thanh toán dư nợ trung – dài hạn cho các dự án.
Bên cạnh lý do khách quan, HSG cũng đưa ra các lý do chủ quan cho hoạt động tái cấu trúc HTPP.
Cụ thể, về hoạt động sản xuất, HSG cho biết sản lượng sản xuất của Tập đoàn này đã đạt xấp xỉ 2 triệu tấn/năm, do đó, phải mở rộng HTPP để đáp ứng quy mô của Tập đoàn.
Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, HSG đang triển khai tái cấu trúc HTPP theo mô hình chi nhánh tỉnh, do đó phải đảm bảo sự nhất quán, tập trung trong các quyết sách về giá bán, chính sách kinh doanh, cung ứng tại từng tỉnh/thành, đồng thời góp phần tiết giảm chi phí và nguồn lực trong công tác quản lý, điều hành HTPP theo từng tỉnh/thành.
Diễn biến giá cổ phiếu HSG (giai đoạn từ năm 2015 - nay) phần nào phản ánh lo ngại của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (Nguồn: VNDS)
|
Sự trợ giúp từ một “Hoa Sen” khác?
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, HSG sẽ đàm phán, làm việc với Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen (Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen) để nhận chuyển nhượng các chi nhánh thuộc quyền sở hữu, quản lý, khai thác của Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen tại một số tỉnh thành, để đảm bảo tại tỉnh thành đó sẽ hiện diện 100% chi nhánh cửa hàng thuộc HSG.
Các tỉnh thành mà HSG nhận chuyển nhượng sẽ tập trung chủ yếu tại các “điểm nóng” là khu vực Miền Bắc và Miền Trung.
Ở chiều hướng ngược lại, để hài hòa lợi ích, HSG sẽ chuyển nhượng cho Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen một số ít chi nhánh/cửa hàng tại 9 tỉnh/thành tại Miền Nam nhằm thuận tiện cho công tác quản lý của hai bên.
Đáng chú ý, Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen là cổ đông lớn của HSG với số cổ phiếu nắm giữ (tính tới ngày 13/7/2018) là hơn 97,6 triệu cổ phiếu, tương đương với 25,36% cổ phiếu đang lưu hành. Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT HSG là ông Lê Phước Vũ cũng là Chủ sở hữu kiêm Chủ tịch của Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen.
Có thể thấy hai tập đoàn này đã có mối quan hệ mật thiết đối với nhau, đó là chưa kể tới các hoạt động giao dịch thương mại có liên quan được trình bày trong các báo cáo tài chính.
Đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng
Cũng cần lưu ý rằng, nội dung nghị quyết của HĐQT HSG cũng nêu rõ nguyên tắc rằng việc chuyển nhượng giữa hai bên sẽ được thực hiện một cách khách quan, minh bạch, công bằng, hài hòa lợi ích và luôn đảm bảo đảm lợi ích tối ưu của HSG.
Và tất cả các giao dịch có liên quan về tài sản sẽ phải thông qua các đơn vị thẩm định độc lập bên ngoài tùy theo các nghiệp vụ phát sinh lên quan đến tài sản, tài chính của từng bên khi tiến hành thực hiện việc chuyển nhượng.
Hoạt động chuyển nhượng các chi nhánh phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo số chi nhánh nhận chuyển nhượng của HSG phải lớn hơn số chi nhánh/cửa hàng chuyển nhượng (cho Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen). Mặt khác, các chi nhánh HSG nhận chuyển nhượng phải là những đơn vị có hoạt động kinh doanh tốt, ổn định nhằm đảm bảo tối đa hóa lợi ích và tăng năng lực cạnh tranh của Tập đoàn này.
Hoạt động tổ chức thực hiện được HĐQT giao cho Ban Tổng Giám đốc, Ban Tái cấu trúc, Phụ trách Quản trị Công ty phối hợp, chủ trì và chỉ đạo các đơn vị liên quan.
Ngoài ra, HĐQT cũng ủy quyền cho ông Trần Ngọc Chu – Phó Chủ tịch HĐQT Thường Trực – Điều hành và ông Trần Quốc Chí – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tổ chức, giám sát việc thực hiện nội dung Nghị quyết này và báo cáo tại các phiên họp HĐQT tiếp theo./.
Sắp xếp lại HTPP tại các tỉnh sẽ cắt giảm chi phí bán hàng (của HSG) như thế nào? Trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (niên độ tài chính) 2017 – 2018, trả lời câu hỏi này của cổ đông, đại diện HSG cho biết: Việc tái cấu trúc HTPP theo mô hình Chi nhánh tỉnh sẽ tăng cường hiệu quả và sự tinh gọn của bộ máy quản trị, kiểm soát toàn hệ thống phân phối. Sau khi hoàn thành việc tái cấu trúc hệ thống phân phối theo mô hình tỉnh, số lượng chi nhánh tỉnh hạch toán trực thuộc Tập đoàn sẽ được tinh giảm xuống còn 63 chi nhánh tương ứng với 63 tỉnh/thành. Điều này góp phần tinh giảm các thủ tục pháp lý liên quan đến kế toán, thuế, đăng ký kinh doanh đối với các chi nhánh thuộc HTPP. Với việc tái cấu trúc HTPP theo mô hình mới, các Chi nhánh tỉnh sẽ được tăng cường tính chủ động trong việc điều phối, luân chuyển hàng hóa, phương tiện vận tải, vận dụng tối đa hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị tại các cửa hàng phân phối, từ đó tối ưu hóa chi phí về nhân công và các chi phí phát sinh để vận hành máy móc thiết bị./. |