Gazprom: “Châu Âu cần dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”

Quan chức cấp cao của Gazprom vừa khẳng định Châu Âu không chỉ cần phải bằng lòng với Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đang còn trên giấy, mà cả với nhiều dự án phân phối khí đốt sau này.
Gazprom vẫn giữ lập trường cứng rắn, cho rằng châu Âu không còn lựa chọn nào khác ngoài ủng hộ đường ống.
Gazprom vẫn giữ lập trường cứng rắn, cho rằng châu Âu không còn lựa chọn nào khác ngoài ủng hộ đường ống.

“Chúng tôi đang giả định rằng châu Âu vẫn biết tính toán thiệt hơn, thì các bên sẽ sớm đàm phán không chỉ về khối lượng khí đốt chuyển qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, và còn cả khối lượng khí đốt bổ sung”, ông Alexander Medvedev, Phó chủ tịch Gazprom trả lời hãng tin Prime.

Không có được sự giúp đỡ, châu Âu sẽ thiếu hụt 50 tỷ mét khối khí nhập khẩu vào năm 2025, ông cảnh báo.

Đây là tuyên bố mới nhất của một trong các bên liên quan tới vụ tranh cãi qua lại giữa Gazprom và châu Âu, liên quan đến triển vọng của dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là dự án thay thế Dòng chảy Phương Nam trị giá 40 tỷ USD đã chính thức bị khai tử vào tháng 12 năm ngoái.

Gazprom vẫn giữ lập trường cứng rắn, cho rằng châu Âu không còn lựa chọn nào khác ngoài ủng hộ đường ống. Ngược lại, châu Âu đang bày tỏ nghi ngờ về dự án, khi nó có thể vi phạm bộ luật về năng lượng của EU, trong đó cấm các công ty kiểm soát hoàn toàn một dây chuyền cung cấp khí đốt.

Cuộc đàm phán kéo dài gần 2 tháng đang lâm vào thế tắc, gây thiệt hại cho cả hai bên. Gazprom đã mất nhiều trăm triệu euro cho các tàu chở khúc đường ống. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể sử dụng mức giảm giá khí đốt mà các bên đã đồng ý, vì thế buộc phải mua khí đốt Nga đắt hơn 100 USD so với giá trung bình của châu Âu.

Gazprom đã mất nhiều trăm triệu euro cho các tàu chở khúc đường ống.  

Để đối phó, chính quyền Ankara tăng nhập khẩu khí gas hóa lỏng, rẻ hơn khí đốt của Nga khoảng 50USD. Kết quả là mức cung cấp từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng Tư bị sụt gần 40%.

Theo các chuyên gia, một trong số các nguyên nhân khiến EU phản đối Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ là vì nó đe dọa ý định đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để thoát ly Nga. Hiện Nga vẫn là nhà cung cấp 1/3 nhu cầu khí đốt và dầu mỏ cho khu vực này.

Để độc lập hóa, EU đã tăng lượng tiêu thụ năng lượng tái tạo lên 15% tổng tiêu thụ và đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế.

Quý đầu năm nay, Na-uy thay Nga chuyển hơn 29 tỷ mét khối khí đốt tới Tây Âu. Trước đây Nga chịu trách nhiệm bán hơn 20 tỷ mét khối tới khu vực này.

EU dự kiến sẽ mua khoảng 10 tỷ mét khối khí đốt từ Azerbaijan đến năm 2020 qua các đường ống Caspi.

Theo kế hoạch, dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12/2016, sẽ là một tuyến đường vận chuyển khí đốt thay thế của Nga mà không phải đi qua lãnh thổ Ukraine.

Tuyến đường ống này - kéo dài tới biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp qua Biển Đen, có công suất vận chuyển 63 tỷ mét khối khí đốt. Các quốc gia EU sẽ phải tự xây dựng các đường ống dẫn từ Hy Lạp về nước mình.

Cuối tháng Năm, ông Oleg Aksyutin - thành viên Ban điều hành Gazprom, cho biết việc xây dựng tuyến đường ống ngoài khơi dài 1.100km này sẽ bắt đầu tại khu vực nước nông trên Biển Đen vào đầu tháng Sáu.

Đây được xem là sự kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử: Một nước bắt tay xây dựng đường ống khí đốt ở nước ngoài tới Thổ Nhĩ Kỳ mà chưa ký được một thỏa thuận với tập đoàn khí đốt quốc doanh BOTAS.

  Theo: BizLive