Đỉnh điểm là trong năm tài chính 2019 (kết thúc ngày 31/7), doanh thu tại Việt Nam của Gamuda Berhad đạt tới 1,35 tỉ ringgit (tương đương 7.538 tỉ đồng), chiếm 18,9% tổng doanh thu.
Bước sang năm tài chính 2020, doanh thu tại Việt Nam của Gamuda Berhad giảm xuống còn 877,6 triệu ringgit (tương đương 4.875 tỉ đồng) nhưng vẫn là thị trường nước ngoài đem lại doanh thu nhiều nhất, cao gần gấp 4 lần các thị trường khác của tập đoàn này.
Tập đoàn đến từ Malaysia tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam từ năm 2007, với 2 dự án đáng chú ý là Celadon City tại TP. HCM (quy mô 82,5 ha, tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD) và dự án Gamuda City, công viên Yên Sở tại Hà Nội (quy mô 500ha, tổng vốn đầu tư 5 tỉ USD).
Gamuda Berhad sở hữu các dự án nói trên thông qua việc nắm giữ 100% vốn tại 2 pháp nhân là CTCP Gamuda Land (HCMC) và Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam.
Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, Gamuda Berhad còn muốn tìm kiếm thêm các dự án tại Việt Nam, kể như việc thành lập công ty Gamuda – Nam Long Development Limited (GNL), song doanh nghiệp này đã giải thể từ tháng 8/2017.
Dẫu vậy, chỉ với 2 dự án, Gamuda Berhad cũng gặt hái được không ít thành công.
Theo dữ liệu của VietTimes, trong giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu thuần của CTCP Gamuda Land (HCMC) tăng trưởng bằng lần qua từng năm.
Như năm 2019, số liệu tài chính riêng lẻ cho thấy, doanh thu thuần của công ty này đạt mức 4.140,7 tỉ đồng, cao gấp 9,41 lần so với năm 2017 và tăng gấp 2,3 lần so với năm 2018.
Cùng với đó, hiệu quả kinh doanh của Gamuda Land (HCMC) cũng được cải thiện rõ rệt. Năm 2019, công ty này báo lãi 955,3 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2018. Tỉ lệ lợi nhuận trên doanh thu ở mức 23,1%, tức cứ khoảng 4,3 đồng doanh thu Gamuda Land (HCMC) thu về 1 đồng lãi.
Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của Gamuda Land (HCMC) đạt mức 8.581,2 tỉ đồng, cao gấp 2,9 lần so với quy mô vốn chủ sở hữu.
Tương tự, Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam (Gamuda Land Việt Nam) cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2017 – 2019.
Trong đó, năm 2019, Gamuda Land Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt mức 3.177,7 tỉ đồng, tăng 28% so với năm trước. Đồng thời, công ty này cũng báo lãi thuần 558,9 tỉ đồng, cao gấp 2,78 lần so với năm 2018.
Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Gamuda Land Việt Nam đạt mức 14.832,5 tỉ đồng, cao gấp 3,5 lần quy mô vốn chủ sở hữu.
Hoạt động kinh doanh hiệu quả của 2 công ty con giúp tập đoàn đến từ Malaysia nổi danh trong giới địa ốc Việt Nam.
Song, giới đầu tư không khỏi bất ngờ khi Gamuda Land nằm trong danh sách nợ thuế năm 2020 với tổng số tiền là 541 tỉ đồng (trong đó tiền thuê đất là 421 tỉ đồng, tiền chậm nộp 120 tỉ đồng).
Hành trình về tay Gamuda của Celadon City
Theo tìm hiểu của VietTimes, Gamuda Land (HCMC) tiền thân là CTCP Đầu tư Bất động sản Sài Gòn Thương tín Tân Thắng (Tân Thắng) – chủ đầu tư Khu liên hợp Thể dục Thể thao và dân cư Tân Thắng tại quận Tân Phú, Tp. HCM (tên thương mại là Celadon City).
Doanh nghiệp này thành lập từ tháng 8/2009, từng là thành viên của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (nay là TTC Land – Mã CK: SCR).
Năm 2013, SCR đã bán 29,41% cổ phần tại Tân Thắng, từ đó mất quyền chi phối và ảnh hưởng trọng yếu đến các chính sách tài chính và hoạt động của Tân Thắng.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, phải tới tháng 4/2016, SCR mới hoàn tất việc thoái nốt 30% vốn tại Tân Thắng nhường bước cho Gamuda Land (HCMC) SDN BHD nâng tỉ lệ sở hữu lên mức 98% vốn điều lệ.
Tân Thắng sau đó đã đổi tên thành Gamuda Land (HCMC), đánh dấu việc thâu tóm thành công dự án Celadon City của tập đoàn đến từ Malaysia.
Theo truyền thông trong nước, thời gian qua, Gamuda Land (HCMC) có kiến nghị UBND Tp. HCM hoàn trả số tiền 514 tỉ đồng mà công ty này đã chi trả để bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với 34,6 ha đất giao thông, cây xanh và mặt nước trong khuôn viên dự án Khu liên hợp Thể dục Thể thao và dân cư Tân Thắng.
Gamuda Land (HCMC) cho rằng khu đất 34,6 ha nêu trên nhằm phục vụ mục đích công cộng nên yêu cầu UBND Tp. HCM hoàn trả số tiền này.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, Gamuda Land (HCMC) không trực tiếp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân tái định cư, mà chỉ mua lại cổ phần để sở hữu dự án từ CTCP Đầu tư Bất động sản Sài Gòn Thương tín Tân Thắng nên không được khấu trừ chi phí bồi thường, tái định cư vào tiền sử dụng đất, thuê đất dự án./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu