Chương trình nghị sự của hội nghị kéo dài hai ngày này là những biến động của nền kinh tế toàn cầu sau việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ, sự trì trệ của các nền kinh tế mới nổi và sự hồi phục yếu ớt của các nền kinh tế phát triển.
Phát biểu trước thềm hội nghị, các quan chức nhiều nước G20, như Nhật Bản, Ấn Độ, đều khẳng định những biến động mạnh của thị trường Trung Quốc thời gian gần đây cùng các tác động của nó sẽ là chủ đề được quan tâm hàng đầu tại hội nghị lần này.
Đại diện Ấn Độ cho biết sẽ đề nghị các thành viên G20 xem xét những phương hướng hợp tác trong thời gian tới, như phát triển một hệ thống an toàn toàn cầu để bảo vệ các quốc gia khỏi các tác động tiêu cực xuất phát từ biến động mạnh của một quốc gia.
Trong khi đó, nước chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hội nghị sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận giải pháp đảm bảo sự tăng trưởng toàn diện và mạnh mẽ, thông qua những hành động tập thể mang tính quyết định. Các bộ trưởng cũng sẽ xem xét lại tiến trình thực hiện các mục tiêu tăng trưởng chiến lựơc của G20 và đánh giá chiến lược đầu tư trong thời gian tới.
Trước thềm hội nghị, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 2/9 cũng cho rằng nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước mới nổi, đang phải chịu sự tác động lớn hơn dự đoán từ sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, thị trường tài chính biến động và thị trường nguyên liệu thô không ổn định cũng khiến triển vọng kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm không mấy sáng sủa.
IMF bày tỏ quan ngại về khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể điều chỉnh lãi suất vào cuối năm nay như đã thông báo, vì cho rằng điều này có thể dẫn đến tình trạng rút vốn ồ ạt khỏi các nền kinh tế mới nổi và khiến đồng USD sẽ càng tăng giá. Trước những nguy cơ này, IMF hối thúc các nước phát triển cần duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, song song với các chính sách tài khóa hợp lý.
Theo TTXVN/Tin Tức