Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến xu hướng Thế kỷ 21 sẽ là Thế kỷ Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó các cường quốc như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Anh, Pháp v.v. đều có chiến lược hướng tới Châu Á, Ủy ban Châu Âu và Cao ủy Châu Âu về chính sách đối ngoại và chính sách an ninh thông qua Chiến lược của EU kết nối Âu - Á để hiện thực hóa Chiến lược toàn cầu của EU trong thế kỷ 21.
Chiến lược của EU kết nối Âu - Á được đưa ra do tác động của những chuyển dịch địa chính trị và địa kinh tế lớn trên thế giới.
|
Chiến lược của EU kết nối Âu - Á được đưa ra do tác động của những chuyển dịch địa chính trị và địa kinh tế lớn trên thế giới. Trong đó, lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ qua quan hệ đồng minh chiến lược giữa Mỹ và EU đứng trước nguy cơ bị xáo trộn sau khi Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ đã thông qua những quyết sách có tác động sát sườn tới lợi ích chiến lược của EU.
Đó là, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên chiến thương mại không chỉ với Trung Quốc mà với cả các đồng minh chiến lược truyền thống trong EU; đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran vốn dĩ là một thỏa thuận mang lại nhiều lợi ích kinh tế, thương mại và đầu tư cho EU; đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; chấm dứt các cuộc đàm phán về Hiệp định đầu tư-thương mại xuyên Đại Tây Dương; gây sức ép buộc các nước thành viên EU ngừng mua khí đốt tự nhiên của Nga và buộc họ phải chuyển sang mua khí đốt hóa lỏng của Mỹ với giá “cắt cổ”. Sau những quyết định này của Tổng thống Mỹ Donald Trump, EU nhận thấy đã đến lúc họ phải tự quyết định vận mệnh của mình mà không thể dựa mãi vào Mỹ như họ đã từng làm trong nhiều thập niên.
Ngoài tác động từ Mỹ, EU còn đứng trước hiểm họa “xâm lược kinh tế” từ Trung Quốc thông qua dự án chiến lược “Vành đai và Con đường” (BRI) và chương trình “Made In China 2025”. Theo đánh giá của chính giới ở Mỹ và Châu Âu, “Made In China 2025” và BRI là 2 trụ cột chủ yếu để Trung Quốc xây dựng trật tự thế giới mới hướng tới mục tiêu xuyên thế kỷ 21 là thay thế trật tự thế giới do Mỹ kiểm soát. Trong khi đó, chính giới ở Trung Quốc còn coi BRI có quy mô và phạm vi lớn hơn rất nhiều so với Kế hoạch Marshall của Mỹ đã từng giúp các nước Châu Âu tái thiết kinh tế sau Chiến tranh thế giới lần thứ II.
Quan hệ Việt Nam - EU ngày càng trở nên hiệu quả hơn.
|
Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pense tuyên bố Mỹ sẽ huy động các đồng minh tập trung nỗ lực chống lại "cách hành xử cường quyền” và “xâm lược kinh tế" của Trung Quốc được thể hiện trong BRI, ông cảnh báo các nước tham gia BRI hãy thận trọng trước khi ra quyết định chấp nhận các khoản vay của Trung Quốc để tránh rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh.
Theo báo cáo gần đây của phía Mỹ, BRI của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia tham gia lâm vào bẫy nợ của Bắc Kinh, buộc họ phải gồng mình trả nợ hoặc phải gán tài nguyên quốc gia để trả nợ cho Bắc Kinh. Thí dụ điển hình là Thủ tướng Mahathir Mohamad do lo sợ đất nước ông phải sa vào bẫy nợ của Bắc Kinh đã tuyên bố hủy bỏ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 22 tỷ USD thuộc dự án BRI mà người tiền nhiệm của ông đã ký kết với Trung Quốc. Hoặc Sri Lanka đã buộc phải cho Bắc Kinh thuê cảng biển Hambantota trong 99 năm để được Trung Quốc giảm nợ.
Trong khi đó, Mỹ đã điều chính chiến lược xoay trục tới Châu Á thành chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương; Ấn Độ điều chỉnh chiến lược Hướng Đông thành Hành động phía Đông để thúc đẩy hợp tác toàn diện với các nước Đông Á; Nga xây dựng chiến lược đối tác Á-Âu để kết nối nền tảng của Liên minh kinh tế Á-Âu với ASEAN và nâng cấp quan hệ Nga-ASEAN từ đối tác thành đối tác chiến lược. Trong cuộc chạy đua hăm hở của các cường quốc tới Châu Á, lãnh đạo EU nhận thấy cần phải điều chỉnh chiến lược trong quan hệ với các nước Châu Á trên cơ sở Chiến lược toàn cầu của EU trong thế kỷ 21. Trong đó, Châu Á đã chiếm tới 35% giá trị xuất khẩu (618 tỷ euro) và 45% giá trị nhập khẩu (774 tỷ euro) của EU. Theo xu hướng hiện nay của thế giới, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa EU với các nước Châu Á ngày càng tăng.
Theo nhận định của Cao ủy của EU về chính sách đối ngoại Federica Mogherini, Châu Âu và Châu Á chưa bao giờ gần gũi như hiện nay, trong đó hai nền kinh tế kết nối, các nền văn hóa giao thoa nhau, an ninh của cả hai khu vực ràng buộc với nhau, trong đó cả hai phải cùng đối mặt với những thách thức và đương đầu với những mối đe dọa chung, cùng chia sẻ lợi ích chung trong việc đảm bảo hòa bình tại khu vực cũng như lợi ích trong hợp tác quốc tế trên quy mô toàn cầu. Bà Federica Mogherini nhận định, kết nối Á-Âu là con đường hướng tới tương lai, trong đó hai bên sẽ có nhiều khả năng và cơ hội để xây dựng những quyết sách chính trị chung và thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng vì lợi ích của người dân.
Chiến lược của EU kết nối với Âu-Á là một bước phát triển rất quan trọng sau khi EU liên tục phải hứng chịu sự chỉ trích đã phản ứng quá chậm chập trước sự gia tăng ảnh hưởng mang tính chất cường quyền lực của Trung Quốc. Hiện nay, không chỉ EU cần có tầm nhìn chiến lược hướng tới Châu Á mà là làm thế nào để nhanh chóng biến Chiến lược kết nối Âu-Á trở thành dự án chiến lược có tính khả thi cao. Theo đó, EU phải dành một khoản đầu tư không nhỏ để cạnh tranh với Trung Quốc-quốc gia có nguồn dự trữ ngoại tệ gồm USD và Euro lớn nhất thế giới đang sẵn sàng “rải tiền” ra để xây dựng các tuyến giao thông xuyên lục địa Á-Âu. Tới đầu năm 2018, Trung Quốc đã chi hàng ngàn tỷ USD cho dự án BRI.
Những chuyến thăm các nước châu Âu đã ở ra cơ hội ngày càng tốt đẹp hơn trong quan hệ giữa Việt Nam và EU.
|
Để xúc tiến Chiến lược kết nối Âu-Á, EU để ra nhiều biện pháp, trong đó đáng chú ý nhất là: cải thiện kết nối Âu-Á thông qua các mạng lưới giao thông, năng lượng, con người và kỹ thuật số để tăng khả năng phát triển bền vững của các cộng đồng xã hội và khu vực, tạo thuận lợi cho thương mại, cải thiện trật tự quốc tế dựa trên quy tắc và tạo khả năng cho một tương lai phát triển xanh và bền vững; xây dựng các mối quan hệ song phương giữa EU và các quốc gia Châu Á bởi kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc vào dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và con người không bị gián đoạn và an toàn; tăng cường hoạt động trao đổi dữ liệu hải quan; thống nhất cơ chế pháp lý cho hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt trên lục địa Âu-Á; xây dựng các tiêu chuẩn về sử dụng các công nghệ hướng tương lai; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kết nối Âu-Á; liên kết mạng lưới giao thông xuyên Châu Âu của EU với các mạng giao thông của Châu Á để tạo ra thị trường kỹ thuật số thống nhất theo hướng năng lượng sạch, cải cách giáo dục, nghiên cứu, đổi mới, văn hóa và du lịch.
Chiến lược của EU kết nối Âu-Á tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với các nước trong khu vực. Chiến lược này tạo môi trường thuận lợi để các nước Châu Á vươn lên và bắt kịp tiêu chuẩn khoa học-công nghệ và tài chính-kinh tế đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao hiện đại để vươn lên tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu; giúp các nước trong khu vực tránh được bẫy nợ từ dự án BRI của Trung Quốc.
Thực thi Chiến lược kết nối với Âu-Á, hải quân một số nước thành viên EU đã gia tăng sự hiện diện để duy trì quyền tự do hàng hải đi qua Biển Đông, góp phần duy trì môi trường an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên vùng biển này. Ngoài ra, các nước thành viên EU tuyên bố ủng hộ cách thức giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trên cơ sở Công ước của LHQ về luật biển năm 1982, phản đối hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoài cơ hội, Chiến lược của EU kết nối Âu-Á cũng tạo ra cả thách thức, theo đó buộc các nước trong khu vực cần có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ trong bối cảnh Châu Á là tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, trước hết là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ. Trong hoàn cảnh đó, một số nước trong khu vực có vị thế nhạy cảm về địa chính trị có thể bị lôi kéo vào sự cạnh tranh giữa các cường quốc.
Ngoài ra, các nước trong khu vực cần nỗ lực hoạch định chiến lược phát triển theo hướng tái cơ cấu kinh tế và quốc phòng để không bị gạt lại phía sau. Đây là thách thức không nhỏ không chỉ đối với giới lãnh đạo và hoạch định chiến lược phát triển quốc gia mà còn đối với giới doanh nghiệp và người dân.
Một trong những biện pháp để hiện thực hóa Chiến lược kết nối Âu-Á là EU đã nỗ lực cùng với Việt Nam xúc tiến đẩy nhanh các cuộc đàm phán về EVFTA và EVIPA. Ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, hai bên sẽ chính thức ký kết hai hiệp định có ý nghĩa lịch sử này, ghi dấu ấn về bước đột phá để EU tiếp cận thị trường Việt Nam, hướng tới thị trường ASEAN.
Hiệp định EVFTA và EVIPA được ký kết trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó hai bên đã lưu ý đến sự chênh lệch về trình độ phát triển của nhau và sẽ là cú huých rất lớn cho đầu tư và thương mại của hai bên.
Theo Bộ kế hoạch và đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng, đạt giá trị khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. EVFTA sẽ góp phần đưa GDP của Việt Nam tăng thêm bình quân 2,18-3,25% trong những năm 2019-2023; 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033). Thông qua EVFTA và IPA, EU cũng sẽ có cơ hội được ưu đãi khi tiếp cận thị trường các nước đã ký FTA với Việt Nam, thúc đẩy quan hệ giữa EU với từng nước ASEAN nói riêng và cả khối ASEAN nói chung, tạo tiền đề để đàm phán và ký kết FTA giữa EU và ASEAN trong tương lai.
Việt Nam còn là quốc gia thành viên ASEAN đầu tiên ký kết FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan trong năm 2015. Như vậy, EVFTA và EVIPA còn có ý nghĩa đối với việc liên kết địa kinh tế giữa EU với Liên minh kinh tế Á-Âu trong tương lai, hướng tới xây dựng không gian kinh tế, chính trị và an ninh trên lục đía Á-Âu./.