Theo truyền thông Trung Quốc, Lệnh Hoàn Thành hiện ẩn náu tại Mỹ đang sử dụng những tài liệu mật đe dọa chính quyền Trung Quốc nhằm trả tự do cho anh trai. Có nguồn tin nói những thông tin mà Lệnh Hoàn Thành nắm giữ còn nhạy cảm và quan trọng hơn nhiều so với những tài liệu mà cựu giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân (người đã bị kết án 15 năm tù) đem theo vào lãnh sự quán Mỹ năm 2012.
Thậm chí, những tài liệu còn nguy hiểm và tàn phá mạnh hơn những tài liệu về chương trình do thám của Mỹ do cựu mật vụ Snowden tiết lộ. Thực tế, Lệnh đang tìm quy chế tị nạn chính trị và có thể trở thành phiên bản mới của Snowden đối với Trung Quốc.
Lệnh Kế Hoạch từng giữ chức chánh văn phòng trung ương đảng cộng sản Trung Quốc và là trợ lý thân tín của ông Hồ Cẩm Đào bị cáo buộc tội tham nhũng, lạm dụng quyền lực và thu thập bất hợp pháp nhiều bí mật cốt lõi của nhà nước và đảng cộng sản Trung Quốc. Lệnh Hoàn Thành có thể dùng những tài liệu tối quan trọng này đe dọa giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là các quan chức đương nhiệm hay đã nghỉ hưu trung thành với ông Tập, New York Times nhận định. Chính vì thế, Bắc Kinh gần đây đã tăng cường gây áp lực để Washington trao trả Lệnh Hoàn Thành hòng ngăn ngừa các thông tin nhạy cảm rơi vào tay người Mỹ.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Ernest hôm 3/8 cho biết, không có yêu cầu dẫn độ Lệnh từ phía Trung Quốc. Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner từ chối trả lời trực tiếp vấn đề này, chỉ nói Washington và Bắc Kinh sẽ đạt nỗ lực chung để hồi hương các quan tham Trung Quốc. Ông Toner thêm rằng phía Trung Quốc buộc phải cung cấp những bằng chứng rõ ràng, thuyết phục và đáng tin cậy để giới tư pháp Mỹ có khả năng bắt đầu một cuộc điều tra và chuyển giao hay buộc tội một nghi phạm.
Nếu vụ điều tra Lệnh Hoàn Thành quả thực được tiến hành, điều đó có nghĩa việc này liên quan tới thảo luận giữa hai nước về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình trong tháng 9 tới. Thực tế, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật đảng cộng sản Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã hủy chuyến thăm Mỹ đã lên kế hoạch hồi đầu năm cho thấy việc đàm phán không suôn sẻ. Trong khi giữa Mỹ và Trung Quốc chưa ký hiệp định dẫn độ, vẫn còn những cách khác khiến Washington có thể trao trả Lệnh Hoàn Thành cho chính quyền Trung Quốc.
Một phương pháp là Bắc Kinh phát một yêu cầu dẫn độ tới Bộ Ngoại giao Mỹ, bộ này sẽ phải làm việc với Bộ Tư pháp Mỹ xem yêu cầu này có phù hợp với quy chế dẫn độ hay không. Nếu có, vụ việc được chuyển tới tòa án Mỹ phán quyết việc dẫn độ Lệnh Hoàn Thành có hợp pháp hay không. Ngay cả khi câu trả lời là có, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Một cách khác là thông qua hệ thống quản lý di trú Mỹ do Bộ An ninh Nội địa giữ vai trò chủ chốt. Ông Jeh Johnson hồi tháng 4/2015 đã thăm Bắc Kinh và đạt thỏa thuận giúp Trung Quốc hồi hương các tội phạm bỏ trốn sống ở Mỹ, nhưng chỉ khi họ bị kết luận phạm tội hoặc bị tình nghi vi phạm luật pháp Mỹ. Tuy nhiên, Lệnh Hoàn Thành không rơi vào trường hợp này. Việc Nhà Trắng đã nói không nhận được yêu cầu dẫn độ Lệnh Hoàn Thành từ Bắc Kinh cho thấy, chính quyền Obama không muốn gây thêm chú ý đối với vụ việc. Rất có thể Mỹ cố ý trả đũa sau khi chính quyền ông Obama tháng trước thông báo tin tặc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc đánh cắp dữ liệu của ít nhất 4 triệu công dân Mỹ.
Chính quyền Mỹ sẵn sàng can thiệp vào nhiều sự cố liên quan vấn đề chính trị nội bộ Trung Quốc những năm gần đây. Tháng 2/2012, giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân cố chạy trốn vào lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, với chứng cứ về các tội trạng của bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Bạc sau đó bị kết án tù chung thân về tội tham nhũng. Hai tháng sau, nhà hoạt động nhân quyền Trần Quang Thành lại chạy trốn vào đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh và được bảo vệ trong lúc giới chức Mỹ-Trung thương lượng căng thẳng về việc trả tự do cho ông này. Trần và gia đình rốt cuộc được cấp visa sang Mỹ và định cư ở New York.
Giới quan sát cho rằng, nếu vụ Lệnh Hoàn Thành không được giải quyết sớm, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới không chỉ việc chuẩn bị cuối cùng cho chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, mà còn tác động tới toàn bộ bầu không khí và kết quả cuộc gặp với tổng thống Obama.
Hiện nay, các tội danh của Lệnh Kế Hoạch đủ nặng để phán án tử hình. Sự trừng phạt nghiêm khắc đối với Lệnh Kế hoạch có thể sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc Bắc Kinh có khả năng nắm được Lệnh Hoàn Thành hay không. Nếu như em trai Lệnh Kế Hoạch được Mỹ cấp quy chế tị nạn chính trị, vụ việc sẽ chuyển hóa từ vụ án tham nhũng thuần túy sang vấn đề liên quan an ninh quốc gia Trung Quốc.
Theo QPAN