Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex - Mã CK: GEX) vừa công bố một số tài liệu dành cho phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020, dự kiến tổ chức vào ngày 18/6 tới.
Theo đó, trong năm 2019, doanh thuần và lợi nhuận trước thuế hợp nhất của GEX lần lượt đạt 15.315 tỷ và 1.102 tỷ đồng. Với kết quả này, GEX chỉ hoàn thành 92% kế hoạch doanh thu và 80% kế hoạch lợi nhuận.
Báo cáo về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019, Ban Tổng Giám đốc GEX chỉ ra 2 nguyên nhân chính khiến tập đoàn không hoàn thành mục kế hoạch lợi nhuận.
Cụ thể, kế hoạch năm 2019 được lập với giả định GEX sẽ hoàn tất việc mua và sở hữu chi phối tại Tổng Công ty Viglacera (Mã CK: VGC) và Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) trong Quý 4/2019, khi đó, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất sẽ được đóng góp thêm lần lượt 2.850 tỷ đồng và 430 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính của GEX trong năm 2019 đạt 838 tỷ đồng, tăng 295 tỷ đồng so với năm 2018.
Được biết, trong năm 2019, GEX và các đơn vị thành viên đã thực hiện nhiều hoạt động đầu tư như: đầu tư cổ phần EEMC, đầu tư mua cổ phần VGC, đầu tư dự án trang trại điện mặt trời Ninh Thuận,…
Ban Giám đốc của GEX cho biết đây là các hoạt động đầu tư chiến lược nhằm nâng cao công nghệ, năng lực sản xuất kinh doanh của các đơn vị, hoàn thiện chuỗi giá trị mảng thiết bị điện của GEX cũng như mở rộng sang lĩnh vực đầu tư chiến lược là phát triển khu công nghiệp.
Mặt khác, việc tăng cường mở rộng đầu tư cũng khiến tổng dư nợ vay hợp nhất của GEX cuối năm 2019 cũng tăng lên 8.571 tỷ đồng (cuối năm 2018 là 5.874 tỷ đồng), dẫn tới chi phí tài chính của tập đoàn tăng 296 tỷ đồng so với năm 2018.
Cơ cấu doanh thu 2019 của Gelex (Nguồn: GEX)
|
Mô hình Holdings của Gelex có gì?
Ban giám đốc cho biết GEX (Công ty mẹ) có chiến lược phát triển thành mô hình holdings. Theo đó, tập đoàn do ông Nguyễn Văn Tuấn - nổi danh trên thin trường chứng khoán với biệt danh Tuấn “mượt” - đứng đầu sẽ đầu tư trọng tâm vào lĩnh vực công nghiệp và hạ tầng, đặc biệt là ngành năng lượng và bất động sản khu công nghiệp.
Thêm nữa, GEX cũng muốn nâng tầm thương hiệu, không chỉ là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị điện mà còn tham vọng trở thành công ty mẹ nắm giữ hàng loạt các công ty con hàng đầu trong những lĩnh vực mà tập đoàn tham gia.
Trong năm 2020, kế hoạch kinh doanh của GEX được hoạch định dựa trên nền tảng 2 khối kinh doanh chính, bao gồm: (1) Sản xuất công nghiệp: Sản xuất thiết bị điện và vật liệu xây dựng và (2) Hạ tầng: Sản xuất điện, nước, Khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp.
GEX sẽ tiếp tục hoàn tất các thương vụ đầu tư chiến lược, trong đó có thể kể tới việc mua và sở hữu chi phối cổ phần VGC, EEMC; mua và sở hữu 100% vốn Công ty Dây đồng Việt Nam (CFT).
Đáng chú ý, GEX cũng tiết lộ việc thoái vốn khỏi lĩnh vực logistics (thông qua bán phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Gelex Logistics) là nhằm thu xếp nguồn vốn cho hoạt động đầu tư mua cổ phần VGC. Động thái này nằm trong chiến lược đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp thông qua VGC của GEX.
Việc phát triển bất động sản khu công nghiệp của tập đoàn này sẽ bao gồm cả hoạt động đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở chuyên gia, nhằm ổn định cuộc sống cho người lao động, góp phần tăng sự hấp dẫn của các khu công nghiệp. Được biết, GEX đang chuẩn bị đầu tư khu công nghiệp Tây Ninh giai đoạn 1 (100ha), khả năng mở rộng giai đoạn 2 (600ha).
Các kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 của GEX dựa trên các kịch bản hợp nhất với VGC. Cụ thể, trên cơ sở giả định hợp nhất với VGC từ Quý 4, GEX đặt mục tiêu doanh huần hợp nhất năm 2020 ở mức 19.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 975 tỷ đồng. Nếu không hợp nhất với VGC, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất của GEX lần lượt ở mức 17.500 tỷ đồng và 735 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Gelex (Nguồn: GEX)
|
Lĩnh vực bất động sản thương mại cũng là một lĩnh vực kinh doanh đáng chú ý của GEX khi tập đoàn này có lợi thế lớn về quỹ đất.
Tính tới cuối năm 2019, GEX cho biết đã hoàn thành và khai thác các dự án Gelex Tower - 52 Lê Đại Hành, Khách sạn Melia Hà Nội, Khách sạn Bình Minh (Số 10 Trần Nguyên Hãn, Hà Nội); khởi công xây dựng tòa nhà văn phòng số 70-72 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 1, TP.HCM) và tìm kiếm đối tác phát triển dự án 209 Kinh Dương Vương Quận 6 (hiện là nhà xưởng của Cadivi). Tập đoàn cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý các khu đất, nhà xưởng, kho bãi của các đơn vị thành viên.
Sự thoái lui của “sếp” Refico
Cũng tại phiên họp sắp tới, ĐHĐCĐ dự kiến sẽ bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) thay thế cho bà Đỗ Thị Phương Lan (Phó Chủ tịch HĐQT) và bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (Thành viên HĐQT độc lập). Hai nữ thành viên HĐQT của GEX trước đó đã có đơn từ nhiệm. Việc bà Phương Lan rút lui khỏi HĐQT GEX phần nào có sự bất ngờ.
Tham gia HĐQT GEX từ tháng 4/2018, rồi trở thành Phó Chủ tịch HĐQT 4 tháng sau đó, bà Đỗ Thị Phương Lan hiện còn đảm nhiệm vai trò Thành viên HĐQT CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans), Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Gelex Land. Bên cạnh đó, bà Lan cùng với ông Nguyễn Văn Tuấn (Chủ tịch GEX) là hai đại diện của GEX trong HĐQT VGC.
Ngoài ra, bà Lan còn là Thành viên HĐQT CTCP Phát triển và Tài trợ Địa ốc RC (Refico) của ông Trần Quyết Thắng. Do đó, việc bà Đỗ Thị Phương Lan gia nhập GEX được cho là sẽ hỗ trợ tập đoàn này phát triển mảng bất động sản, tận dụng lợi thế quỹ đất sẵn có.
Đại gia Trần Quyết Thắng và tiềm lực nhóm Refico |
Nếu 2 nữ thành viên nêu trên được miễn nhiệm, HĐQT GEX còn lại 4 người là Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Nguyễn Trọng Tiếu cùng hai Thành viên Nguyễn Hoa Cương và Võ Anh Linh. Trong đó, các ông Nguyễn Trọng Tiếu và Nguyễn Hoa Cương là các lãnh đạo cũ của GEX từ thời Bộ Công thương.
Việc bầu bổ sung thành viên HĐQT sẽ là cơ hội mới để nhóm cổ đông của Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn gia tăng quyền lực tại GEX.
Ngoài ra, HĐQT GEX cũng trình cổ đông thông qua việc cho phép ông Nguyễn Văn Tuấn và người có liên quan được tăng tỷ lệ sở hữu lên tới 36% mà không phải chào mua công khai.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Tuấn đã đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu GEX, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 3,07%, thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Trước đó, ông Tuấn không sở hữu cổ phiếu GEX.
Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của vị doanh nhân sinh năm 1984 tại GEX là rất lớn, thể hiện qua việc ông Tuấn đảm trách các cương vị Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc của tập đoàn này./.