Doanh nghiệp niêm yết và những khoản lãi “ảo”

Báo cáo tài chính kiểm toán doanh nghiệp lần lượt được công bố đã khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi "hoang mang" bởi lợi nhuận thực thu về.
Doanh nghiệp niêm yết và những khoản lãi “ảo”

Đây là thời điểm báo cáo tài chính kiểm toán của các doanh nghiệp được công bố, việc chênh lệch trong doanh thu, lợi nhuận so với báo cáo công ty tự lập là chuyện dễ xảy ra.

Song cũng có nhiều doanh nghiệp bị kiểm toán lưu ý khá nhiều vấn đề, và khoản lãi ròng trên thực tế đã bị giảm xuống đáng kể.

Đáng chú ý là Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX). Trước đó cổ đông của doanh nghiệp vừa nhận tin vui công ty sẽ thoát án hủy niêm yết vì bắt đầu có lãi sau 3 năm lỗ liên tiếp.

Trên báo cáo tài chính công ty tự lập, lợi nhuận sau thuế năm 2014 là 80 tỷ đồng, Lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ nhận được là 118 tỷ đồng.

Tuy nhiên niềm vui này “ngắn chẳng tày gang” khi báo cáo tài chính kiểm toán đã đánh tụt lợi nhuận sau thuế của công ty xuống 10,3 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 70 tỷ đồng. Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ giảm tới 102,7 tỷ đồng, chỉ còn 15,4 tỷ đồng.

Chênh lệch này chủ yếu doanh thu thuần của PVX bị điều chỉnh giảm tới 232 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính “đội” lên thêm 184 tỷ đồng.

Chênh lệch của PVX trước và sau kiểm toán
Chênh lệch của PVX trước và sau kiểm toán

Kiếm toán cho biết, các khoản phải thu khác tại ngày 31/12/2014 bao gồm 504,2 tỷ đồng là số dư gốc phải thu một số công ty liên quan đến việc PVX thanh toán hộ hoặc cho các công ty này vay lại theo hợp đồng tín dụng với OceanBank. Tháng 12/2014, thời điểm thanh toán các khoản vay của PVX đã được gia hạn đến 31/12/2017. Do đó kiểm toán đã đánh giá lại khả năng và giá trị có thể thu hồi các khoản thanh toán hộ hoặc cho vay lại này và thực hiện hoàn nhập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đã trích với số tiền khoảng 84,6 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế của PVX đến thời điểm 31/12/2014 khoảng 3.041 tỷ đồng, dư nợ vay ngân hàng quá hạn khoảng 149,6 tỷ đồng và dư nợ các khoản vay do PVX bảo lãnh khoảng 564 tỷ đồng. Các vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của công ty trong 12 tháng tới.

Một doanh nghiệp khác là CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (PTL) lại được kiểm toán lưu ý rất đặc biệt.

Kiểm toán cho biết, các khoản phải thu khác bao gồm một số khoản phải thu tiền phạt do chậm tiến độ từ các bên thi công công trình theo các điều khoản của hợp đồng với số tiền và 61,5 tỷ đồng vẫn chưa được các bên thi công xác nhận. Trong đó công ty đã ghi nhận vào thu nhập khác trong năm 2014 với số tiền là 47,2 tỷ đồng.

Kiểm toán nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp bằng các thủ tục kiểm toán khác về các số liệu trên”.

Nhờ khoản phạt hợp đồng này, PTL đã có lãi trong năm 2014 trong khi 2 năm trước, công ty đều ghi lỗ. Do kiểm toán không thể xác nhận được nên lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán vẫn ở mức 2,1 tỷ đồng.

Đồng thời, trong năm 2012, công ty đã hạch toán bù trừ công nợ phải thu PVC-SG và nợ phải trả CTCP Đầu tư Mỹ Phú với số tiền 18,9 tỷ đồng. Tại thời điểm lập báo cáo, vấn đề này vẫn chưa có xác nhận của PVC-SG.

Thêm 1 doanh nghiệp họ “P” khác cũng có lợi nhuận giảm tới 60% so với trước kiểm toán là PVR.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (mã PVR), lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ còn lại 0,6 tỷ đồng.

Trước đó, báo cáo tài chính do công ty lập báo lãi 1,6 tỷ đồng. Như vậy sau khi kiểm toán và phát sinh thêm trong khoản mục chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đã khiến lợi nhuận sau thuế của PVR giảm tới 60% so với trước kiểm toán. 

Theo Bizlive