Ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cho biết, trong năm 2015, KTNN đã kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước của 234 tập đoàn, tổng công ty, kết quả kiểm toán cho thấy, rất nhiều các tập đoàn, Tổng cty hoạt động không hiệu quả. Cụ thể, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2014 của nhiều DN giảm mạnh, trong đó, đáng lưu ý là Tập đoàn Dầu khí VN khi tỉ lệ này giảm tới 10,45%, Vinaconex giảm 3,3%, Tổng công ty Lâm nghiệp giảm 3,5%, Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM giảm 2,64%...
Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra một loạt những vẫn đề khác, như việc quản lý nợ chưa chặt chẽ tại các cổng ty, DN dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn như Mobifone có MobiFone có 331 tỷ đồng nợ khó đòi (chiếm 30,4% nợ phải thu), Hapro nợ khó đòi là 376 tỷ đồng, Vinataba nợ khó đòi 86 tỷ đồng… MobiFone chưa thực hiện đúng doanh thu, chi phí, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về khuyến mại, về xác định và báo cáo giá thành…
Chưa dừng ở đó, một số DNNN còn góp vốn vào các doanh nghiệp thành viên đang ở trong tình hình tài chính rất xấu. Cụ thể, vốn âm chủ sở hữu của PVN tại công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất là 1.108 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí 7,18 tỷ đồng; Vốn âm Công ty mẹ - Vinalines: Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin 8.481 tỷ đồng…
Qua quá trình kiểm tra, KTNN cho biết thêm, một số DNNN đã sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí vốn, thậm chí thu lỗ. Nhiều DN mua sắm, thanh lý tài sản không đúng quy định; Góp vốn đầu tư vào các đơn vị có tình trạng tài chính xấu, thua lỗ, giải thể. Trong đó đặc biệt là, Vinalines có 51/63 đơn vị có vốn đầu tư của Công ty mẹ thua lỗ hoặc hiệu quả, cổ tức thu được năm 2014 bằng 0,46% năm trước.
Ngoài ra, PetroVietnam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa mở tài khoản tại ngân hàng để theo dõi riêng quỹ sắp xếp doanh nghiệp theo quy định.
Đặc biệt, theo KTNN, đa phần các DN, Tcty nhà nước đầu tư, kinh doanh BĐS nhưng nhiều dự án chậm tiến độ như các dự án đầu tư ngoài ngành của Vinalines, Habeco, HUD, ACV, IDICO, Tổng công ty Bến Thành…. Một số dự án phải dừng triển khai, gây lãng phí vốn.
KTNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan yêu cầu các đơn vị thực hiện tăng thu hơn 8.565 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách Nhà nước 8.287 tỷ đồng và các khoản giảm chi 5.562 tỷ đồng; các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm 2.238 tỷ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách 3.363 tỷ đồng