Đô đốc Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ thăm Trung Quốc

VietTimes -- Ngày 16.07.2016, Đô đốc Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ đang thăm chính thức ba ngày tại Trung Quốc, gặp gỡ người đồng cấp trong bối cảnh Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của Tòa án quốc tế với nội dung khẳng định tuyên bố mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông là vô căn cứ.
Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng lực lượng Hải quân Mỹ
Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng lực lượng Hải quân Mỹ

Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng lực lượng Hải quân Mỹ sẽ có cuộc gặp với Tư lệnh trưởng lực lượng Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Wu Shengli (Vũ Thắng Lợi), trong chuyến thăm thủ đô Bắc Kinh và thành phố cảng Thanh Đảo vào ngày 16.07.2016.

Đoàn sĩ quan cao cấp Hải quân Mỹ thăm Trung Quốc

Ông Richardson dự kiến đến thăm Trụ sở Bộ tư lệnh hải quân Trung Quốc ở Bắc Kinh và gặp gỡ các quan chức cao cấp quốc phòng khác.

Đô đốc Richardson sẽ thăm Học viện tàu ngầm của hải quân và tham quan tàu sân bay Liêu Ninh khi đến quân cảng Thanh Đảo.

Hai đô đốc sẽ có cuộc hội đàm về Biển Đông, hoạt động của chương trình Rim of the Pacific (RIMPAC), các cuộc diễn tập hải quân và đưa ra những biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động tương tác giữa quân đội hai nước.

Chuyến thăm của đô đốc Richardson đến đúng thời điểm Trung Quốc đưa ra cảnh báo những nước khác về các hành vi chống lại lợi ích của quốc gia này sau khi Tòa án trọng tài quốc tế năm thành viên tại The Hague đưa ra phán quyết khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý về những tuyên bố "chủ quyền" trên hầu hết diên tích Biển Đông.

Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của Tòa quốc tế bằng tuyên bố khẳng định toàn bộ các đảo trên Biển Đông là "lãnh thổ vốn có theo lịch sử của Trung Quốc".

Thứ trưởng Ngoại trưởng Lưu Chấn Dân ngày 13.07.2016  cho biết: Bắc Kinh có thể thành lâp khu nhận dạng phòng không ADIZ trên Biển Đông nếu cảm thấy bị đe dọa.

Chương trình bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc gây lên tình trạng căng thẳng trong khu vực, trong đó có các quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể địa lý khác nhau trên Biển Đông.

Các quốc gia Biển Đông và thế giới đều quan ngại những động thái quyết đoán của Bắc Kinh khi Trung Quốc hoàn thiện sân bay hiện đại, triển khai các hệ thống vũ khí trên đảo nhân tạo, sử dụng hệ thống công trình hạ tầng nhằm gia tăng lực lượng hải quân kiểm soát biển và có thể hạn chế các hoạt động tự do hàng hải.

Tàu chiến của Mỹ trong vài năm trở lại đây đã cố ý hải hành gần những đảo này để thực hiện sứ mệnh đảm bảo tự do hàng hải và thách thức những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.

Trung Quốc đáp trả bằng hành động triển khai máy bay chiến đấu và chiến hạm theo dõi và cảnh báo trực tiếp các chiến hạm Mỹ, cáo buộc Washington có những  hành động khiêu khích. Theo AP

QA