Điều này khiến tình hình tài chính của Đạm Ninh Bình rất khó khăn, dòng tiền phục vụ sản xuất và trả nợ luôn trong tình trạng thiếu hụt, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng gặp nhiều trở ngại.
Báo cáo của tỉnh Ninh Bình cũng cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2016, đạm Ninh Bình mới chạy máy được 76 ngày, nhưng tồn kho vẫn cao và tiêu thụ khó khăn. Vì vậy, lỗ của công ty sẽ tiếp tục tăng và có nguy cơ dừng sản xuất dài hạn do không cân đối được dòng tiền, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động trong công ty.
Do vậy, tỉnh Ninh Bình đã đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư dự án Nhà máy đạm Ninh Bình của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thành vốn góp Nhà nước tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) để giảm số nợ gốc và lãi vay.
Song song với đó, tỉnh cũng kiến nghị cho áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm đạm tương tự như phôi thép và bột ngọt để hạn chế hàng nhập khẩu giá rẻ trong thời gian qua, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và là nguyên nhân chính làm giá bán giảm dưới giá thành sản xuất.