Vụ việc bắt đầu bằng việc tạp chí “Aviation week & Space Techology - AW&ST” (Tuần san Hàng không và kỹ thuật không gian) của Mỹ số ra ngày 20/6 đưa tin “chỉ trong một thời gian ngắn, trên biển Hoa Đông gần Trung Quốc đã xảy ra hơn 20 vụ máy bay Mỹ bị chiếu tia laser”. Người phát ngôn Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở Ấn Độ dương – Thái Bình dương (United States Indo-Pacific Command - USINDOPACOM) ra tuyên bố chỉ rõ: tia laser được phát từ các nguồn đặt trên đất liền và từ các tàu cá trên biển. Tuy chưa xác định được vị trí chính xác của các nguồn tấn công, nhưng quân đội Trung Quốc bị cáo buộc đã cung cấp thiết bị và huấn luyện để các ngư dân trở thành “dân binh trên biển”, tập kích các tàu cá và tàu tuần tra của nước ngoài.
Thiết bị laser GLARE LA-9.P của Mỹ
|
Bài trên AW&ST dẫn lời của ông Fisher, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ (Center for Strategic and International Studies – CSIS), cho rằng: mục đích của Trung Quốc là xua đuổi các máy bay quân sự và tàu của Mỹ. Tuy laser không phải là thứ vũ khí tấn công gây chết người, nhưng đây vẫn hành động tàn bạo; nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ khí laser sẽ khiến Mỹ, Nhật, Đài Loan…không còn biện pháp nào khác ngoài lựa chọn việc trả thù, lấy gậy ông đập lưng ông, khi đó chính Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng.
Vụ việc xảy ra khiến các phương tiện truyền thông Mỹ đua nhau bàn luận. Trong đó, nhiều báo chí, đặc biệt là tạp chí Popular Mechanics đã lập tức gắn vụ việc lần này với vụ máy bay quân sự Mỹ bị chiếu tia laser từ căn cứ quân sự đầu ở mắt vì tiên ở nước ngoài của Trung Quốc tại Djibouti hồi tháng 5. Khi đó hai phi công lái máy bay vận tải C-130 của không quân Mỹ đã bị thương ở mắt bởi tia laser ở đẳng cấp vũ khí quân sự chiếu lên từ căn cứ hải quân của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ khi đó đã ra tuyên bố nói, hành động này đã gây nên mối đe dọa thực sự cho nhân viên không lực Mỹ, Mỹ nghiêm túc xem xét vụ việc và đã chính thức gửi công hàm ngoại giao cho phía Trung Quốc yêu cầu điều tra vụ việc.
Hình ảnh mô phỏng máy bay Mỹ bị tấn công bằng tia laser
|
Trước thông tin trên báo chí Mỹ về việc các phi công Mỹ khi bay trên biển Hoa Đông bị tấn công bằng tia laser từ Trung Quốc; ngày 21/6, một quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã nói trên tờ “Thời báo Hoàn cầu” rằng: “những chỉ trích đối với Trung Quốc là vô căn cứ và bịa đặt”. Người này nói, cách đây ít lâu, Lầu Năm Góc đã ra “Cảnh báo bay” đối với các phi công, nói các hoạt động chiếu tia laser phi pháp đã gây bị thương cho một số không rõ các phi công Mỹ trên bầu trời Djibouti. Tại Djibouti có căn cứ bảo đảm hậu cần đặt ở hải ngoại đầu tiên của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ, nói “phát biểu của quan chức Mỹ hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Chúng tôi đã thông qua con đường chính thức phản bác sự chỉ trích của phía Mỹ. Trung Quốc nhất quán nghiêm chỉnh tuân thủ luật pháp quốc tế và pháp luật quốc gia sở tại để bảo vệ an toàn ổn định trong khu vực”.
Quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, lần này báo chí Mỹ lại thổi bùng sự kiện “bị tấn công laser”, Bộ Tư lệnh USINDOPACOM cũng lại xác nhận nguồn tấn công laser đến từ lục địa và tàu cá trên biển và phán đoán hành động tấn công lần này có thể liên quan đến việc Mỹ hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập RIMPAC 2018. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, những chỉ trích trên báo chí Mỹ đối với Trung Quốc là vô căn cứ, hoàn toàn bịa đặt!
Hình ảnh về một vụ bị chiếu tia laser
|
Trang web tạp chí Popular Mechanics hôm 20/6 đã đăng bài viết về vụ việc xảy ra trên biển Hoa Đông, cho rằng các thiết bị laser ngày càng tiên tiến, phức tạp với hàm ý nói chính phủ Trung Quốc đã ủng hộ hành động tiến công laser. Ngoài ra, bài báo còn viết, nếu không có sự chỉ dẫn của nhân viên thao tác radar thì các tàu cá thô sơ không thể phân biệt được máy bay quân sự của Mỹ với máy bay dân dụng. Để đối phó, quân đội Mỹ đang phải mua số lượng lớn các kính phòng hộ mắt và xem xét trang bị các thiết bị phòng hộ gắn trên mũ bay cho phi công. Kính phòng hộ mắt rất đắt, có giá từ 500 đến 2.500 USD/ chiếc.
Bài báo trên Popular Mechanics còn chỉ trích việc Trung Quốc phát triển và tiêu thụ các thiết bị laser gây hại mắt, điểm danh các loại này bao gồn: thiết bị gây chóng mặt BBQ-905, súng laser WJG-2002, các vũ khí laser gây mù PY131A và PY132A; viết: “những vũ khí này nếu sử dụng trong chiến tranh cũng vi phạm luật quốc tế”.
Trang tin Ifeng – một cơ quan truyền thông của Trung Quốc đặt tại Hongkong hôm 21/6 đã đăng bài phản bác những cáo buộc của truyền thông Mỹ và cho rằng, chính Mỹ đã đẩy mạnh nghiên cứu, chế tạo và đang sử dụng những thiết bị, vũ khí laser. Bài báo cho rằng, trước khi chỉ trích Trung Quốc, báo chí Mỹ cần xem lại “mông của mình có sạch hay không đã”. Trên thực tế, Mỹ sử dụng thiết bị gây hại mắt trên tàu chiến rất sớm và trang bị rất nhiều; trang web của hải quân Mỹ cũng đã đưa hình ảnh lính Mỹ luyện tập và sử dụng các thiết bị laser gây hại mắt. Điển hình là loại GLARE LA-9/P có hiệu lực cảnh báo 4km về ban đêm và 1,5km vào ban ngày, tác dụng hại mắt ở khoảng cách 500m.
Lính hải quân Mỹ trên tàu sân bay Nimiz sử dụng súng laser
|
Ifeng cũng phân tích vụ việc Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc tấn công laser các máy bay C-130 của Mỹ ở Djibouti khi trước. Bài báo cho rằng, khi đó phía Mỹ thừa nhận máy bay của họ bay cách căn cứ Trung Quốc 750m, khoảng cách đó cho thấy máy bay Mỹ đã vi phạm quy định. Sau đó Lầu Năm Góc biết là bị hớ nên đã hạ giọng, nhưng truyền thông Mỹ vẫn ra sức làm lớn chuyện. Ifeng cho rằng, “nếu quả thật Trung Quốc vô duyên vô cớ sử dụng vũ khí laser tấn công máy bay quân sự Mỹ bay hợp pháp trên không phận quốc tế, khiến phi công Mỹ bị thương thì Bộ Quốc phòng Mỹ không dễ gì bỏ cuộc như vậy”.