Dấu ấn chủ mới ở Chứng khoán DSC

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hậu đổi chủ, CTCP Chứng khoán DSC (Mã CK: DSC) đã hai lần thay nhân sự cho vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Lợi nhuận sau thuế của DSC trong quý 4/2021 tăng gấp 18,8 lần so với cùng kỳ
Lợi nhuận sau thuế của DSC trong quý 4/2021 tăng gấp 18,8 lần so với cùng kỳ

CTCP Chứng khoán DSC (Mã CK: DSC) vừa công bố việc bổ nhiệm ông Bạch Quốc Vinh (SN 1975) giữ chức danh Tổng giám đốc (CEO) nhiệm kỳ 2022 – 2027, thay bà Nguyễn Thị Bích Hà, kể từ ngày 16/2/2022.

Đây là lần thứ hai vị trí CEO của DSC được thay nhân sự mới sau hơn 1 năm công ty chứng khoán này “đổi chủ”.

Như VietTimes từng đề cập, quá trình đổi chủ của DSC diễn ra vào cuối năm 2020 khi CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (Mã CK: NDN) và CTCP Việt Nam Equity đã bán ra tổng cộng 4,2 triệu cổ phiếu, tương đương 70% cổ phần của DSC.

Ở chiều hướng ngược lại, ba cổ đông cá nhân là Nguyễn Đức Anh (SN 1995), Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1986) và Tạ Văn Mạnh (SN 1986) đã mua vào tổng cộng 4,5 triệu cổ phiếu DSC (mỗi người mua 1,5 triệu cổ phiếu), trở thành cổ đông lớn với tỉ lệ sở hữu 25% vốn điều lệ.

Sau biến động lớn trong cơ cấu cổ đông, tháng 3/2021, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của công ty chứng khoán này đã thông qua việc đổi tên công ty - thay thế tên cũ CTCP Chứng khoán Đà Nẵng (DNSC). Đáng chú ý, đại hội cũng "chốt" chuyển trụ sở chính công ty về tòa Thành Công Building ở số 80 Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội).

Đến tháng 8/2021, DSC phát hành thành công 94 triệu cổ phiếu, tăng mạnh vốn điều lệ từ 60 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng.

Số cổ phiếu này được phân bổ cho 5 nhà đầu tư trong nước, bao gồm: CTCP Đầu tư NTP (mua 70 triệu cổ phiếu), Văn Lê Hằng (mua 10,025 triệu cổ phiếu), Nguyễn Mai Hậu (mua 4,9 triệu cổ phiếu), Trần Thị Thu Ngà (mua 4,75 triệu cổ phiếu) và Nguyễn Thị Thu Hà (mua 4,325 triệu cổ phiếu).

Sau giao dịch, CTCP Đầu tư NTP (NTP Invest) và bà Văn Lê Hằng sở hữu lần lượt 70% và 10,02% vốn điều lệ của DSC. Lưu ý rằng, NTP có 3 cổ đông sáng lập gồm Nguyễn Đức Anh, Nguyễn Thị Thu Hà và Tạ Văn Mạnh – cũng chính là 3 cổ đông đã mua vào tổng cộng 75% cổ phần của DSC hồi cuối năm 2020.

Trong khi đó, bà Văn Lê Hằng (SN 1993) là cổ đông sáng lập, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Truyền thông đa phương tiện Digimove và Công ty TNHH Uniglobal.

DSC làm ăn ra sao?

Hậu tăng vốn, DSC ngắt mạch thua lỗ và bắt đầu có lãi từ nửa sau của năm 2021. Trong quý 3 và quý 4/2021, công ty chứng khoán này lần lượt báo lãi sau thuế 2,7 tỉ đồng và 23,8 tỉ đồng.

Lũy kế cả năm 2021, lợi nhuận sau thuế của DSC đạt 24,85 tỉ đồng, hoàn thành 51,8% so với kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, và gấp 3,1 lần so với kế hoạch đã được điều chỉnh (xuống còn 8 tỉ đồng) vào tháng 12/2021.

Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của DSC đạt 1.809,2 tỉ đồng, cao gấp 26 lần so với đầu năm.

Trong đó, DSC dành ra tới 1.150 tỉ đồng gửi tiền có kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng BIDV (950 tỉ đồng) và VietinBank (200 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, DSC còn rót hơn 204 tỉ đồng để mua chứng chỉ tiền gửi, đầu tư 58,8 tỉ đồng vào cổ phiếu niêm yết (giá trị hợp lý là 75,7 tỉ đồng).

Trong quý cuối năm 2021, DSC cũng đẩy mạnh hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) với số dư tại thời điểm cuối quý 4/2021 đạt 303,9 tỉ đồng, tăng gấp 62,7 lần so với đầu năm và gấp hơn 5 lần so với con số 59,9 tỉ đồng vào cuối quý 3/2021.

Ở bên kia bảng cân đối, nguồn vốn chủ sở hữu của DSC đạt 1.031,2 tỉ đồng, bao gồm 1.000 tỉ đồng từ vốn góp và hơn 31,2 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Nợ phải trả của công ty đạt 777,2 tỉ đồng, trong đó có tới 761,8 tỉ đồng là vay ngắn hạn./.