'Đất vàng' của các sở, ngành Hà Nội sắp di dời đáng giá bao nhiêu?

Theo một số doanh nghiệp bất động sản, giá bán trên thị trường của một số lô đất là trụ sở các sở, ngành sắp di dời có thể lên tới tiền tỷ mỗi mét vuông.
Trụ sở Viện Quy hoạch và Xây dựng Hà Nội.
Trụ sở Viện Quy hoạch và Xây dựng Hà Nội.

UBND TP Hà Nội cho biết sẽ di dời 8 sở, ngành về khu liên cơ nằm trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ). Các sở, ngành này gồm: Tài chính, Quy hoạch và kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.

Thời gian dự kiến tiến hành di dời vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018. Đến giữa năm 2018, việc di dời 8 sở ngành trên ra đường Võ Chí Công sẽ hoàn tất. Sau khi di dời các sở, ngành trên ra đường Võ Chí Công theo chủ trương, Hà Nội sẽ sắp xếp bán đấu giá một số trụ sở để tạo nguồn vốn xây dựng khu liên cơ ở 52 Lê Đại Hành, đang là trụ sở của Sở Xây dựng.

Nhiều lô đất vàng sẽ được mang đấu giá

Việc Hà Nội di dời nhiều sở ngành về một mối sẽ để lại hàng loạt các trụ sở trên các khu đất vàng. Tuy nhiên, không phải khu đất vàng nào cũng được Hà Nội mang ra đấu giá.

Trong 8 sở ngành được di dời, trụ sở Sở Xây dựng (số 52 Lê Đại Hành) sẽ được giữ nguyên để xây dựng khu liên cơ thứ 2. Trụ sở Sở Kế hoạch và Đầu tư với 2 mặt tiền nằm trên phố Cát Linh và Trịnh Hoài Đức đã nằm trong kế hoạch di dời để mở rộng Sân vận động Hàng Đẫy.

Theo đó, TP Hà Nội di dời trụ sở Sở Kế hoạch và Đầu tư để mở rộng diện tích hầm để xe của Sân vận động Hàng Đẫy sang khu vực đường Trịnh Hoài Đức. Ngoài việc bổ sung diện tích giao thông, bãi đỗ xe, kết hợp thương mại, dịch vụ...  khu đất của Sở Kế hoạch và Đầu tư hiện tại sẽ tạo không gian kiến trúc, cảnh quan cho sân vận động.

Trụ sở Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội nằm trong tòa chung cư B6A khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) nên việc bán đấu giá có phần “kém hấp dẫn” hơn so với các khu đất còn lại.

Trụ sở Sở Giao thông Vận tải nằm tại số 2 Phùng Hưng (quận Hà Đông). Nơi đây vốn là trung tâm hành chính của tỉnh Hà Tây cũ trước khi sát nhập vào Hà Nội. Khu đất số 2 Phùng Hưng đang là trụ sở của nhiều ban ngành, trong đó có Sở Giao thông vận tải, Sở Tư pháp, Phòng quản lý xuất nhập cảnh Hà Nội…. Do đó, việc Hà Nội có tổ chức bán đấu giá khu đất này không vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Tuy nhiên, ngoài các sở ngành trên, sự quan tâm đổ dồn về các khu đất vàng khác tại khu vực trung tâm thành phố. Dự kiến, sau khi di dời, nhiều trụ sở tại khu vực trung tâm sẽ để lại những khu đất vàng mà giới mua bán nói “có tiền cũng khó mua”.

Sở Tài chính nằm tại số 38B Hai Bà Trưng, cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 100m. Cách không xa đó là trụ sở Sở Quy hoạch Kiến trúc nằm tại số 31B Tràng Thi. Sở Tài nguyên & Môi trường cũng có trụ sở nằm tại số 18 Huỳnh Thúc Kháng, cách không xa trụ sở Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) và đường Nguyễn Chí Thanh. Sở Khoa học công nghệ nằm tại khu đất số 5 Nguyễn Trãi, một trong những tuyến phố sầm uất nhất tại Hà Nội.

"Đất vàng" đáng giá bao nhiêu?

Việc mang ra đấu giá các khu đất vàng khó có thể đoán được chính xác giá cuối cùng là bao nhiêu. Tuy nhiên, căn cứ vào giá cả thị trường tại từng tuyến phố, cũng như những giao dịch đã từng thực hiện trong khu vực lân cận, có thể phần nào đoán được giá trị những lô đất vàng của Hà Nội.

Trụ sở Sở Tài chính nằm trên đường Hai Bà Trưng được cho là có vị trí “đắc địa” nhất trong 8 sở ngành dự kiến di dời. Trụ sở Sở Tài chính nằm không xa Hồ Hoàn Kiếm, Trung tâm thương mại Tràng Tiền, Nhà Hát lớn… Vị trí này cũng cách lô đất đắc địa của Tân Hoàng Minh tại ngã tư Hàng Bài và Hai Bà Trưng chưa đầy 100 mét.

Trong quá trình thâu tóm mảnh đất 4.071 m2 này, Tân Hoàng Minh từng chi ra mức gần 1 tỷ đồng/m2 cho những hộ dân cuối cùng vào nhiều năm trước đây. Cách đó một con phố, lô đất 3 mặt tiền ở phố Lý Thường Kiệt - Hàng Bài - Vọng Đức thuộc sở hữu của Bầu Hiển cũng được cho có giá trên dưới 1 tỷ đồng/m2. Do đó, nhiều người cho rằng lô đất trụ sở Sở Tài chính có thể giá giá không dưới 1 tỷ đồng/m2.

Theo ông Nguyễn Hùng Minh, Giám đốc Văn phòng tư vấn bất động sản MXB, giá thị trường đất các khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Tràng Thi, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng… có thể lên tới 1 tỷ đồng mỗi m2. Các khu vực xa hơn có thể từ 700-800 triệu đồng/m2.

Ông Trần Công Thành, Giám đốc công ty địa ốc Starland, nói rằng giá đất tại Hà Nội phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Theo đó, giá phụ thuộc vào vị trí, mặt tiền, độ sâu, hình thửa đất và cả độ rộng vỉa hè. Mỗi lô đất lại có một cách định giá khác nhau. Ông Thành nhấn mạnh các lô đất là trụ sở của các sở ngành ở Hà Nội đều có vị trí đẹp, mặt tiền rộng và diện tích lớn nên giá khá cao.

Từng trực tiếp gom nhiều lô đất giúp các chủ đầu tư xây dựng công trình lớn, ông Thành cho rằng giá bán tại khu vực  trụ sở Sở Tài chính có thể lên tới 1,2 tỷ cho mỗi m2. Khu vực trụ sở Sở Quy hoạch & Kiến trúc trên trục đường Tràng Thi, giá giao dịch trên thị trường ở mức 800-900 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, với mặt tiền rộng trên trục Huỳnh Thúc Kháng như tại Sở Tài nguyên - Môi trường, giá giao dịch thị trường hiện ở mức 400-450 triệu đồng/m2. Trong khi đó, vị trí của các sở ngành trên trục đường Nguyễn Trãi, Hà Đông có giá đất dao động 250-300 triệu đồng/m2.

Theo ông Thành, với giá đất cao, diện tích lớn, nếu Hà Nội bán đấu giá một số trụ sở ban ngành có thể thu về số tiền từ vài trăm tỷ cho đến hàng nghìn tỷ đồng.

Theo Zing
https://news.zing.vn/dat-vang-cua-cac-so-nganh-ha-noi-sap-di-doi-dang-gia-bao-nhieu-post789263.html