Quá trình mở rộng lĩnh vực kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng của ông Hà Văn An có sự đồng hành của một số đại gia địa ốc trong nước.
“Tôi đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp chủ yếu là đam mê”, ông Hà Văn An (Chủ tịch A&B Group) chia sẻ với Tạp chí Forbes Việt Nam trong một ấn phẩm phát hành vào tháng 12/2017 và cũng là lần hiếm hoi vị doanh nhân này xuất hiện trên truyền thông.
Đây là thời điểm khoảng 1 năm rưỡi sau khi một pháp nhân trong “hệ sinh thái” của vị doanh nhân “gốc” Huế bỗng nổi lên trong cuộc chạy đua với Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan nhằm giành quyền đầu tư vào khu đất vàng Bến Bạch Đằng tại trung tâm Quận 1, Tp. HCM.
Khi ấy, A&B Group đã ghi dấu trên thị trường địa ốc với các dự án như Tháp AB Tower, Anantara Mũi Né hay Nam Nghi Resort (Phú Quốc). Còn pháp nhân của A&B Group được đề cập là Công ty TNHH Đầu tư A-B, quy mô vốn điều lệ 25 tỷ đồng, do ông Hà Văn An và ông Nguyễn Văn Phương (Paul Nguyễn) sáng lập từ năm 2000.
Cuộc đua tranh tại Bến Bạch Đằng (Tp. HCM) sau đó tưởng như đã nghiêng về phần của A&B Group.
Bởi lẽ, ngày 7/9/2018, UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định số 3839/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Công viên bến Bạch Đằng, thuộc một phần phường Bến Nghé và phường Nguyễn Thái Bình (17,88ha) do Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Sài Gòn Tourist) - Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn An Phát lập hồi giữa năm 2017.
Sài Gòn Tourist và A&B Group vốn là mối quen cũ, khi cùng tham gia liên doanh xây dựng và đầu tư dự án tòa nhà A&B Tower trên Thửa đất số 210, tờ bản đồ số 12, tại địa chỉ sô 76A (số cũ là 76) Lê Lai, Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM - nơi đặt trụ sở chính của nhiều doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” A&B Group.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VietTimes, Công ty TNHH Đầu tư A-B (tên cũ là Công ty TNHH A-B) đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 122 Pasteur, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM, do ông Hà Văn An làm người đại diện pháp luật, đã bị khóa mã số thuế.
Đó chỉ là một phần nhỏ trong “đế chế” kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng của vị doanh nhân sinh năm 1960 - ông Hà Văn An.
Khởi sự
Trước khi đến với niềm đam mê “hái ra tiền”, năm 1992 ông An bắt tay với một đối tác Việt kiều để kinh doanh đồ gỗ nội thất, lập xưởng sản xuất trong nước.
Từ đó đến năm 1999, A&B Group “trúng lớn” khi có được những hợp đồng trang trí nội thất văn phòng từ các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty đến từ Nhật Bản, đúng thời kỳ dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam.
“Tham gia mảng nội thất văn phòng một thời gian, ông An lấn sân sang mảng xây dựng, phát triển bất động sản. Năm 2005, ông An cùng đối tác người Nhật lập công ty phát triển A&B chuyên về bất động sản. Đây cũng là cơ sở để ông phát triển các dự án bất động sản, nghỉ dưỡng sau này” - tờ Forbes Việt Nam cho biết.
Theo tìm hiểu của VietTimes, nhiều khả năng pháp nhân nêu trên là CTCP Phát triển A&B (A&B Development Corp), thành lập năm 2005, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản, có địa chỉ trụ sở ngay tại Tháp AB Tower.
Cập nhật đến ngày 6/5/2019, A&B Development Corp có quy mô vốn điều lệ 23,375 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nước ngoài chiếm tới 70%. Ông Hà Văn An đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc, trong khi vị trí Chủ tịch HĐQT A&B Development Corp do doanh nhân quốc tịch Nhật Bản là Takehara Kiyoshi (SN 1964) nắm giữ.
Trước AB Tower, từ năm 2002, A&B Group đã bắt tay xây dựng Khu nghỉ dưỡng Anantara Mũi Né trên lô đất rộng 3 ha có vị trí đắc địa tại Bình Thuận. Quá trình mở rộng lĩnh vực kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng của ông Hà Văn An còn có sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp địa ốc trong nước.
Mối hợp tác với TD Group tại Gia Hân
Khu du lịch Sinh Thái Gia Hân (hay Khu nghỉ dưỡng Gia Hân, tọa lạc tại đảo Hòn Heo, vịnh Vĩnh Ninh, tỉnh Khánh Hòa) có lẽ là dự án “khởi đầu trước” nhưng “về sau” trong loạt dự án của A&B Group.
Dự án có diện tích gần 35,7 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 555 tỷ đồng, được cấp giấy chứng nhận lần đầu vào năm 2007, điều chỉnh lần thứ 3 vào năm 2014, và được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vào tháng 2/2015.
Tháng 10/2007, doanh nghiệp dự án là CTCP Gia Hân (Gia Hân) được thành lập với quy mô vốn điều lệ 10 tỷ đồng.
Trong đó, CTCP Đầu tư Thùy Dương (TD Group) góp 5 tỷ đồng, sở hữu 50% vốn điều lệ. Tiếp đến là ông Hà Văn An với tỷ lệ sở hữu 30%. Số cổ phần còn lại do các cổ đông cá nhân nắm giữ là: ông Lê Minh Dũng (10%), ông Dương Công Đích (5%), ông Nguyễn Tri Quảng (4,5%) và bà Đào Hoàng Hương (0,5%).
TD Group là nhà phát triển bất động sản hiện đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, có liên quan đến các dự án trên 3 khu “đất vàng” thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên đã bỏ hoang suốt 11 năm qua.
Chân dung TD Group - DN vừa bị kiến nghị thu hồi 3 khu “đất vàng” Nam Trung Yên |
Trở lại với Gia Hân, tới tháng 3/2014, ông Hà Văn An đã nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần từ TD Group, nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 80%, đánh dấu việc A&B Group chính thức “thâu tóm” Khu du lịch Sinh Thái Gia Hân.
Dù vậy, sau khi đổi chủ, việc phát triển dự án dường như vẫn gặp nhiều khó khăn.
Được biết, theo giấy phép xây dựng, giai đoạn 1 của dự án phải hoàn thành vào tháng 10/2018, song, do quá chậm tiến độ, chủ đầu tư đã 2 lần bị xử phạt hành chính.
Khu nghỉ dưỡng Gia Hân (Nguồn: A&B Group) |
Thượng tuần tháng 3/2019, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu Gia Hân phải đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 1 trước ngày 30/4 cùng năm.
Đồng thời, cơ quan này cũng yêu cầu Gia Hân phải cam kết từng hạng mục, mốc thời gian chi tiết, tiến độ xây dựng, tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động của dự án. Gia Hân phải tập trung triển khai dự án theo tiến độ cam kết, gửi văn bản báo cáo hàng tháng tiến độ thực hiện dự án.
Đến hạn, sở sẽ kiểm tra, nếu có vi phạm tiến độ thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Nếu nhà đầu tư không có văn bản cam kết tiến độ và ký quỹ thực hiện dự án thì sẽ xử lý theo quy định của Luật Đầu tư.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, A&B Group đã có những động thái nỗ lực nhằm thu xếp nguồn vốn cho dự án từ nửa cuối năm 2017.
Cụ thể, ngày 20/10/2017, Gia Hân và CTCP A&B Nha Trang Holding (A&B Nha Trang Holding) đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Gia Hân số 06/2017/HĐHT/GH-NTHD. Tới trung tuần tháng 11/2017, Gia Hân và A&B Nha Trang Holding đồng loạt thế chấp hợp đồng hợp tác, cùng một số tài sản liên quan tới dự án tại một nhà băng tầm trung trong nước.
Về A&B Nha Trang Holding, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 9/2016, quy mô vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng. Tương tự như Gia Hân, ban đầu, ông Hà Văn An chỉ nắm 44% vốn điều lệ tại A&B Nha Trang Holdings, trong khi số cổ phần chi phối (51%) thuộc về ông Nguyễn Văn Mẫn. Sau đó, tới tháng 11/2017, ông An mới mua lại lượng lớn cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu lên 94%.
Ông Nguyễn Văn Mẫn (SN 1970) còn đứng tên tại 7 doanh nghiệp, song có tới 6 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, chỉ còn Công ty TNHH MTV Anh Anh Minh - pháp nhân có mối liên hệ với một tập đoàn lớn trong nước hoạt động đa lĩnh vực.
A&B Central Square
Gia Hân cùng với CTCP A&B Nha Trang Holding hiện đều đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 44 Trần Phú, Phường Lộc Thọ, Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Đây là nơi tọa lạc của dự án khu thương mại – khách sạn dịch vụ A&B Sài Gòn Tower (tên thương mại: A&B Central Square Nha Trang) do CTCP A&B Sài Gòn Nha Trang (A&B Sài Gòn Nha Trang) làm chủ đầu tư.
Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 8/2015, quy mô vốn điều lệ 200 tỉ đồng. Cổ đông sáng lập bao gồm: ông Hà Văn An (90%), A&B Development Corp (5%) và ông Đ.V.T (5%).
Phối cảnh dự án A&B Central Square Nha Trang (Nguồn: A&B Group) |
Khu đất “tam giác vàng” rộng 9.000m2 dành cho A&B Sài Gòn Tower vốn nằm trong 23.479 m2 đất tại số 44 Trần Phú (Nhà nghỉ T.78) do Cục Quản trị T.78 quản lý, sử dụng.
Ngày 28/1/2014, Cục quản trị T.78 đã ký hợp đồng hợp tác số 31/HĐ/CQT-T78 với A&B Development Corp. Tới ngày 28/8/2015, đơn vị này ký tiếp Phụ lục Hợp đồng hợp tác số 01 PLHĐ/ CQT-T78 với A&B Development Corp và A&B Sài Gòn Nha Trang (vừa mới thành lập).
Toàn bộ nguồn thu từ các hợp đồng, phụ lục hợp đồng kể trên được định giá hơn 208,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 09/5/2019 của Chính Phủ về Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Khánh Hòa và Quyết định số 1833/QĐ-UBND ngày 12/6/2019 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất năm đầu của thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, thì toàn bộ khu đất tại số 44 đường Trần Phú (đã bao gồm phần diện tích 9.000m2 xây dựng A&B Saigon Tower) được quy hoạch là đất xây dựng trụ sở cơ quan. |
Về A&B Sài Gòn Nha Trang, cập nhật tới tháng 12/2019, công ty này đã tăng vốn lên mức 590 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VietTimes, việc đầu tư dự án A&B Sài Gòn Tower vẫn có sự đồng hành của đối tác địa ốc thân quen với ông Hà Văn An. Doanh nghiệp này có quy mô vốn điều lệ 190 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập trong đó ông Hà Văn An (48,9%).
Sau một vài lần thay đổi, cập nhật tới ngày 20/7/2016, tỷ lệ sở hữu chi phối tại đây thuộc về nhóm chủ đầu tư dự án Khu liên hợp dịch vụ Thương mại, khách sạn, căn hộ du lịch và văn phòng cho thuê Luna.
Nam Nghi Phú Quốc Island
Dự án “Khu khách sạn nghỉ dưỡng Móng Tay” tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (tên gọi thương mại mới là Nam Nghi Phú Quốc Island) do Công ty TNHH A B Phú Quốc (nay là CTCP A B Phú Quốc) làm chủ đầu tư.
Doanh nghiệp này được thành lập ngày 29/4/2014, có quy mô vốn 220 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Hà Văn An (95%), ông Đ.V.T (4,9%) và ông Hà Đăng (0,1%).
Thành viên của A&B Group không phải là nhà đầu tư đầu tiên tìm đến dự án này.
Năm 2007, Bộ Quốc phòng (BQP) có Quyết định 140/QĐ-BQP, trong đó phê duyệt dự án “Khu hợp tác Biên phòng quốc tế vùng biển Tây Nam Bộ” với tổng diện tích 4,4 ha tại mũi Móng Tay, giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Kiên Giang làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2007 đến 2009, giao BTL BĐBP thực hiện chức năng quản lý trực tiếp của chủ đầu tư.
Tới tháng 11/2010, BTL BĐBP phê duyệt phương án và đồng ý chủ trương cho Bộ chỉ huy BĐBP Kiên Giang chọn đối tác để triển khai dự án với diện tích 6,8 ha, với điều kiện đất quốc phòng phải được BQP phê duyệt phương án sử dụng đất theo Thông tư 35/TT-BQP, còn đất địa phương phải được tỉnh Kiên Giang giao quyền sử dụng.
Trước đó, vào tháng 3/2008, Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang ký với Công ty TNHH Toàn Thịnh Phát (TTP) một biên bản ghi nhớ về định hướng hợp tác phát triển dự án. Đến tháng 10/2011, TTP đã ký với Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang hợp đồng nguyên tắc hợp tác đầu tư và khai thác kinh doanh Khu du lịch sinh thái Hòn Móng Tay số 01/11/HĐNT-TTPPQ.
Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng tại thời điểm đó được BTL BĐBP xác định là không đúng với quy định do chủ đầu tư chưa được tỉnh Kiên Giang giao đất. Mặt khác, tính đến giữa năm 2013, sau nhiều lần gia hạn, TTP vẫn chưa hoàn tất đủ điều kiện để triển khai dự án.
Nam Nghi Phú Quốc Island từ trên cao (Nguồn: A&B Group) |
Đến ngày 8/7/2013, Đại tướng Phùng Quang Thanh (khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đã có công văn số 5080/BQP-TM đồng ý cho BTL BĐBP hợp tác với doanh nghiệp để tận dụng năng lực dôi dư về cơ sở vật chất của dự án “Khu hợp tác Biên phòng quốc tế vùng biển Tây Nam Bộ” để khai thác kinh tế khi nhàn rỗi.
Quá trình tìm kiếm nhà đầu tư sau đó có 5 đơn vị xin tham gia dự án, bao gồm TTP và Công ty TNHH Đầu Tư A&B. Thành viên của A&B Group, ngày 21/10/2013, đã ký hợp đồng hợp tác số 2853/HĐ-2013 với BTL BĐBP nhằm hợp tác đầu tư phát triển dự án.
Tới ngày 24/3 và 3/4/2015, BTL BĐBP tiếp tục ký các phụ lục sửa đổi bổ sung hợp đồng hợp tác đầu tư nêu trên với Công ty TNHH Đầu Tư A&B và A B Phú Quốc.
Được biết, các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản phí mà A B Phú Quốc thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án Khu khách sạn nghỉ dưỡng Móng Tay (Nam Nghi Phú Quốc Island) theo các hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký với BTL BĐBP mà VietTimes đề cập có trị giá hơn 360 tỷ đồng.
Ngoài các doanh nghiệp kể trên, hệ sinh thái A&B Group còn bao gồm một số pháp nhân khác như: Công ty TNHH Thương mại & Bất động sản Châu Mỹ (2014), CTCP Đầu tư và Thương mại AB - Châu Mỹ (2017), CTCP Đầu tư A&B Đăng Nghi Holding (2017)./.