Bài báo viết, khóa họp lần thứ 74 Đại hội đồng LHQ đã bế mạc vào ngày 30/9. Hôm 24/9, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã phát biểu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc và địa vị của nước này trên thế giới. Ông nói trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng Trung Quốc không có “gen xưng vương xưng bá” và “không muốn chơi 'trò chơi quyền lực' trên trường quốc tế”. Ông cũng thừa nhận Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới hiện nay và tại thời điểm có thể dự đoán được về sau.
Ông Vương Nghị nói: “Thu nhập quốc dân bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người và trình độ giáo dục khoa học và công nghệ của chúng tôi vẫn kém xa nước Mỹ”. Ông nhấn mạnh “Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển”. Trong khi đó, ngoài cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi phát biểu cùng ngày trước Liên hợp quốc đang mở ra một chiến trường khác – đó là vị thế “quốc gia đang phát triển” của Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng đã yêu cầu WTO phải thay đổi quy định để không tiếp tục coi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là một quốc gia đang phát triển như Bắc Kinh tự tuyên bố. Bài phát biểu của Vương Nghị trước Liên hợp quốc được cho là đáp lại điều này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị: Trung Quốc hiện vẫn là một quốc gia đang phát triển.
|
Tối hậu thư của Mỹ đối với WTO
Hồi cuối tháng 7, ông Trump đã đưa ra tối hậu thư cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu sửa đổi quy định cho phép các quốc gia tự quyết định xem mình có đủ tư cách là “nước đang phát triển” hay không.
Theo Bị vong lục của Nhà Trắng, Mỹ cho rằng, khi một nền kinh tế giàu có đòi hỏi vị thế của quốc gia đang phát triển, điều này không chỉ gây hại cho các nền kinh tế phát triển, mà còn làm suy yếu các nền kinh tế thực sự cần đối xử đặc biệt và khác biệt (S&D).
Bị vong lục dẫn ra trường hợp Trung Quốc để chứng minh: khối lượng xuất khẩu thương mại của Trung Quốc, sự tăng trưởng xuất khẩu của các sản phẩm công nghệ cao, quy mô đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, số lượng công ty trong top 500 thế giới, các số liệu về chi tiêu quốc phòng và sức mạnh trong lĩnh vực không gian vũ trụ, đều cho thấy Trung Quốc đã “phát triển” như thế nào.
Đa Chiều viết, nhìn bề ngoài, cách đặt vấn đề của Mỹ có vẻ hợp lý: Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có sức mạnh thương mại lớn nhất và là thành viên của G20, tại sao vẫn là một “quốc gia đang phát triển”? Nhưng theo quan điểm của Trung Quốc, quốc gia đang phát triển không nên được đo bằng khối lượng kinh tế và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Theo cách lý giải này, GDP bình quân đầu người năm 2018 của Mỹ cao gấp 16 lần Indonesia, 26 lần so với Việt Nam, 31 lần so với Ấn Độ và 6,6 lần so với Trung Quốc. Dữ liệu được Mỹ sử dụng đã bỏ qua khoảng cách giữa các thành viên đang phát triển và các thành viên phát triển về mức thu nhập bình quân đầu người, phát triển công nghệ, cơ cấu kinh tế, sự chênh lệch khu vực, quản lý xã hội và chất lượng phát triển. Nếu xét từ quan điểm này, việc Trung Quốc và các quốc gia này được hưởng sự đối xử khác biệt tại WTO cũng hợp lý.
Về cơ bản, tố cáo của Mỹ không liên quan đến cách xác định các nước đang phát triển, mà là vì phán đoán Mỹ “bị thiệt thòi” theo quy định của WTO. Theo ông Trump, Mỹ đã trở thành “nạn nhân” của quy tắc hiện hành, nhưng ông đã không đề cập đến những lợi ích mà Mỹ thu được từ chuỗi giá trị thương mại toàn cầu. Một ví dụ là đại đa số điện thoại Apple được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng Công ty Apple Inc. của Mỹ vẫn sở hữu 58,5% lợi nhuận. Đây liệu có phải là thương mại “không công bằng” đối với Mỹ? Thách thức vị thế của các nước đang phát triển không phải là vì “công bằng”, mà là một bước đi của ông Trump trong việc thực hiện các biện pháp thương mại đơn phương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump: WTO phải thay đổi quy định để không tiếp tục coi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là một quốc gia đang phát triển như Bắc Kinh tự tuyên bố
|
Sau khi ông Trump nhậm chức, Mỹ cũng thực sự thách thức vị thế và hoạt động của WTO. Kể từ năm 2017, Mỹ đã luôn cản trở các thành viên cơ cấu phúc thẩm của WTO lựa chọn và áp dụng các thủ tục mới để giải quyết tranh chấp, dẫn đến việc cơ cấu phúc thẩm chỉ còn lại ba vị thẩm phán; đến ngày 10 tháng 12 năm 2019, cơ cấu phúc thẩm sẽ chỉ còn lại một thẩm phán, có nghĩa là WTO sẽ bị tê liệt. Đồng thời, từ việc ký Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) đến sự đồng thuận giữa Mỹ và châu Âu về thuế suất 0%, ông Robert Lighthizer (Đại diện Thương mại Mỹ) luôn áp dụng chiến thuật một chọi một. Gần đây,ông Trump thậm chí đe dọa rút khỏi WTO. Đây lại là một bước ngoặt khác của Mỹ chuyển hướng từ tổ chức đa phương sang chủ nghĩa đơn phương.
“Nước đang phát triển” nhìn từ khuôn khổ
Theo Đa Chiều, cuộc thảo luận về việc liệu Trung Quốc có còn được gọi là “nước đang phát triển” hay không luôn tồn tại. Trên thực tế, các nước đang phát triển đều được hưởng một số ưu đãi trong các tổ chức đa phương như Liên Hợp Quốc và WTO. Nhưng Trung Quốc chưa bao giờ được hưởng 100% đối xử đặc biệt và khác biệt trong WTO và nhiều tổ chức quốc tế khác đã đưa ra các chính sách ưu đãi cho các nước đang phát triển.
Ví dụ, sự đối xử đặc biệt của WTO có tới khoảng 150 điều, nhưng có sự khác biệt thực tế tùy thuộc vào tình hình của mỗi quốc gia. Trung Quốc có thể nói là một ví dụ đặc biệt nhất. Trung Quốc gia nhập WTO năm 2002 và “Nghị định thư Trung Quốc gia nhập WTO” được ký kết khá độc đáo trong WTO. Một mặt, nghị định thư quy định rằng Trung Quốc cần phải chịu nhiều nghĩa vụ “siêu WTO” hơn so với các nước đang phát triển nói chung và các nền kinh tế đang chuyển đổi, mặt khác, đòi hỏi Trung Quốc phải chấp nhận các biện pháp đối xử ưu đãi thấp hơn các nước đang phát triển khác. Đó đều là sự “độc đáo”của Trung Quốc.
Ví dụ, thỏa thuận của WTO cho phép các thành viên WTO coi Trung Quốc có “nền kinh tế phi thị trường” đến 15 năm; thực hiện các biện pháp bảo đảm đặc biệt và không được hưởng quy chế MFN (tối huệ quốc) vô điều kiện; Trung Quốc cam kết hạn ngạch thuế quan trong nông nghiệp, ô tô và sản phẩm công nghiệp cao hơn các nước đang phát triển khác, chấp nhận các yêu cầu nghiêm ngặt để thiết lập cơ chế rà soát chuyển tiếp; đối xử với quốc gia và người nước ngoài trong hoạt động đầu tư vượt quá phạm vi Hiệp định WTO; từ bỏ các biện pháp quá độ dành cho các nước đang phát triển theo “Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại”. .v.v. Thật bất hợp lý khi nhìn vào tình trạng “nước đang phát triển” của Trung Quốc khi họ phải từ bỏ các điều khoản độc đáo này.
Trung Quốc luôn tìm mọi cách để giữ được vị thế là nước đang phát triển tại WTO để được hưởng các ưu đãi
|
Hơn nữa, với việc cam kết gia nhập WTO của Trung Quốc cơ bản đã hoàn tất, nhiều biện pháp chuyển tiếp ở các nước đang phát triển không còn được áp dụng. Kể từ năm 2010, các cam kết giảm thuế hàng hóa của Trung Quốc đã được thực hiện và tổng mức thuế đã giảm xuống còn 9,8%. Trong đó, mức thuế quan tâm nhất đối với xe hơi hoàn chỉnh và phụ tùng đã giảm xuống đến 15% và 6%, vượt quá yêu cầu khi gia nhập WTO. Trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ, Trung Quốc đã cam kết mở tới 100 phân ngành thuộc 9 loại lớn, tiếp cận mức cam kết trung bình mở 108 phân ngành của các thành viên là nước phát triển; chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc đã loại bỏ hàng trăm ngàn luật và quy định không phù hợp với quy định của WTO.
Từ năm 2014, Trung Quốc không còn được hưởng thuế quan ưu đãi. Năm 2018, dưới áp lực của Mỹ, World Bank (Ngân hàng Thế giới) cũng đồng ý nâng lãi suất cho các khoản vay của Trung Quốc để tăng chi phí tài chính của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, các nước phát triển Anh, Đức, Nhật Bản đã ngừng viện trợ cho Trung Quốc.
Đa Chiều viết, cũng cần phải thừa nhận rằng Trung Quốc vẫn được hưởng sự đối xử đặc biệt mà một số nước phát triển không được hưởng, nhưng họ cũng phải chịu các nghĩa vụ mà các nước đang phát triển khác không phải chịu. Ví dụ, Trung Quốc phải nộp mức hội phí tại Liên Hiệp Quốc cao trong năm nay, thậm chí nhiều hơn Nhật Bản, lần đầu tiên trở thành nước đóng hội phí nhiều thứ hai. Trung Quốc cũng gia tăng đáng kể viện trợ nước ngoài thông qua “hợp tác Nam – Nam” và ngày càng phát huy vai trò trong hoạt động chống khủng bố, gìn giữ hòa bình, bảo vệ an ninh hàng hải quốc tế. Đáng chú ý nhất là khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris, Trung Quốc hứa sẽ đạt mức thải carbon ít nhất vào năm 2030 và cam kết sẽ đáp ứng các yêu cầu của Thỏa thuận Paris trước 3 năm. Đó là điều phần lớn các nước đang phát triển, thậm chí một số nước phát triển không sẵn sàng làm.
Theo Đa Chiều, có thể thấy rằng việc dán nhãn nước đang phát triển không có nghĩa là Trung Quốc đang trốn tránh trách nhiệm, cũng không có nghĩa là sự không công bằng đối với các nước đang phát triển khác.
Theo đề xuất trong dự thảo của Mỹ, 4 loại quốc gia gồm: các nước thành viên OECD, các nước thành viên G20, các nước thu nhập cao được Ngân hàng Thế giới công nhận và các nước có tổng khối lượng thương mại chiếm hơn 0,5% của thế giới từ nay về sau không nên yêu cầu sự đãi ngộ khác biệt và đặc biệt trong các vòng đàm phán WTO. Theo “Dữ liệu và triển vọng thương mại toàn cầu” của WTO, năm 2018 số liệu xuất nhập khẩu của Mexico, UAE, Brazil, Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam, Ba Lan, Thái Lan và Indonesia đều đã vượt quá mức 0,5% mà Mỹ đề ra. Tuy nhiên, Trung Quốc hiển nhiên là mục tiêu lớn nhất mà Mỹ nắm lấy; còn việc liệu nó có liên quan đến các quốc gia khác hay không thì Mỹ không quan tâm. Từ góc độ này, ý định kiềm chế Trung Quốc của Mỹ càng trở nên rõ ràng hơn. Phía sau việc nắm bắt nhãn hiệu “nước đang phát triển” vẫn là vấn đề Trung Quốc trỗi dậy khiến Mỹ khó chịu.
Mỹ đang tìm mọi cách để ngăn cản Trung Quốc được hưởng các ưu đãi của WTO
|
Tại sao Trung Quốc cố giữ vị thế “ nước đang phát triển”?
Đối với “chiến trường mới” của Mỹ, cả Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc đều đã đáp trả. Bộ Ngoại giao nhấn mạnh WTO không phải do một quốc gia hay một vài quốc gia có tiếng nói cuối cùng, mà phải tôn trọng ý muốn chung của tất cả các thành viên. Bộ Thương mại trả lời, nói phía Mỹ phủ nhận vị thế nước đang phát triển của một số thành viên, trong đó có Trung Quốc vừa không phù hợp với thực tế vừa không phù hợp với nguyên tắc và tinh thần của WTO. Trước đó, 10 thành viên là quốc gia đang phát triển bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Venezuela...cũng đã đệ trình lên Hội đồng WTO tài liệu “Hỗ trợ các nước đang phát triển được hưởng sự đối xử đặc biệt và khác biệt để thúc đẩy phát triển và đảm bảo tính bao dung”, phản đối các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu sử dụng chọn lọc một số dữ liệu kinh tế và thương mại nhất định để phủ nhận sự khác biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Có thể thấy Trung Quốc vẫn rất kiên trì giữ vị thế nước đang phát triển. Thế giới bên ngoài luôn giải thích là Trung Quốc không muốn để mất “lợi ích” của nước đang phát triển. Đúng là Trung Quốc vẫn được hưởng một số lợi ích nhất định vì vị thế là một quốc gia đang phát triển. Ví dụ, nước này giữ được không gian trợ cấp nhiều hơn trong WTO, có thể áp dụng các biện pháp cần thiết để kiểm soát tổng mức nhập khẩu vì lý do cân bằng thanh toán và giữ lại một số mặt hàng quan trọng. Ngoài ra, trong các tổ chức đa phương như các cơ quan Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc nhiều năm nay đã được hưởng ưu đãi tài chính, thương mại, giáo dục và viện trợ kinh tế.
Tuy nhiên, nguyên nhân này có thể không phải là tất cả. Trong đội ngũ các nước đang phát triển, bên cạnh sự đối xử đặc biệt, Trung Quốc còn có những tham vọng khác. Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi tham dự cuộc tranh luận chung của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và có bài phát biểu, đặc biệt nói về mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước đang phát triển gây nên những phản ứng mạnh. Ông Tập Cận Bình nói: “Trung Quốc sẽ tiếp tục sát cánh với đông đảo các nước đang phát triển và kiên trì ủng hộ sự gia tăng đại diện và tiếng nói của các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước châu Phi trong hệ thống quản trị quốc tế. Lá phiếu của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc sẽ mãi thuộc về các nước đang phát triển”.
Bài báo kết luận, việc tuyên bố “mãi thuộc về quốc gia đang phát triển” không chỉ để bảo vệ lợi ích của chính mình, mà còn cho thấy Trung Quốc mong muốn đại diện cho các nước đang phát triển tại Liên Hợp Quốc để loại bỏ các chính sách kỳ thị và đối xử không công bằng đối với các nước đang phát triển. Đối với Trung Quốc, nhãn hiệu “nước đang phát triển” quan trọng hơn về mặt chính trị. Điều này xuất phát từ lịch sử phát triển của Trung Quốc; trong bối cảnh hiện tại còn thể hiện mong muốn của Trung Quốc trở thành “người cầm cờ” của đa cực hóa và chủ nghĩa đa phương./.
Theo Đa chiều