Cty Lê Bảo Minh: Khi nhà phân phối của Canon Việt Nam âm nặng dòng tiền kinh doanh...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khoản phải thu tăng gấp 2,8 lần chỉ trong nửa đầu năm 2022 với CTCP Đầu tư LBM khiến CTCP Lê Bảo Minh - nhà phân phối của Canon tại Việt Nam – âm nặng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh.
Cty Lê Bảo Minh: Nhà phân phối Canon Việt Nam âm nặng dòng tiền kinh doanh
Cty Lê Bảo Minh: Nhà phân phối Canon Việt Nam âm nặng dòng tiền kinh doanh

CTCP Lê Bảo Minh (Lê Bảo Minh) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, với doanh thu thuần đạt 917,4 tỉ đồng, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, Lê Bảo Minh còn ghi nhận khoản thu tiền hỗ trợ khách hàng 31,1 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2022, được hạch toán vào ‘thu nhập khác’.

Khấu trừ chi phí, Lê Bảo Minh báo lãi sau thuế 45,5 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2021.

Dù ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực cả về doanh thu và lợi nhuận, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 của Lê Bảo Minh lại âm tới 329,1 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, tình trạng âm dòng tiền kinh doanh của Lê Bảo Minh đã bắt đầu được ghi nhận từ năm 2021 và vẫn kéo dài cho tới 2 quý đầu năm 2022. Điều này khiến Lê Bảo Minh có xu hướng tăng vay nợ để bù đắp sự thiếu hụt dòng tiền.

Hệ quả là, tính đến cuối quý 2/2022, dư nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn của Lê Bảo Minh đã tăng gấp đôi so với đầu năm, lên mức 572 tỉ đồng, chiếm tới 76% nguồn vốn nợ phải trả của công ty.

Khoản phải thu giữa CTCP Lê Bảo Minh và CTCP Đầu tư LBM tăng nhanh trong nửa đầu năm 2022

Khoản phải thu giữa CTCP Lê Bảo Minh và CTCP Đầu tư LBM tăng nhanh trong nửa đầu năm 2022

Hé mở LBM Invest

Theo tìm hiểu của VietTimes, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng nêu trên là do các khoản phải thu ngắn hạn giữa Lê Bảo Minh và CTCP Đầu tư LBM (LBM Invest) gia tăng nhanh chóng.

Tại ngày 30/6/2022, số dư phải thu ngắn hạn của Lê Bảo Minh với LBM Invest đạt 483 tỉ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với thời điểm cuối năm 2021. Cùng với đó, tỉ trọng của khoản phải thu ngắn hạn này trên tổng tài sản của Lê Bảo Minh cũng gia tăng nhanh chóng, từ 14,2% (tại ngày 31/12/2021) lên mức 30,4% (tại ngày 30/6/2022).

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, LBM Invest được thành lập từ tháng 5/2009, tiền thân là CTCP Đầu tư Lê Bảo Minh.

Vai trò người đại diện pháp luật của LBM Invest nhiều năm liền do Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Nguyễn Mạnh Bảo (SN 1976) đảm nhiệm. Từ tháng 2/2021, vai trò này được chuyển giao cho Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Hoàng (SN 1978).

Lưu ý rằng, ông Nguyễn Mạnh Bảo từng có thời gian dài có địa chỉ hộ khẩu thường trú trùng với bà Lê Thị Ngọc Hải – cổ đông lớn nhất và cũng là Chủ tịch HĐQT ở Lê Bảo Minh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hoàng cũng từng là giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Địa ốc Đồng Nai (Donare). Mối liên hệ giữa Donare và nữ Chủ tịch HĐQT Lê Bảo Minh sẽ được VietTimes đề cập chi tiết hơn ở phần sau bài viết.

Cuộc chơi địa ốc của Lê Bảo Minh

Lê Bảo Minh được ‘phôi thai’ từ những năm 1997, khởi đầu là một đơn vị quy mô nhỏ, chủ yếu kinh doanh các mặt hàng điện tử văn phòng.

Tới năm 2003, Lê Bảo Minh chính thức được thành lập, với quy mô vốn điều lệ ban đầu là 6 tỉ đồng. Doanh nghiệp này sau đó trở thành nhà phân phối chính thức sản phẩm Canon tại Việt Nam cho tới nay. Đến tháng 12/2018, quy mô vốn điều lệ của công ty này đã được nâng lên mức 500 tỉ đồng.

Bước ngoặt trong quá trình phát triển của Lê Bảo Minh phải kể tới việc doanh nghiệp này trở thành công ty đại chúng vào cuối năm 2020.

Không chỉ phân phối các sản phẩm của Canon, như VietTimes từng đề cập, Lê Bảo Minh đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Doanh nghiệp này là công ty mẹ, sở hữu 96% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư Bất động sản LFM (LFM).

Theo tìm hiểu của VietTimes, LFM là nhà phát triển dự án bất động sản có quy mô 9.023,3 m2 tại lô số 5 trục đường 33 (đường Nguyễn Hữu Thọ đến đường dẫn vào cầu Tuyên Sơn), phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng.

Đáng chú ý, Đại hội đồng cổ đông bất thường (EGM) diễn ra vào tháng 2/2021 của Lê Bảo Minh còn thông qua phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng nhằm mục đích nhận chuyển nhượng 5,4 triệu cổ phần của Donare và bổ sung vốn lưu động.

Chia sẻ với cổ đông, đại diện ban lãnh đạo Lê Bảo Minh cho biết thời gian đầu tư vào dự án của Donare là 3 năm và lợi nhuận tạm tính khoảng 28 – 35%. Tuy nhiên, kế hoạch này khả năng đã được hoãn lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ít ai biết rằng, Donare từ lâu đã có dấu ấn của bà Lê Thị Ngọc Hải – Chủ tịch HĐQT Lê Bảo Minh.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Donare được sáng lập bởi CTCP Tổng công ty Vĩnh Phú (Vĩnh Phú) và một số cổ đông cá nhân vào tháng 1/2013. Tuy nhiên, tới tháng 7/2018, cơ cấu cổ đông của Donare được ‘thay máu’ triệt để. Trong đó, bà Lê Thị Ngọc Hải nắm giữ 2,45 triệu cổ phiếu, chiếm tỉ lệ 98% vốn điều lệ.

Nữ doanh nhân sinh năm 1968 đảm nhiệm vai trò giám đốc kiêm người đại diện của Donare tới tháng 7/2020, trước khi nhường lại vị trí này cho ông Nguyễn Quốc Hoàng.

Về phía Donare, năm 2003, doanh nghiệp này được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho thuê 13,1ha đất tại khu phố 8, phường Long Bình để xây dựng nhà xưởng và kho bãi cho thuê.

Tới tháng 4/2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng loạt khu đất ở Tp. Biên Hoà, trong đó có khu ‘đất vàng’ của Donare.

Tuy vậy, vào tháng 5/2022, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm tài chính 2021 của Lê Bảo Minh đã thông qua quyết nghị về việc “tiếp tục phương án phát hành tăng 15% vốn điều lệ bằng việc mua 18% cổ phần của Công ty cổ phần Địa ốc Đồng Nai”. Theo đó, việc đăng ký chào bán sẽ được hoàn tất trong quý 2/2022.

Cùng với đó, Lê Bảo Minh cũng đặt mục tiêu lưu ký và niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán Tp. HCM (HOSE) trong quý 2/2022.

Trước khi trở thành công ty đại chúng, hồi tháng 3/2020, ĐHĐCĐ của Lê Bảo Minh đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 16%, tương ứng với số tiền lên tới 80 tỉ đồng.

Khi ấy, cơ cấu cổ đông của Lê Bảo Minh chỉ có 3 thể nhân. Trong đó, bà Lê Thị Ngọc Hải sở hữu tới 90% vốn điều lệ, tương ứng với việc sẽ được hưởng 68,4 tỉ đồng tiền cổ tức (sau thuế). Số cổ phần còn lại của Lê Bảo Minh chia đều cho các ông Nguyễn Quốc Hoàng và Phan Quang Phú.

Tính đến ngày 30/6/2022, quy mô vốn điều lệ của Lê Bảo Minh vẫn ở mức 500 tỉ đồng, trong khi tỉ lệ sở hữu của bà Lê Thị Ngọc Hải đã giảm xuống chỉ còn 44,2% vốn điều lệ./.