Sự kiện gian lận nêu trên đã gây áp lực lên giá cổ phiếu của tập đoàn. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng 1,5% vào thứ Sáu (12/1) và lập mức cao kỷ lục mới trong 34 năm, thì giá cổ phiếu của Tập đoàn Panasonic đã đi ngược xu hướng và giảm tới 2,77%, với giá trị thị trường là 3.480 tỉ yen, tương đương khoảng 24,012 tỉ USD.
Sự việc bắt đầu từ việc một công ty con của Tập đoàn Panasonic đã phạm tội lừa đảo trong nhiều thập kỷ. Ngày 12/1, Panasonic Industrial, công ty con trực thuộc tập đoàn, thừa nhận đã phạm tội giả mạo dữ liệu và những sai phạm khác khi đăng ký chứng nhận chất lượng sản phẩm. Việc gian lận này đã bắt đầu từ thập niên 1980 của thế kỉ trước, có tới 52 loại sản phẩm liên quan đến việc vi phạm. Công ty có tổng cộng khoảng 400 công ty khách hàng trên khắp thế giới.
Theo kênh truyền hình CCTV Finance, ngày 12/1, người đứng đầu Công ty Panasonic Industrial, công ty con kinh doanh linh kiện điện tử của Tập đoàn Panasonic, đã cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo, thừa nhận đã có hành vi giả mạo dữ liệu thử nghiệm trong quá trình xin chứng nhận chất lượng sản phẩm từ bên thứ ba.
Panasonic Industrial cho biết, khi đó để có được các chứng nhận liên quan, họ đã giả mạo dữ liệu về khả năng chống cháy, tức là đặc tính chống cháy của vật liệu dùng sản xuất linh kiện điện tử được sử dụng trong các sản phẩm ô tô, thiết bị gia dụng... Ngoài ra, công ty này từ lâu đã sản xuất và bán các sản phẩm có thành phần nguyên liệu khác với thứ đã được chứng nhận, điều này cũng vi phạm pháp luật.
Theo thông tin trên báo chí, một số hành vi vi phạm bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên từ những năm 1980, liên quan đến tổng cộng 7 nhà máy của công ty này ở Nhật Bản và nước ngoài, có tới 52 loại sản phẩm vi phạm và tổng số công ty khách hàng trên toàn thế giới là khoảng 400. Tuy nhiên, liệu có liên quan đến thị trường Trung Quốc hay không thì hiện vẫn đang trong quá trình xác nhận.
Công ty TNHH Panasonic Industrial cho biết hiện tại họ không phát hiện sự cố ở các sản phẩm liên quan và sẽ không ngừng xuất hàng cũng như không tiến hành thu hồi; nếu phía công ty khách hàng yêu cầu, họ sẽ cung cấp sản phẩm thay thế. Sau khi hành vi gian lận bị phanh phui, các công ty thuộc Tập đoàn Panasonic sẽ tiến hành tự kiểm tra xem sản phẩm của họ có gặp vấn đề tương tự hay không. Ngoài ra, tới đây, một ủy ban điều tra của bên thứ ba bao gồm các luật sư bên ngoài sẽ tiến hành điều tra những hành vi vi phạm bị vạch trần lần này.
Tập đoàn Panasonic, công ty mẹ của Panasonic Industrial, được ông Konosuke Matsushita, người được mệnh danh là "Thần kinh doanh" thành lập vào năm 1918. Hiện tại, Tập đoàn Panasonic đã trở thành tập đoàn doanh nghiệp công nghệ điện tử tổng hợp quốc tế nổi tiếng thế giới với hơn 230.000 nhân viên.
Trong năm tài chính 2022, tổng thu nhập doanh nghiệp của Panasonic là 8.378,9 tỉ yen (57, 814 tỉ USD), tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng là 265,5 tỉ yen (1,832 tỉ USD), tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 4 đến tháng 9/2023, Tập đoàn Panasonic đạt doanh thu 4.119,4 tỉ yen (28,423 tỉ USD), tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận ròng là 288,4 tỉ yen (1,99 tỉ USD), tăng 168,67% so với cùng kỳ năm trước.
Cách đây không lâu, Daihatsu Industrial Co., Ltd., một công ty con của Tập đoàn ô tô Toyota Nhật Bản, cũng thừa nhận đã phạm tội gian lận kéo dài hơn 30 năm. Công ty Daihatsu Industrial đã đình chỉ việc xuất bán tất cả các mẫu xe đang được sản xuất sau khi hơn 170 thao tác vi phạm quy định bị phát hiện. Bắt đầu từ ngày 25/12/2023, ba nhà máy sản xuất ô tô của Daihatsu tại Nhật Bản lần lượt tạm dừng hoạt động và nhà máy trụ sở chính cũng tạm ngừng hoạt động từ ngày 26/12/2023. Việc ngừng sản xuất dự kiến sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 1/2024.
Lần này đến lượt công ty con của thương hiệu nổi tiếng Panasonic bị phanh phui, những bê bối liên tiếp này đã ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh thương hiệu của các công ty lớn Nhật Bản.
Theo Sinafinance