Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên phá lên cười khi nhớ lại cuộc trò chuyện gần đây với một vụ trưởng. Ông kể, ông vụ trưởng yêu cầu các cán bộ trong vụ phải nộp báo cáo mô tả công việc hàng ngày. Không hẹn mà gặp, hầu hết các cán bộ đều ghi một điểm chung là “nấu nước, pha trà” trong bản khai. Ông Thiên hỏi ngay: “Nhiều người pha trà thế sao anh không giảm bớt đi?”. Vị vụ trưởng thở dài như thể hiện sự bất lực.
Câu chuyện trên, và vô vàn những câu chuyện tương tự khác về công chức, đã dẫn đến một kết luận của ông Thiên là bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả đã là trở lực chính, cản trở đất nước phát triển. Khẳng định của ông Thiên được củng cố thêm khi ông nghe bản thuyết trình do trường Harvard thực hiện gần đây tại hội nghị chuyên đề về Việt Nam.
Bản thuyết trình do USAID soạn thảo đưa ra hai đồ thị đáng quan tâm. Đồ thị thứ nhất là nhóm quốc gia xếp hạng 4 trên thế giới, có tên Việt Nam. Nhóm này bao gồm các nước xếp hạng từ 90-120 trên thế giới về năng lực cạnh tranh; và có mức thu nhập trung bình là 7.600 đô la Mỹ/người.
Ông nói: “Khoảng cách giữa thu nhập có thể và đang có của chúng ta ít nhất 5.500 đô la Mỹ. Phải có cái gì đó đang cản trở, mà nếu tháo bỏ được thì thu nhập bình quân của Việt Nam có thể tăng vài ngàn đô la Mỹ. Có nghĩa là dư địa để chúng ta có thu nhập cao vẫn còn lớn. Đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào vì họ thấy rằng, chỉ cần thu nhập nhích lên là có cơ hội thắng. Vậy thì nỗ lực của chúng ta là phải đi tìm nút thắt đó”.Ở đồ thị này, Việt Nam được xếp thứ 99, tức ở mức trên của bảng xếp hạng, nhưng chỉ có thu nhập trung bình là 1.400 đô la Mỹ/người. Xem đồ thị này, ông Thiên tự nhủ, với vị trí xếp hạng đó, Việt Nam lẽ ra phải có thu nhập bình quân 7.600 đô la Mỹ/người, hay gần như thế; chứ không phải là 1.400 đô la Mỹ như thực tế.
Nút thắt đó được định danh rõ ràng hơn ở đồ thị thứ hai của USAID. Đồ thị này thể hiện, năm 2014 các doanh nghiệp ở Việt Nam mất tới 872 giờ đóng thuế và trong thời gian 2011-2014, Việt Nam chỉ giảm được 70 giờ. Như vậy, khoảng cách về thời gian nộp thuế của Việt Nam so với mức trung bình 171 giờ của Asean 6 lên tới 700 giờ. Ông Thiên phân tích, hai yếu tố cơ bản khi thu thuế là khả năng tính toán và kết nối mạng của Việt Nam không thể thua các quốc gia Asean 6. “Như vậy, nút thắt ở đây chính là bộ máy”, ông khẳng định.
Hội nghị Trung ương 10 không bàn về cải cách bộ máy, mà chỉ bàn về tinh giản biên chế thôi. Có nghĩa là bộ máy như thế nào thì vẫn thế, chẳng qua không được đẻ ra người mới. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh |
Nhận xét này rõ ràng là gây đụng chạm cho ngành thuế. Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, để đưa về mức 171 giờ như của Asean 6 và Nghị quyết 11, cả thuế và bảo hiểm xã hội phải giảm được 701 giờ. Trong số đó, ngành thuế phải giảm được 415,5 giờ, còn 121,5 giờ; và bảo hiểm xã hội phải giảm được 285,5 giờ, còn 49,5 giờ.
Chỉ trong vòng vài tháng qua, ngành thuế ước tính đã cắt giảm 370 giờ nộp thuế sau khi đã sửa đổi hàng loạt văn bản pháp luật và cam kết tiếp tục cắt giảm khoảng 45-50 giờ còn lại vào cuối năm nay, hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ đặt ra. Trong khi đó, lãnh đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cam kết với Thủ tướng cắt giảm thời gian làm thủ tục bảo hiểm xuống còn 49,5 giờ cuối năm 2015, bằng mức Asean 6.
Những con số trên đã cho thấy sức ỳ của ngành thuế lớn đến mức nào. Ông Thiên giải thích, khoảng cách 701 giờ có nghĩa là thời gian không làm việc, và ngân sách nhà nước vẫn phải chi trả cho khoảng thời gian đó. “Nhưng đáng lo lắng hơn, khoảng cách này cho thấy động cơ của bộ máy là càng không làm việc, thu nhập càng cao. Họ ngâm hồ sơ mà ẩn đằng sau là cơ hội kiếm tiền từ người dân và doanh nghiệp. Động lực méo mó như vậy tại sao vẫn được duy trì? Vì bản thân bộ máy không bỏ qua cơ hội kiếm ăn được”.
Đánh giá của ông Thiên mới chỉ đề cập đến ngành thuế, ngành đang có tiến bộ rõ ràng nhất ở Việt Nam. Trong khi đó, còn nhiều ngành khác, mà chỉ nêu tên thôi cũng làm cho các doanh nghiệp và người dân cảm thấy ngại ngần. Cách “làm ăn” dễ dàng như vậy hẳn là lý do, mà các bộ, ngành, địa phương gửi kế hoạch biên chế công chức hàng năm về Bộ Nội vụ luôn cao từ 9-11% so với số biên chế công chức giao của năm trước, theo Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Song, thật khó mà tinh giản bộ máy.
Hội nghị Trung ương 10 mới vừa rồi cũng bàn về tinh giản biên chế. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết sắp tới các biện pháp cưỡng chế sẽ được áp dụng. “Nếu dùng các biện pháp cưỡng bức là cơ quan nhà nước chỉ được tuyển dụng một nửa số cán bộ nghỉ hưu, thôi việc, thay vì tuyển dụng 100% như trước, thì ước tính sẽ giảm được 12% trong năm năm. Hội nghị mới chỉ đề cập cái đó thôi”.
Ông Vinh tỏ ra tiếc nuối: “Hội nghị Trung ương 10 không bàn về cải cách bộ máy, mà chỉ bàn về tinh giản biên chế thôi. Có nghĩa là bộ máy như thế nào thì vẫn thế, chẳng qua không được đẻ ra người mới”.
Ông nói: “Lực cản do bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả thì hội nghị có đề cập đến về mặt nhận thức, nhưng chưa có giải pháp, một đề án cải cách nào, hành động nào. Đó là điều tôi rất trăn trở. Chúng ta vẫn nói, đổi mới kinh tế phải song hành với đổi mới tổ chức của hệ thống chính trị. Ai cũng thấy nó kềnh càng, kém hiệu quả quá mà chưa đụng chạm được”, ông nói.
Theo TBKTSG