Còn “lái súng”, Mỹ và thế giới chưa thể bình yên
VietTimes -- Sau vụ xả súng kinh hoàng ngày 15.2.2018 do nghi phạm Nikolas Cruz gây ra tại Trường cấp 3 Marjory Stoneman Douglas khiến ít nhất 17 người chết, hàng chục người bị thương, ngày 21.2.2018 Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất ý tưởng trang bị súng cho giáo viên nhằm ngăn chặn thảm kịch tương tự sẽ xảy ra tại các trường học của Mỹ trong tương lai.
Đề xuất này của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức làm dấy lên làn sóng phẫn nộ và phản đối của đông đảo người dân Mỹ, trước hết là giáo viên, học sinh và sinh viên. Các chuyên gia nghiên cứu giáo dục và cả giáo viên gọi đề xuất trang bị súng cho giáo viên là một “ý tưởng kinh khủng”. Theo bà Randi Weingarten, Chủ tịch Liên đoàn giáo viên Mỹ, việc trang bị súng cho giáo viên sẽ không giúp hóa giải vấn nạn xả súng hàng loạt ở Mỹ mà chỉ khiến cho tình hình càng tồi tệ hơn, tạo ra một cảm giác sai lầm về an ninh và chỉ đưa súng đạn xâm nhập nhiều hơn vào nhà trường. Với vai trò là người cha, người mẹ, người dạy dỗ học sinh, bà Randi Weingarten chỉ muốn trường học là một nơi tôn nghiêm, an toàn cho việc dạy và học.
Trong khi đó, đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump lại được Chủ tịch Hiệp hội súng đạn quốc gia Mỹ, gọi tắt là NRA (National Rifle Association of America), ông Wayne LaPierre, lên tiếng hoan nghênh. Chủ tịch NRA còn đưa ra tuyên bố sẽ hỗ trợ 100% kinh phí cho hoạt động bảo đảm an ninh và an toàn cho các trường học của Mỹ nhằm ngăn chặn mọi sáng kiến đòi hạn chế trang bị súng hoặc đòi hủy bỏ Luật sở hữu súng của Mỹ.
Vì sao Mỹ tranh cãi gay gắt vấn đề kiểm soát súng?
Theo giới phân tích, đề xuất trang bị súng cho giáo viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump là động thái ngầm ủng hộ NRA bởi đây là lực lượng rất quan trọng trong nhóm vận động hành lang đầy quyền lực ở Mỹ. Lực lượng này không chỉ vận động hành lang để lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ mà còn đóng vai trò rất tích cực trong việc tài trợ và tuyên truyền ủng hộ cho các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ để chủ nhân tương lai của Nhà Trắng bảo vệ lợi ích của họ.
Được biết, trong chiến dịch tranh cử chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, ứng cử viên Donald Trump đã nhận được sự ủng hộ khá hậu hĩnh của NRA. Theo số liệu thống kê, NRA đã tài trợ hơn 52 triệu USD cho các ứng viên trong cuộc bầu cử năm 2016, trong đó có hơn một nửa, 30,3 triệu USD, dành cho ông Donald Trump.
Ông Donald Trump trong sự kiện thường niên của NRA.
Sau khi trở thành tổng thống Mỹ, ngày 28.4.2018 ông Donald Trump đã tới tham dự một sự kiện của NRA được tổ chức tại thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ). Tại đây ông có bài phát biểu rất đáng chú ý, chứng tỏ mối quan hệ thân hữu đặc biệt của ông với NRA.
Trong bài phát biểu này của ông Donald Trump có đoạn: “Trong lịch sử của tổ chức và hôm nay, tôi rất tự hào là tổng thống đương nhiệm đầu tiên phát biểu tại diễn đàn lãnh đạo NRA kể từ năm 1983, sau thời Tổng thống Ronald Reagan tuyệt vời của chúng ta. Chỉ có một ứng viên trong cuộc bầu cử đến trò chuyện với quý vị và ứng viên đó, hiện là tổng thống Mỹ, đang đứng trước quý vị một lần nữa. Sự công kích kéo dài 8 năm nhắm vào Tu chính án số 2 của Hiến pháp đã chấm dứt. Giờ đây quý vị đã có một người bạn và người ủng hộ thật sự trong Nhà Trắng".
Đây không phải là bài phát biểu đầu tiên của ông Donald Trump tại NRA. Ông đã từng được NRA mời đến diễn thuyết tại một hội nghị được tổ chức trong tháng 5.2016. Vậy nên, với sự ủng hộ nhiệt liệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với một tổ chức được coi là “những kẻ lái súng” như NRA thì hoạt động kiểm soát súng đạn ở Mỹ sẽ chưa thể thực hiện được. Do đó, sản xuất và buôn bán súng đạn vẫn là nguồn thu nhập siêu lợi nhuận của “kẻ lái súng” NRA ở Mỹ.
Còn một “kẻ lái súng” lớn mạnh và có siêu quyền lực khác ở Mỹ, vượt rất xa quyền lực của NRA. Đó là tổ hợp công nghiệp quân sự, gọi tắt là MIC (Military-Industrial Complex) - đại diện cho một nhóm lợi ích lớn nhất ở Mỹ bao gồm quân đội, giới tinh hoa tài chính-ngân hàng và chính trị ở Washington. Trong bài diễn văn từ biệt Nhà Trắng ngày 17.1.1961, cựu Tổng thống Mỹ David Dwight Eisenhower từng cảnh báo về sự can thiệp sâu sắc và vô cùng nguy hiểm của MIC vào nền dân chủ ở Mỹ trong thời kỳ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Đến nay, sự can thiệp đó ngày càng có ý nghĩa quyết định đối với chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Mỹ. Theo giới phân tích, không có sự ủng hộ của MIC, không một ứng cử viên nào ở Mỹ có thể bước vào Nhà Trắng.
Tổng thống Trump đã gây phẫn nộ khi đề xuất ý tưởng trang bị súng cho giáo viên.
Theo giới phân tích, chính sự ủng hộ của MIC trong chiến dịch tranh cử năm 2016 mới là yếu tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của ứng cử viên Donald Trump trước ứng cử viên Hillary Clinton. Còn “sự can thiệp của Nga” vào cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016 chỉ là cái cớ được dàn dựng để tạo nên cái gọi là “nguy cơ xâm lược từ Nga” nhằm đẩy các nước châu Âu vào cuộc chạy đua vũ trang mới trên “lục địa già” và biến châu lục này thành thị trường mua sắm vũ khí của Mỹ.
Thực tế, chủ trương của Tổng thống Donald Trump đòi các nước thành viên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) thực hiện cam kết tăng ngân sách quân sự lên 2% GDP, thì trong đó khoản chi phí chủ yếu là để mua sắm vũ khí của Mỹ. Thậm chí, Mỹ đang thực hiện toan tính biến châu Âu thành chiến trường của một cuộc chiến tranh thế giới mới để làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại” như họ đã từng có được sau hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX.
Sau khi đắc cử, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra hàng loạt quyết sách nhằm phục vụ lợi ích của “kẻ lái súng” khổng lồ và có quyền lực siêu giới hạn là MIC. Đó là gây hấn để đẩy “nguy cơ chiến tranh hạt nhân” trên bán đảo Triều Tiên lên tới đỉnh điểm nhằm buộc Hàn Quốc và Nhật Bản phải mua sắm thật nhiều vũ khí để “tự vệ”, trong đó có hệ thống phòng thủ tên lửa.
Nghi phạm Nikolas Cruz gây ra vụ xả súng kinh hoàng tại Trường cấp 3 Marjory Stoneman Douglas.
Đó là, Tổng thống Donald Trump quyết định tăng cường cung cấp vũ khí nóng cho quân đội Ukraine để biến quốc gia Đông Âu này thành nơi tiêu thụ vũ khí của Mỹ. Quyết định này hoàn toàn trái với chủ trương của Nga, các nước châu Âu cũng như LHQ, theo đó để hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ có giải pháp chính trị trên cơ sở thực hiện Thỏa thuận Minsk-2. Chính vì thế mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine.
Đó là, Tổng thống Donald Trump chủ trương không chỉ đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận P5+1 về chương trình hạt nhân của Teheran mà còn cáo buộc Iran là “quốc gia tài trợ khủng bố” và “quốc gia xâm lược” để thúc đẩy quá trình xây dựng “NATO của các nước Ả rập” nhằm biến Trung Đông thành chiến trường tiêu thụ vũ khí của Mỹ. Kết quả đầu tiên của quyết định này là Mỹ đã ký với Ả rập Xê-út hợp đồng bán vũ khí trị giá 350 tỷ USD trong vòng 10 năm.
Đó là, Tổng thống Donald Trump chủ trương đầu tư ngân sách để xây dựng các lực lượng vũ trang Mỹ thành đội quân mạnh nhất trong toàn bộ lịch sử Hoa Kỳ với ngân sách quân sự năm 2018 đạt mức kỷ lục 700 tỷ USD. Đồng thời, ông Donald Trump còn chủ trương mở rộng kho vũ khí hạt nhân vốn đã khổng lồ của Mỹ với lập luận “kiến tạo hòa bình dựa trên sức mạnh”.
Đó là, Tổng thống Donald Trump quyết định thông qua một gói viện trợ vũ khí lớn cho “các lực lượng đối lập” ở Syria để tiếp tục “cuộc chiến chống khủng bố” mặc dù chính ông đã từng tuyên bố liên quân do Mỹ chỉ huy đã đánh bại tổ chức khủng bố mang tên “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS).
Đó là, Tổng thống Donald Trump quyết định tiếp tục “cuộc chiến chống khủng bố” ở Afghanistan mặc dù biết rằng cuộc chiến đó đã lâm vào tình trạng bế tắc không có lối thoát sau hơn 17 năm “sa lầy” mặc dù đã sử dụng lực lượng quân sự khổng lồ của hơn 30 quốc gia, trong đó lực lượng của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương làm nòng cốt.
Rõ ràng, chừng nào còn tồn tại “những kẻ lái súng” như NRA và MIC thì không chỉ an ninh, an toàn cho nước Mỹ không được bảo đảm mà nền hòa bình và an ninh trên toàn thế giới sẽ vẫn tiếp tục mong manh, dễ đổ vỡ bất cứ lúc nào và chiến tranh thế giới vẫn là một hiểm họa không thể làm ngơ.