Cổ đông nước ngoài phủ quyết, lãnh đạo Vinaconex nói gì?

Một đại diện cổ đông nước ngoài là cổ đông duy nhất đã bỏ phiếu phủ quyết khi Ban Kiểm phiếu biểu quyết về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015, báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2014 được kiểm toán, phương án phân phối lợi nhuận năm 2014… 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không có vốn chủ khả dụng

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2015 của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã VCG) diễn ra vào hôm qua (24/4), lãnh đạo Vinaconex đã biểu quyết thông qua các quyết định của Hội đồng quản trị (HĐQT) về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015; báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2014 được kiểm toán; phương án phân phối lợi nhuận năm 2014. 

Ngoài ra, cũng biểu quyết thông qua thù lao HĐQT, BKS của Tổng Công ty năm 2014 và Phương án năm 2015; báo cáo của HĐQT, BKS về công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2015… 

Cụ thể, tại bản tường trình về kế hoạch kinh doanh năm 2015 của Vinaconex đánh giá, về cơ cấu nguồn vốn khó khăn là Công ty Mẹ vẫn đang khó về nguồn vốn, tính đến ngày 31/12/2014 vốn chủ sở hữu của Tổng công ty là 5.454 tỷ đồng, cho các đơn vị vay vốn theo khế ước là 2.544 tỷ đồng, giá trị còn lại của tài sản cố định, bất động sản đầu tư là 907 tỷ đồng. 

“Như vậy vốn chủ sở hữu so với giá trị các khoản đầu tư dài hạn đang thiếu 1.350 tỷ đồng nên thực tế Tổng công ty không có vốn chủ khả dụng”, báo cáo đánh giá. 

Đặc biệt, báo cáo từ Vinaconex cũng cho biết, năm 2015 sẽ không còn nguồn thu từ các công trình, dự án nhận thầu có giá trị sản lượng lớn và kéo dài từ những năm trước.

Dự báo quy mô sản xuất kinh doanh của Công ty Mẹ sẽ không mở rộng so với năm 2014, tổng tài sản chỉ tăng nhẹ do triển khai các dự án đầu tư, chỉ tiêu tổng doanh thu là 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 350 tỷ đồng.

Hầu hết các nội dung trên đều được các cổ đông có mặt tại đại hội biểu quyết thông qua và chỉ có duy nhất một cổ đông phủ quyết là cổ đông đại diện cho công ty nước ngoài. 

Tuy nhiên, vị này đã không phát biểu hay đặt câu hỏi trực tiếp tại đại hội. 

Ngay sau đại hội, chia sẻ với BizLIVE, vị này cho biết, bà đã được cử đến để công khai bỏ phiếu trước đại hội và Vinaconex đã cam kết sẽ có phản hồi trực tiếp với công ty sau. 

Khi được đề cập về việc chia sẻ cụ thể về những nội dung, lý do cổ đông nước ngoài phủ quyết, vị này cho biết, “nội dung thuộc dạng thông tin không tiết lộ được với bên thứ ba” nên không thể chia sẻ thêm. 

"Cổ đông nước ngoài có đặc điểm riêng"

Trao đổi riêng với BizLIVE về việc cổ đông nước ngoài phủ quyết một số nội dung như phương án phân phối lợi nhuận năm 2014, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015…  một lãnh đạo của Vinaconex cho biết, cổ đông nước ngoài có những đặc điểm riêng, khi đầu tư không nhìn đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. 

“Cổ đông nước ngoài có những đặc điểm riêng, khi đầu tư không nhìn đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Họ vào kinh doanh cổ phiếu mà điều này đối với doanh nghiệp xây dựng khó lắm. Nếu thích mai chúng tôi sẽ làm một vài dự án rồi thông báo, thu hút vốn thành lửa”, vị lãnh đạo này phân tích. 

Theo đó, cho rằng ngành mà Vinaconex đang hoạt động mang tính chất dài hơi như dự án đường ống nước sông Đà, dự án thủy điện… nên phải chờ.

“Năm 2013 Vinaconex phải bán một số dự án đi để “sống” nhưng 2016-2017 khi các dự án đã đầu tư sẽ thu hồi được vốn và sẽ có lãi”, vị này khẳng định. 

Ngoài ra, cũng theo vị lãnh đạo này, việc Vinaconex đạt được kết quả kinh doanh như năm 2014 là đã rất “vui” vì thời điểm năm 2011 số nợ từng lên đến hơn 10.000 tỷ đồng, nên phải trải qua quá trình tái cơ cấu để trả nợ, đồng thời gian đoạn 2011-2013 Nhà nước thắt chặt đầu tư công cũng đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp xây lắp. 

“Vinaconex phải tái cơ cấu cả dự án lấy tiền trả nợ và đến giờ đã cân bằng tài chính, có dòng tiền dương, có tiền gửi ngân hàng cao hơn tiền vay”, vị lãnh đạo của Vinaconex thông tin thêm. 

Theo Bizlive