Chuyện về 5 lão tướng tham gia trận đánh Điện Biên Phủ 70 năm trước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes - Thiếu tướng Mai Xuân Tần, Trung tướng Trần Quang Khánh, Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo, Trung tướng Phạm Sinh, Thiếu tướng Đào Quang Cát… là những lão tướng còn sống, từng tham gia chiến dịch Điện Biên phủ 70 năm trước.

Thiếu tướng Mai Xuân Tần – sĩ quan tác chiến ở Sở chỉ huy chiến dịch

Sinh năm 1924 tại Hà Nội, rồi theo gia đình vào Huế từ năm lên 8, Thiếu tướng Mai Xuân Tần (101 tuổi) là chiến sĩ chiến đấu tại lòng chảo Điện Biên Phủ mang quân hàm cấp tướng cao tuổi nhất cả nước.

Năm 31 tuổi, sĩ quan tác chiến Mai Xuân Tần theo bộ phận hành quân nhẹ của Phó Tổng tham mưu trưởng kiêm Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái lên Điện Biên Phủ. Trực ban tác chiến lúc đó, như ông kể lại trong hồi ức “Nửa thế kỷ hành quân cùng đồng đội” (Nxb Quân đội Nhân dân, 2006) là: có nhiệm vụ theo dõi tình hình ở Điện Biên Phủ, chú trọng tình hình kéo pháo vào, những chuyển biến dù nhỏ ở Điện Biên Phủ và tình hình vận chuyển ở hậu phương lên.

anh 3 - Thieu tuong Mai Xuan Tan - Muong Phang.jpg
Thiếu tướng Mai Xuân Tần (trái)

Khi chiến dịch bước vào giai đoạn 2 chiến đấu ác liệt, có khi ông được cử xuống theo sát tình hình Đại đoàn 308. Còn những ngày chiến dịch mới bắt đầu giai đoạn chuẩn bị, các phương án tác chiến thay đổi cho phù hợp với tình hình chiến trường.

Ban đầu là “đánh nhanh, thắng nhanh”, ta chủ trương kéo pháo vào trận địa. Nhưng rồi trong hơn 10 ngày chuẩn bị đã có nhiều thay đổi từ phía lực lượng quân viễn chinh Pháp. Quân số nhờ không quân hỗ trợ đã tăng lên đến 12 tiểu đoàn dù và bộ binh, với nhiều xe tăng và 48 khẩu pháo cỡ 105, 155mm, cối 120mm. Công sự đã xây kiên cố hơn, công sự phụ làm dày hơn với nhiều mìn, dây thép gai.

Trong quá trình triển khai chiến đấu, cán bộ Đại đoàn 312 – đơn vị đánh trận mở màn chiến dịch còn một số băn khoăn khi phải chiến đấu liên tục qua đồng trống dưới phi pháo của địch. Đánh vào bên trong chi viện pháo khó. Thậm chí, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) Hoàng Cầm còn xin trả bớt pháo.

Ngày mở màn chiến dịch tới gần, ông Mai Xuân Tần hỏi ông Thùy - quân y sĩ chăm sóc sức khoẻ Đại tướng Tổng Tư lệnh:

- Anh Văn có ngủ được không?

Ông Thuỳ trả lời:

- Mấy hôm nay anh Văn thức rất khuya, ngủ rất ít, chắc anh lo nhiều vì trận đánh. Hôm nay anh kêu nhức đầu tôi phải đắp ngải cứu cho anh.

Sau mấy đêm liền thức khuya suy nghĩ ấy, Đại tướng Tổng Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ Võ Nguyên Giáp bàn với Đảng uỷ Chiến dịch: Hoãn cuộc tiến công như dự kiến vào ngày 26/1/1954; thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc thắng”. Đồng thời, Tư lệnh Mặt trận chỉ thị kéo pháo ra, bố trí lại lực lượng.

Mệnh lệnh của Tư lệnh chiến dịch nêu rõ: Công tác chính trị phải làm cho đơn vị triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như làm nhiệm vụ chiến đấu. Hậu cần chuyển sang phương án bảo đảm đánh dài ngày, dự kiến chiến dịch sẽ kéo dài đến mùa mưa.

Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ chiến dịch Võ Nguyên Giáp phân công Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái ra lệnh cho các đơn vị; còn ông chỉ thị trực tiếp với Đại đoàn 351 và Đại đoàn 308.

Mấy tháng chờ đợi đi qua, sáng 13/3/1954, ngày trọng đại đã đến. Theo kế hoạch, Đại đoàn 312 nhận lệnh nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ tại cụm cứ điểm Him Lam do 2 trung đoàn 141 và 209 thực hiện.

Thiếu tướng Mai Xuân Tần kể lại: “Anh Văn dậy sớm hơn thường lệ, sáng sớm đã đến chỗ trực ban kiểm tra. Anh Trần Văn Quang (Cục trưởng Cục Tác chiến) báo cáo tin tức mới nhận được, mọi việc theo đúng kế hoạch, đồng chí nhắc đến các việc cần đôn đốc kiểm tra trước giờ nổ súng.

Chúng tôi chia nhau đi làm việc, ai cũng vui vẻ, phấn khởi cố làm công việc được giao cho hoàn hảo để về kịp vào giờ nổ súng, nô nức chờ đón, hy vọng trận mở màn thắng lợi giòn giã. Nhất là hồi hộp chờ xem “thần chiến tranh” của ta xuất hiện bất ngờ sẽ làm cho địch sợ hãi thế nào, ta sẽ áp đảo chúng ra sao. Trận Him Lam mở màn thắng lợi giòn giã làm cho Bộ chỉ huy và cơ quan hả lòng hả dạ”.

Trung tướng Trần Quang Khánh - người diệt cứ điểm Độc Lập lúc bình minh

Tròn 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, những ký ức tiêu diệt tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm” thật khó phai mờ trong tâm khảm Trung tướng Trần Quang Khánh. Ông nhớ về Trung đoàn trưởng Lê Thùy (sau này là Trung tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 2) - một người chỉ huy xuất sắc, tài ba; nhớ về Tiểu đoàn trưởng Thiết Cương đã anh dũng hy sinh vào ngày cuối cùng trước giờ chiến thắng.

Tuổi tròn một thế kỷ (SN 1925), Trung tướng Trần Quang Khánh vẫn giữ tác phong thận trọng khi kể lại mỗi sự kiện của ngày hôm qua.

anh 7 - Trung tương Tran Quang Khanh cd.JPG
Trung tướng Trần Quang Khánh

Gần 20 năm làm Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng – Văn phòng Quân ủy Trung ương, ít người biết Trung tướng Trần Quang Khánh là Chính ủy Trung đoàn 165 - Trung đoàn Thành đồng Biên giới (Đại đoàn 312) chiến đấu anh dũng tại chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đơn vị ông được lựa chọn “nhổ” đồi Độc Lập. Đây là trận đánh thứ hai của chiến dịch (sau trận mở màn Him Lam), diễn ra từ đêm 14/3 đến rạng sáng 15/3/1954. Trung đoàn trưởng 165 đánh vào hướng chủ yếu - hướng Đông Nam, còn Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) do Trung đoàn trưởng Bùi Nam Hà chỉ huy đánh vào hướng thứ yếu - hướng Đông Bắc. Đại đoàn Công pháo 351 tập trung toàn bộ hỏa lực pháo binh trực tiếp yểm hộ. Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ chỉ huy chung trận đánh.

Đúng 3h30 sáng 15/3, sơn pháo và súng cối 120 ly lên đủ, Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ hạ lệnh tiến công. Trận đánh đồi Độc Lập bắt đầu. Các loại pháo của ta đồng loạt lên tiếng. Hỏa lực địch ở cửa mở (đột phá khẩu) gần như tê liệt. Trung đoàn 165 mở cửa rất thuận lợi. Sau ít phút bất ngờ, pháo binh Pháp bắn dồn dập vào các mũi xung kích của ta.

Nguyên Chính ủy Trần Quang Khánh nhớ lại: “Trung đoàn 165 là đơn vị ít kinh nghiệm đánh công kiên, còn Trung đoàn 88 là đơn vị có nhiều kinh nghiệm đánh các cứ điểm. Thế nhưng, do Trung đoàn 88 được điều đi đánh nghi binh địch ở bên Lào; khi trở về thời gian chuẩn bị chiến dịch ít cho nên khi đánh vào đồi Độc Lập thì đột phá khẩu của Trung đoàn 165 mở được nhanh chóng, đơn vị tiến quân vào nhanh; trong khi Trung đoàn 88 đánh phía cửa đột phá bên kia không vào được. Trung đoàn 88 phải chuyển quân sang cửa đột phá của Trung đoàn 165”.

Đến 7h30, ánh bình minh ngày 15/3/1954 ló rạng cũng là khi cứ điểm đồi Độc Lập bị tiêu diệt hoàn toàn. Lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đã được các chiến sĩ Trung đoàn 165 cắm lên sở chỉ huy của Pháp ở đồi Độc Lập.

Nhắc lại chiến thắng sau 70 năm, Trung tướng Trần Quang Khánh bồi hồi: “Hai đơn vị đã thắng gọn, tiêu diệt 1 tiểu đoàn lính Âu Phi và 1 đại đội lính Thái ở đồi Độc Lập. Trung đoàn 165 đã đạt được thành tích lớn hơn, được Bộ Tư lệnh khen thưởng cao hơn. Trong một trận khó khăn lớn, địch mạnh như vậy, có pháo binh yểm hộ như vậy, mà thắng lợi giòn giã lại thuộc về Trung đoàn 165. Đó là một vinh dự lớn, cán bộ chiến sĩ ở Trung đoàn 165 rất phấn khởi”.

Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) sau đó còn tham gia tiến công các cao điểm 210, 105, và 506 thuộc Phân khu Trung tâm cho tới ngày toàn thắng (7/5/1954). Góp vào chiến công chung của đơn vị, có vai trò chỉ đạo về công tác Đảng, công tác chính trị do Chính ủy Trần Quang Khánh đứng đầu.

Tuy nhiên, trong bảng danh sách tên chỉ huy các trung đoàn thuộc Đại đoàn 312 tham gia chiến dịch được treo trang trọng tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) ghi tên ông là Trần Văn Khánh. Trong sách Lịch sử Trung đoàn 165 do NXB Quân đội Nhân dân phát hành cũng ghi tên ông là Trần Văn Khánh. Ông vui vẻ nói: “Cũng như sách Lịch sử Trung đoàn 165, viết như vậy là sai. Tôi đã nhắc rồi mà họ không sửa trong sách. Tên tôi là Trần Quang Khánh, chưa bao giờ tôi có tên là Trần Văn Khánh. Khi vào công tác tại Quân khu 4, tôi lấy bí danh là Thành, là tên con tôi bây giờ”.

Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo - gỡ tấm lá chắn phân khu Bắc

Năm 1949, Đặng Quốc Bảo được bổ nhiệm làm Chính ủy Trung đoàn 88 (sau đó, trung đoàn về dưới mái nhà Đại đoàn 308 cùng Trung đoàn 102 và Trung đoàn 36). Ông lập kỷ lục Chính ủy Trung đoàn trẻ nhất toàn quân ở tuổi 22.

Sinh năm 1927 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo có hơn 30 năm gắn bó với quân đội: Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị, Chính ủy Sư đoàn 308, Chính ủy Cục Công binh, Chính uỷ kiêm Hiệu trưởng trường ĐH Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự)... Ông được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 1974.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo được bầu làm Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (1976 – 1982), Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đảng (1987 – 1991)…

anh 4 - Thieu tuong Dang Quoc Bao cd3.jpg
Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo

Nhà riêng của Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo đối diện với vườn hoa Hàng Đậu (Hà Nội). Lão tướng này từng là thủ lĩnh thanh viên nhiệt thành một thời, người Chính uỷ Trung đoàn từng đánh trận như một chiến sĩ và chỉ huy như một Trung đoàn trưởng năm xưa ở chiến dịch Hoà bình.

Những trang sử của Đại đoàn Quân Tiên phong – Sư đoàn 308 ghi rõ: Ban chỉ huy Trung đoàn 88 đang trên đường hành quân đã được lệnh đi gấp về Sở chỉ huy Mặt trận nhận nhiệm vụ. Trong kế hoạch tiến công mở đầu vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) phối hợp với Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) tiêu diệt cứ điểm Độc Lập. Trung đoàn trưởng Bùi Nam Hà và Chính ủy Trung đoàn Đặng Quốc Bảo chỉ huy đơn vị.

Độc Lập - một trung tâm đề kháng mạnh thuộc phân khu Bắc, cùng với Him Lam, tạo thành tấm lá chắn ở phía bắc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ban đầu, Trung đoàn trưởng Bùi Nam Hà cũng có ý lo lắng. Tiêu diệt cứ điểm Độc Lập quả là một nhiệm vụ rất khó khăn, nhất là với Trung đoàn 88. Đơn vị vừa mới hành quân xa về, chưa nắm được thật chắc cả địa hình lẫn sự bố trí của địch.

Thời gian chuẩn bị chiến đấu của Trung đoàn 88 chỉ còn đúng 3 ngày. Sức khỏe của bộ đội phần nào có giảm sút, trang bị cần phải bổ sung. Vậy mà trong 3 ngày đó, trung đoàn phải đào một đường hào xuất kích dài từ cửa rừng tới chân đồn địch. Từ đài quan sát trở về, Trung đoàn trưởng cùng với Chính ủy Đặng Quốc Bảo chụm đầu với nhau cùng bàn bạc chuẩn bị chiến đấu.

Đêm 14/3/1954, bất chấp trời mưa to và hỏa lực dày đặc của địch, bộ đội ta cởi áo, lấy vải mưa che súng đạn, bộc phá, xung phong tiến vào chiếm lĩnh trận địa. Đến 1h sáng 15/3, bộ đội mới vào hết vị trí. Vì phải đợi sơn pháo đi cùng vừa đánh trận Him Lam đêm trước chuyển về, nên mãi đến 2h sáng cuộc tiến công của bộ binh mới bắt đầu. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm trước quân thù, bình minh ngày 15/3/1954, quân ta làm chủ hoàn toàn cụm cứ điểm đồi Độc Lập.

Từ đợt 2 chiến dịch (30/3) đến ngày toàn thắng (7/5/1954), ông Đặng Quốc Bảo lên nhận nhiệm vụ mới tại Đại đoàn 308. Tròn 70 năm sau, Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo là cán bộ chỉ huy cấp Đại đoàn cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trung tướng Phạm Sinh - Ngọn cờ của Đảng ở đơn vị

Nghỉ hưu khi làm Bí thư Đảng ủy - Phó Tư lệnh về Chính trị (nay là Chính ủy) Quân khu 2, lão tướng Phạm Sinh những ngày này đang vui tuổi già ở một ngôi nhà bình dị phố Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội. Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung tướng Phạm Sinh, lúc đó là Quyền Chính ủy Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316).

Bộ Tư lệnh chiến dịch phân công nhiệm vụ của Trung đoàn 98: Tiêu diệt C1, sau đó phát triển xuống C2 - là một quả đồi thấp hơn, dính liền với C1 bởi một "yên ngựa" (nên các chiến sĩ Điện Biên còn gọi là đồi Yên Ngựa). C2 nằm vào phía trong tập đoàn cứ điểm, C1 án ngữ phía ngoài.

anh 9 - Trung tuong Pham Sinh 1926 cd.png
Trung tướng Phạm Sinh

Trung tướng Phạm Sinh chia sẻ: "Khi đánh C1, trong lúc giao tranh lâu dài, việc giữ vững lòng quyết tâm của anh em rất quan trọng. Chúng tôi luôn thông báo tình hình của địch, của ta, diễn biến của chiến trường, nhờ vậy mà gần 30 ngày đêm trên C1, ác liệt lắm nhưng anh em không ai chùn lòng".

Đêm 30/3/1954, đợt 2 chiến dịch bắt đầu cũng là lúc Trung đoàn 98 khai hoả tiến công C1. Sau nửa giờ chiến đấu, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Vũ Lăng, ta đã hoàn toàn làm chủ C1, quân địch đã bị tiêu diệt và bắt sống toàn bộ.

Bộ Tư lệnh chiến dịch nhận được tin chiến thắng đã quyết định tặng thưởng cho tiểu đoàn chủ công (d215/ e98) Huân chương Quân công hạng Ba. Nhưng sau đó Pháp cho quân phản kích đánh chiếm lại C1, ta và địch giằng co với nhau từng thước đất suốt 30 ngày đêm trên quả đồi này, tới khi địch bị tiêu diệt hoàn toàn lúc 1 giờ sáng 1/5/1954.

Hơn 60 năm sau, kể với nhóm làm sách "Chuyện những người làm nên lịch sử: Hồi ức Điện Biên Phủ (1954 - 2009)" (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia), nguyên Quyền Chính uỷ Trung đoàn 98 Phạm Sinh nhớ lại: "Tôi đảm nhiệm lãnh đạo toàn diện, cả quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, đời sống… Người chính ủy phải theo dõi sát để nắm được tư tưởng, tâm tư thể hiện trong hành động của anh em, để kịp thời động viên. Sau mỗi trận lại củng cố quyết tâm để chuẩn bị cho trận tiếp theo".

Đời quân ngũ dài theo kháng chiến, bước chân Trung tướng Phạm Sinh đã tham gia chiến đấu khắp chiến trường 3 nước Đông Dương, lần lượt làm Chính ủy Sư đoàn 312, Chính uỷ Binh chủng Tăng thiết giáp, Chính uỷ Quân đoàn 3, Tư lệnh kiêm Chính uỷ Binh đoàn 32 bảo vệ các cơ quan Trung ương Đảng – Nhà nước và Chính phủ, chặng dừng chân cuối cùng là Quân khu 2.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2 chia sẻ: "Trung tướng Phạm Sinh là một con người kiên cường, rất thẳng thắn, trung thực và rất liêm khiết. Anh là ngọn cờ của Đảng ở đơn vị".

Thiếu tướng Đào Quang Cát - người thuộc cả tiếng chân đi của chiến sĩ

Ít người biết rằng Thiếu tướng Đào Quang Cát (SN 1932, nguyên Phó Tổng cục trưởng về Chính trị - Tổng cục 2) đã có những tháng ngày chiến đấu kiên cường tại chiến dịch Điện Biên Phủ.

Theo thống kê của những người viết sách “Lịch sử Trung đoàn 165 – Trung đoàn Thành đồng Biên giới”, riêng Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) đã diệt 650 tên địch, bắt 1.632 tên, thu nhiều súng đạn và đồ dùng quân sự trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Được đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 39 tập thể (từ trung đội đến trung đoàn) và 98 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thành đồng Biên giới được tặng Huân chương Quân công và Chiến công.

Một trong số những cán bộ, chiến sĩ được khen thưởng đó có Chính trị viên phó - quyền Chính trị viên Đại đội 918, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165: Đào Quang Cát.

anh 10 - Thieu tuong Dao Quang Cat cd1.jpg
Thiếu tướng Đào Quang Cát

Sau thắng lợi của trận công kiên cụm cứ điểm đồi Độc Lập, bước sang giai đoạn 2 của chiến dịch, đơn vị ông có nhiệm vụ đánh đồi 505 phía bắc sân bay Mường Thanh. Nhưng do chặn viện sai vị trí, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.

Đây là bài học đau đớn của đơn vị. Cũng từ đó, khi tạm quyền chính trị viên chỉ huy đại đội đánh địch phản kích, ông đã quyết không để sai lầm tái diễn như trận đồi 505.

Bằng giọng kể nhỏ nhẹ, cứ rủ rỉ nhớ lại chuyện chiến trận năm xưa, người lính Điện Biên giúp cho chúng tôi cả kho chuyện đời lính. Có lẽ tổ chức nắm bắt được ở Đào Quang Cát có khả năng nắm đơn vị, thuộc danh sách và thuộc cả tiếng chân đi của chiến sĩ, cho nên sau một thời gian làm Trưởng tiểu ban Quân lực Trung đoàn 165, cấp trên điều ông về công tác tại Cục Nghiên cứu - Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng).

Những năm tháng làm Phó Tổng cục trưởng về Chính trị - Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng), Thiếu tướng Đào Quang Cát đã cùng Tổng cục trưởng nghiên cứu, thực hiện đổi mới về nghiệp vụ và chính trị. Trước đó, ông còn tham gia đóng góp với lãnh đạo Đảng – Nhà nước về việc đổi mới kinh tế, xoá bỏ kinh tế kế hoạch… Với nhiệm vụ công tác, ông đứng ra tổ chức cựu chiến binh tình báo có ban liên lạc trong cả nước, lập nhà bia tưởng niệm của ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam.

Nghỉ hưu, Thiếu tướng Đào Quang Cát có thời gian tìm về cội nguồn dân tộc, cội nguồn dòng họ. Ông vốn là hậu duệ của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, do biến thiên lịch sử, phải rời làng Sơn Đông – Vĩnh Phúc sang phường Minh Nông, thành phố Việt Trì hiện nay đổi họ và mai danh ẩn tích. Hưu mà chưa nghỉ, Thiếu tướng Đào Quang Cát dù đã 93 tuổi vẫn tích cực hoạt động trong Ban liên lạc họ Trần - dòng Trần Nguyên Hãn và đấu tranh giữ gìn sự trong sáng của lịch sử họ Trần Việt Nam.

Ngoài những lão tướng ở trên, hiện nay, còn nhiều lão tướng là chiến sĩ từng chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ:

Trung tướng Đặng Quân Thuỵ (SN 1928) nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội là Trưởng phòng thuộc Cục Tác chiến tại Sở chỉ huy chiến dịch;

Trung tướng Chu Duy Kính (SN 1930) nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô (nay là Bộ tư lệnh Thủ đô); là Chính trị viên Đại đội thuộc Tiểu đoàn Pháo cao xạ 396, Trung đoàn 367 (Đại đoàn công pháo 351);

Thiếu tướng Hùng Tân (SN 1927) nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ông là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 255, Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) chiến đấu phòng ngự 38 ngày đêm trên đồi A1;

Thiếu tướng Bùi Đức Tùng (SN 1928) nguyên Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Nghệ An; là Trung đội trưởng thuộc đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) tại Điện Biên Phủ;

Thiếu tướng Trần Giang (SN 1929) Chính trị viên Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) đơn vị với chiến thuật “đánh lấn” được phổ biến toàn mặt trận.

Thiếu tướng Nguyễn Tụ (SN 1929) nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y; là cán bộ Phòng Quân y - Đại đoàn 316, cứu chữa thương bệnh binh chiến đấu quyết tử ở các điểm cao phía đông A1, C1, C2.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước (SN 1930) nguyên Chủ nhiệm Khoa Tăng thiết giáp (Học viện Quốc phòng); Đại đội phó Đại đội 71, chủ công của Tiểu đoàn 375, Trung đoàn 9 (Đại đoàn 304) chiến đấu tại Phân khu Hồng Cúm…

Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc (SN 1933) nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, là Đại đội trưởng C56 pháo hoả lực Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) chiến đấu 30 ngày đêm tại đồi C1…