Sự phân tán TTCK Việt Nam thành hai sàn giao dịch, hai nhóm công ty niêm yết khiến tốc độ trưởng thành của TTCK Việt Nam chậm lại những năm qua. Phía sau sự chậm trễ ấy là chi phí cơ hội của các cá nhân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế bị lãng phí.
“Không còn ai như ta”
“Nhìn ra xung quanh ASEAN chẳng còn ai như ta. Chúng tôi thường xuyên phải giải thích với đại diện đối tác nước ngoài về lý do Việt Nam còn có hai sở giao dịch. Không ít trong số họ, như Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan, Hàn Quốc, có quan hệ hợp tác song song với hai sở chứng khoán Việt Nam”, một lãnh đạo ngành chứng khoán chia sẻ.
Ông cho rằng, nếu có một sở giao dịch chứng khoán thống nhất đại diện cho quốc gia thì khi đi ra quốc tế, hình ảnh của ta sẽ tốt hơn, giảm chi phí đối ngoại và phí vận hành cho tất cả các bên. Trước đây, việc phân tán thành hai sở, hai sàn chứng khoán có thể cần để kích thích nền kinh tế hai đầu đất nước. Tuy nhiên, đến nay, sự cạnh tranh giữa các TTCK từng khu vực và thậm chí toàn cầu trong việc thu hút vốn nước ngoài rất mạnh mẽ, khiến mô hình phân tán hai sở không còn phù hợp.
Trục trặc lớn nhất cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam là bởi “tư tưởng không thông mang bình đông cũng nặng”.
Vì lý do này, nhiều nước đã không còn mô hình hai sở giao dịch chứng khoán tập trung. Trừ Mỹ vẫn còn hơn một sở giao dịch chứng khoán, nhưng đó là vì lý do lịch sử và nền kinh tế của họ quá lớn, hàng hóa trên hai sở của họ khác biệt nên không ảnh hưởng đến sự phát triển đại cục. Nhật Bản mới đây đã sáp nhập hai sở giao dịch chứng khoán Tokyo và Osaka. Việc tồn tại hai sở giao dịch chứng khoán bị coi là một điểm trừ khi quốc tế xem xét nâng hạng TTCK Việt Nam vì thị trường chưa đủ lớn và chưa thống nhất về quy mô cũng như các chỉ tiêu chất lượng. Đây là một trong những lý do TTCK Việt Nam đến nay vẫn là thị trường cận biên (frontier market) chứ không phải thị trường mới nổi (emerging market). Thụt lùi một bậc về xếp hạng là mất rất nhiều cơ hội tiếp cận với các tổ chức tài chính lớn, các nhà đầu tư lớn và cơ hội hợp tác.
Chuyên viên một quỹ đầu tư nước ngoài cho biết, một quỹ đầu tư trung bình của Mỹ muốn đầu tư vào một số doanh nghiệp niêm yết tốt trên TTCK Việt Nam, họ phải mất công tìm hiểu chứng khoán trên cả hai sàn, vì ở sàn nào cũng có một số công ty tốt. Có không ít tổ chức phải thuê người tính toán các thông số chung nhất của hai sàn để ra quyết định đầu tư hay không. Với các tổ chức đầu tư lớn, TTCK Việt Nam quá nhỏ, chưa đủ hàng hóa cho một đơn vị giải ngân (giá trị có thể lên tới trăm triệu đô la Mỹ) hay nếu có đầu tư thì chỉ là một “gia vị” vui mắt trong “thực đơn” của họ. Rắc rối khác đối với họ là TTCK Việt Nam không có thông tin một cửa, khiến họ mất thời gian.
Vì vậy, chỉ số chứng khoán chung và một sở giao dịch chứng khoán thống nhất là bước quan trọng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như xây dựng sự minh bạch của TTCK trong mắt bạn bè quốc tế. Việc các công ty niêm yết chia tách ra ở hai sàn với hai chế độ không thống nhất dẫn đến các phân tích ngành gặp khó khăn. Thế mới có chuyện một công ty chứng khoán thuộc ngành dầu khí cho ra đời chỉ số chứng khoán dầu khí cho các công ty thuộc ngành này đang niêm yết ở cả hai sàn nhưng ít được quan tâm vì chỉ số của ngành anh, tự anh đưa ra, nhà đầu tư đặt vấn đề về tính độc lập và sự tin cậy. Nếu đơn vị vận hành sở giao dịch chứng khoán hợp nhất xây dựng các chỉ số ngành như vậy thì lòng tin sẽ cao hơn nhiều.
Tất cả cổ phiếu tại HOSE và HNX khi về một mối sẽ hình thành sàn giao dịch của hơn 1.000 cổ phiếu niêm yết, hứa hẹn một thị trường sôi động với quy mô không còn quá xa các nước trong khu vực. Bên cạnh đó là sự minh bạch, chất lượng dịch vụ sẽ thay đổi.
Việc tồn tại hai sở giao dịch như hiện nay cũng đang khiến các thành viên thị trường, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, bị tăng chi phí lên gấp đôi vì phải trả phí kết nối và các phí dịch vụ khác với hai sở thay vì một sở. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn ở TPHCM cho biết số tiền họ chi trả cho việc kết nối với hai sở giao dịch chứng khoán hàng năm khá nhiều, lên tới cả tỉ đồng mỗi năm.
Đề án tái cơ cấu TTCK Việt Nam đến năm 2020 và Kế hoạch hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán được khởi động từ năm 2011. Năm năm qua nó chạy lòng vòng xin ý kiến các nơi và “mắc” ở quan điểm nên đặt trụ sở chính của sở giao dịch chứng khoán Việt Nam ở đâu, TPHCM hay Hà Nội.
“Nếu TTCK kết nối cách đây ba năm như kế hoạch thì chúng ta đã có một TTCK kết nối với các nước trong AEC và nhiều TTCK lớn khác với tư cách một đầu mối. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã có thể ra đời và vận hành chứ không lận đận như bây giờ, khi mà cả HNX và HOSE đều đang xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo kiểu của mình”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán nói.
Nhìn về kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc hợp nhất sở giao dịch chứng khoán Tokyo và Osaka, ngoài các lắp ghép mang tính vật lý, dồn về một trụ sở, sáp nhập các phòng ban, công bố tên chung và hệ thống... thì họ còn mất hai năm để sắp xếp lại con người và thống nhất bảng lương. Đó không chỉ là câu chuyện một hội đồng quản trị, một ban điều hành, một báo cáo tài chính, một hệ thống cho thị trường kết nối và thu phí, một cơ sở dữ liệu và dự phòng...
Ông Huỳnh Thế Du, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, trong hội thảo về TTCK mới đây ở TPHCM đã phát biểu rằng TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế thì phải làm sao để cái phong vũ biểu ấy nó nhạy nhất.
Trục trặc lớn nhất cho sự phát triển của TTCK Việt Nam là bởi “tư tưởng không thông mang bình đông cũng nặng”. |
Các chuyên gia khác cũng cho rằng, đã qua rồi thời vật chất hóa chứng khoán. Vì tất cả giao dịch chứng khoán đều đã được số hóa. Việc đặt trụ sở sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam ở đâu cũng chỉ là tòa nhà, còn trung tâm tài chính ở đâu do thị trường quyết định, bởi các đơn vị, cơ sở, con người và các yếu tố khác của tự thân nơi đó, không vì ý chí chính trị của ai.