Về tư tưởng chiến lược, Việt Nam đang dần thoát khỏi sự ràng buộc của ý thức hệ, nhấn mạnh lợi ích quốc gia – dân tộc. Học giới Việt Nam cho rằng, điều này tốt hơn cho Việt Nam trong xây dựng chính sách với Trung Quốc. Có thể nói, đối với Việt Nam hiện nay, “lợi ích quốc gia – dân tộc” chứ không phải ý thức hệ là nguyên tắc cơ bản dẫn dắt quan hệ Việt – Trung. Đây là nhận định của tác giả Lý Xuân Hà trên Tạp chí khoa học Diễn đàn quốc tế (Trung Quốc) kỳ 4/2016 vừa qua.
Lý Xuân Hà nhận định quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ phát triển mạnh mẽ hơn kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI năm 2011. Năm 2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đến thăm Mỹ, xác lập “quan hệ đối tác toàn diện” giữa Việt Nam và Mỹ, đưa quan hệ hai nước đi vào “giai đoạn phát triển mới”. Năm 2015, nhân dịp quan hệ Việt – Mỹ bình thường hóa tròn 20 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Việt Nam đến thăm Mỹ, đưa quan hệ Việt – Mỹ lên tầm cao mới.
Gần ba năm qua, tổng ngạch thương mại Việt – Mỹ luôn duy trì mức tăng trên 20%, hiện đã đàm phán thành công “Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương” (TPP). Năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đến thăm Việt Nam, hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác quốc phòng. Tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam và tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, hứa sẽ ủng hộ Việt Nam với tư cách là “đối tác và bạn bè”. Mỹ cũng đã phê chuẩn “Thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự” đối với Việt Nam, hai bên đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng và kỹ thuật không gian.
Đặt vấn đề “Động lực thúc đẩy phát triển mạnh quan hệ Việt – Mỹ này là gì? Liệu Việt Nam có trở thành đồng minh của Mỹ không?”, Lý Xuân Hà nhìn từ bối cảnh chính sách của Việt Nam đối với Mỹ để phân tích về triển vọng phát triển quan hệ Việt – Mỹ trong tương lai cũng như quan điểm ứng xử với Trung Quốc của Việt Nam hiện nay.
Việt - Mỹ: Từ thù đến bạn
Phát triển quan hệ Việt – Mỹ là quá trình tiệm tiến từ lạnh nhạt đến ấm dần. Từ 1988 Việt Nam tỏ thiện ý muốn hợp tác với Mỹ qua việc giải quyết vấn đề lính Mỹ mất tích trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đến năm 1995 thì quan hệ Việt – Mỹ bình thường hóa, đến 2001 Việt Nam và Mỹ ký “Hiệp định Thương mại Song phương” (BTA), năm 2006 Mỹ dành cho Việt Nam Đãi ngộ tối huệ quốc (MFN), quan hệ Việt – Mỹ từ đối đầu chuyển sang hợp tác.
Những năm gần đây, quan hệ Việt – Mỹ không ngừng được tăng cường. Đặc biệt từ Đại hội Đảng XI đến nay, quan hệ Việt – Mỹ đã bước vào giai đoạn phát triển mới. Phía sau sự phát triển quan hệ Việt – Mỹ có sự thúc đẩy tích cực của Mỹ, cũng có sự chủ động điều chỉnh từ phía Việt Nam.
Từ Đại hội Đảng IX năm 2001, Việt Nam đã nêu cao tinh thần “hội nhập kinh tế quốc tế”, Đại hội X năm 2006 Việt Nam tiến thêm một bước đề ra mục tiêu “tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, cùng mở rộng hợp tác quốc tế trong những lĩnh vực khác”, đến 2010 Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, đạt thành tựu kinh tế “mang ý nghĩa lịch sử”, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Việt Nam muốn thông qua hiệu quả kinh tế, duy trì mức tăng trưởng để giúp nâng cao hiệu quả trong những lĩnh vực khác, nâng cao vị thế quốc gia trên khu vực và quốc tế.
Năm 2011, tại Đại hội XI, Việt Nam đề ra mục tiêu chiến lược “chủ động tích cực hội nhập quốc tế”, xem đây là kim chỉ nam xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới dưới sự lãnh đạo của toàn đảng. Chiến lược “hội nhập quốc tế” là phương hướng để Việt Nam điều chỉnh chính sách ngoại giao trong tình hình quốc tế mới. Ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị Việt Nam làm rõ chiến lược “hội nhập quốc tế” được Đại hội XI đề ra (Nghị quyết số 22) với nội dung cụ thể và phương pháp thực hiện. Thứ nhất là “thúc đẩy hợp tác bạn bè theo chiều sâu”, đặc biệt là những bạn bè mang ý nghĩa chiến lược quan trọng liên quan đến an ninh và phát triển quốc gia. Thứ hai, “đề xuất và thực hiện chiến lược hội nhập an ninh quốc tế, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên bên ngoài”.
Lý Xuân Hà nhận xét, trong thời kỳ đầu cải cách mở cửa, dưới phương châm “thêm bạn bớt thù”, Việt Nam đã đẩy mạnh xây dựng quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia, thực hiện “gieo sạ” quan hệ ngoại giao. Bước vào thế kỷ mới, tại Đại hội Đảng lần thứ IX, Việt Nam đã đưa ra quan điểm “bạn bè/đối tác”, từng bước xây dựng quan hệ ngoại giao với các nước theo chiều sâu, tiến vào giai đoạn “thâm canh” ngoại giao. Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21, tại Đại hội XI, Việt Nam đề ra phương châm “tích cực chủ động hội nhập quốc tế”, “nguyên tắc tối cao là vì lợi ích quốc gia – dân tộc”, đẩy mạnh điều chỉnh quan hệ với những nước lớn (đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ), nhấn mạnh chiến lược ngoại giao cân bằng khoảng cách với những nước lớn.
Cùng với việc đẩy mạnh điều chỉnh quan hệ giữa những nước lớn, Việt Nam cũng tập trung đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực chính trị và an ninh, quân sự quốc phòng vốn đang còn mỏng manh. Với vai trò là quốc gia hùng mạnh về kinh tế, quốc phòng, khoa học – kỹ thuật, đồng thời trong vấn đề khu vực có chung lợi ích chiến lược với Việt Nam, Mỹ đã trở thành “người bạn có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với an ninh và phát triển của Việt Nam.
Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam từng cho biết, Việt Nam xem trọng quan hệ với Mỹ, “Mỹ là người bạn có ý nghĩa chiến lược quan trọng”. Năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ đã phát biểu “Việt Nam xem trọng quan hệ phát triển toàn diện với Mỹ, xem Mỹ là đối tác hàng đầu”. Như vậy, đưa quan hệ với Mỹ đi vào chiều sâu, nâng cao vị thế của Mỹ trong hoạt động đối ngoại là điểm nhấn “hội nhập quốc tế” của Việt Nam.
Mỹ “Xoay trục châu Á” và vai trò của Việt Nam
Để bảo vệ lợi ích tại châu Á – Thái Bình Dương, năm 2009 Mỹ đề ra “chiến lược mới châu Á – Thái Bình Dương”, nêu cao khẩu hiệu “trở lại châu Á – Thái Bình Dương”. Trong kế hoạch này của Mỹ, Đông Nam Á là khu vực đặc biệt quan trọng.
Năm 2009, Ngoại trưởng Mỹ Hillary nhấn mạnh phải nỗ lực tham gia vào các hoạt động của ASEAN, tại một cuộc họp cùng Ngoại trưởng bốn nước vùng hạ lưu sông Mê Kông, bà Hillary đã nêu cao tinh thần thúc đẩy hợp tác sông Mississippi – sông Mekong. Cùng với việc tăng cường hợp tác ở tầm khu vực, Mỹ đã tăng cường xây dựng hợp tác ở tầm quốc gia. Vì Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng và mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc nên trở thành nước có vai trò quan trọng với Mỹ.
Trong “Báo cáo Chiến lược Quân sự Quốc gia” năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh phải “tăng cường giao lưu học tập và hợp tác quân sự với các nước như Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Pakistan, Indonesia và Singapore”, theo đó bày tỏ mong muốn Việt Nam trở thành người bạn chiến lược mới. Một mặt, Mỹ đã tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam, mặt khác đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Việt Nam.
Lý Xuân Hà cho rằng để cải thiện hoàn cảnh địa chính trị, nâng cao vị thế quốc tế và tầm ảnh hưởng, Việt Nam rất xem trọng hợp tác với Mỹ, còn Mỹ cũng rất cần Việt Nam vì “áp lực” từ phía Trung Quốc. Tuy Việt Nam và Trung Quốc tương đồng thể chế chính trị và hệ tư tưởng, nhưng do nguyên nhân lịch sử và địa chính trị, Việt Nam không bao giờ hết cảnh giác đối với Trung Quốc, xem Trung Quốc là “người khổng lồ phương bắc khó lường”.
Theo Lý Xuân Hà, cùng với việc Trung Quốc nổi lên thì tâm lý đề phòng Trung Quốc ở Việt Nam cũng tăng mạnh theo. Đặc biệt, sau khi vấn đề Biển Đông trở thành điểm nóng, niềm tin của Việt Nam với Trung Quốc cũng suy giảm mạnh. Năm 2013, khi tổng kết tình hình đất nước, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh mối đe dọa xâm phạm chủ quyền quốc gia và biển đảo.
Vì thế, Việt Nam đã đặc biệt hưởng ứng chủ trương “quay trở lại” của Mỹ, muốn tăng cường hợp tác với Mỹ trên các lĩnh vực, còn Mỹ cũng tăng cường ủng hộ để nâng cao vị thế Việt Nam trong khối ASEAN.
Tại Đại hội XI, Việt Nam nhấn mạnh phải là “thành viên có trách nhiệm trong ASEAN”, nâng cao địa vị trong khối ASEAN để đặt nền móng vững chắc cho phát triển quốc gia. Không nghi ngờ gì, trong kế hoạch này, việc đẩy mạnh quan hệ Việt – Mỹ rất cần thiết.
Tư duy mới của Việt Nam
Dựa theo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI, XII, Việt Nam nhấn mạnh cần có quan hệ sức mạnh mới trong cuộc đấu giữa các nước lớn về tranh chấp lãnh hải. Để bảo vệ an ninh và phát triển quốc gia, Việt Nam nêu cao tinh thần “lợi ích quốc gia – dân tộc là nguyên tắc tối cao trong mục tiêu ngoại giao, là lợi ích tối cao của hơn 90 triệu dân Việt Nam, cũng là lợi ích tối cao của 4 triệu người Việt Nam sống tại nước ngoài.
Học giới Việt Nam cho rằng, vấn đề gồm hai tầng ý nghĩa: một là, giữa lợi ích quốc gia – dân tộc và lợi ích khác, chẳng hạn như ý thức hệ (Ideology), thì lấy lợi ích quốc gia – dân tộc làm trọng; hai là trong lợi ích quốc gia – dân tộc cần cân nhắc quan hệ giữa Việt Nam cùng khu vực và quốc tế, ví dụ như quan hệ giữa Việt Nam và Đông Nam Á.
Lý Xuân Hà đánh giá, điều này cho thấy, về tư tưởng chiến lược, Việt Nam đang từng bước thoát khỏi sự ràng buộc của ý thức hệ, chú trọng lợi ích quốc gia – dân tộc. Đồng thời, đối với lợi ích quốc gia, Việt Nam cũng có nhận thức mới, trong đó nhấn mạnh lợi ích của kiều bào người Việt ở nước ngoài và vai trò thành viên khối ASEAN. Học giới Việt Nam cho rằng, đây là đường lối có lợi cho Việt Nam trong ứng xử với Trung Quốc. Nghĩa là, “lợi ích quốc gia – dân tộc chứ không phải ý thức hệ là nguyên tắc dẫn dắt quan hệ Việt - Trung”.
Nguyên tắc tối cao trong đối ngoại nhấn mạnh “lợi ích quốc gia – dân tộc” là tư duy mới trong chiến lược ngoại giao của Việt Nam những năm gần đây. Theo đó, Việt Nam thực hiện con đường ngoại giao thông qua các cơ chế song phương và đa phương, giữ cân bằng khoảng cách giữa các nước lớn trong cuộc đấu mới giữa các nước này. Từ 2003, theo tiêu chí mới về bạn và thù, Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh quét sạch trở ngại trong xây dựng quan hệ với Mỹ, tiến tới đưa quan hệ Việt – Mỹ đi vào chiều sâu.
Lý Xuân Hà phán một cách chủ quan rằng về tư duy chiến lược, Việt Nam chia thành các trường phái như “phái cải cách”, “phái bảo thủ”, hoặc “phái thân Mỹ”…Tức về chiến lược phát triển quốc gia hiện nay, có khuynh hướng muốn tăng cường hợp tác với phương Tây, nhấn mạnh cải cách và phát triển; có khuynh hướng chú trọng hơn trong hợp tác với các nước gần gũi về ý thức hệ, nhấn mạnh ổn định chính trị. Hai luồng tư tưởng này bổ sung lẫn nhau cùng tồn tại trong nội bộ Đảng ở Việt Nam.
Chuyên gia Trung Quốc nhận định, trong tình hình trước mắt, Việt Nam sẽ cùng thực hiện chống “diễn biến hòa bình” và “xâm phạm chủ quyền biển đảo”, trong Báo cáo của Chính phủ tại Đại hội XII đã nhấn mạnh “quyết tâm giữ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”. Hai tư tưởng chiến lược này cần thống nhất trong nguyên tắc đối ngoại “vì lợi ích quốc gia – dân tộc”. Tư duy mới về chiến lược này dựa trên nền tảng mục đích cân bằng khoảng cách trong ngoại giao giữa các nước lớn, đặc biệt là đối với Trung Quốc và Mỹ.
(còn tiếp)