Chuyện đổi đất lấy hạ tầng ở Hà Nội (dự án BT) - Kỳ 2: Đội giá dự án “đồng hành” đội quỹ đất đối ứng

VietTimes -- Như đã nói ở kỳ trước Dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến KĐT mới Xuân Phương là một trong những dự án bị ông Nguyễn Thế Thảo, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu dừng thực hiện theo hình thức BT vào năm 2013. Khi đó, ông Thảo chỉ đạo rà soát, thanh lý hợp đồng mặc dù dự án đang trong giai đoạn triển khai, nhưng đến nay dự án tiếp tục được thực hiện theo hình thức BT, tuyến đường đã được khánh thành vào năm 2017.
Tuyến đường Lê Đức Thọ đến KĐTM Xuân Phương đã hoàn thành vào năm 2017 - Ảnh: Q.V
Tuyến đường Lê Đức Thọ đến KĐTM Xuân Phương đã hoàn thành vào năm 2017 - Ảnh: Q.V

Các bài khác trong cùng tuyến bài Chuyện đổi đất lấy hạ tầng ở Hà Nội (dự án BT):

Kỳ 1: Cú tuýt còi thanh tra và “cuộc cách mạng” dang dở

Kỳ 3: Những mối quan hệ, hợp tác cộng sinh

Đội giá

Dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến KĐT mới Xuân Phương (điểm cuối nối với đường 70) do nhà đầu tư là Công ty cổ phần TASCO thực hiện. Mặc dù được chỉ định nhưng TASCO phải tới gần 10 năm mới thực hiện xong. Từ năm 2012 đến nay dự án đã được thanh tra 2 lần và đều phát hiện sai phạm liên quan đến tính đơn giá, định mức không đúng dẫn đến “đội giá” dự án.

Ngày 05/12/2008 Hợp đồng số 68/HĐBT đã được ký kết giữa UBND huyện Từ Liêm (cũ) với Công ty CP TASCO để xây dựng công trình giao thông với chiều dài toàn tuyến 3,5km, mặt cắt ngang 50m, cộng thêm 02 cầu là cầu vượt đường sắt và cầu vượt sông Nhuệ. Tổng mức đầu tư dự kiến dự án là trên 1.543 tỷ đồng chưa kể lãi vay, lãi chậm thanh toán chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá, tiến độ thực hiện 36 tháng (tức 3 năm).

Để có được tuyến đường dài 3,5km UBND TP. Hà Nội đã đồng ý giao hơn 21ha đất đối ứng cho nhà đầu tư để thực hiện các dự án hoàn vốn. Cụ thể, TASCO được giao khu đất ở “đơn vị ở số 3” có diện tích hơn 18,131ha và “đơn vị ở số 2” hơn 3,237ha của KĐT mới Xuân Phương. Nhấn mạnh đây là quỹ đất đối ứng xác định tại thời điểm năm 2012 khi bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thanh tra.

Năm 2012 dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến KĐT mới Xuân Phương đã bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thanh tra và phát hiện hàng loạt sai phạm tài chính.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng TASCO đã tính toán, áp dụng chưa đúng định mức, đơn giá, tỷ lệ chi phí của nhiều hạng mục; tính toán, bóc tách thiếu chính xác và thừa nhiều khối lượng; đưa thêm nhiều hạng mục theo tỷ lệ bất hợp lý làm tăng tổng mức đầu tư thêm 39,468 tỷ đồng.

Dự án đã áp dụng đơn giá vật tư gối cầu và khe co dãn cao hơn 15 đến 20 lần so với giá phổ biến trên thị trường làm tăng tổng mức đầu tư 64,736 tỷ đồng. nhà đầu tư áp dụng đơn giá gối cầu cao su lõi thép xuất xứ Trung Quốc 200x250x28mm là trên 6,644 triệu đồng/bộ và khe co dãn cao su S100 xuất xứ Trung Quốc với đơn giá 133,286 triệu đồng/m. Trong khi đó, tại thời điểm này các nhà cung cấp khác chỉ chào giá vật liệu tương tự ở các dự án khác với gối cao su lõi thép xuất xứ Trung Quốc 200x250x28mm là 340,287 nghìn đồng/gối và khe co dãn cao su S100 xuất sứ Trung Quốc là 5,971 triệu đồng/m.

Một số chi phí của các hạng mục kiểm tra cũng tăng như: chi phí trực tiếp xây dựng đường tăng 53,205 tỷ đồng, chi phí trực tiếp xây dựng cầu sông Nhuệ tăng 70,693 tỷ đồng, chi phí trực tiếp xây dựng cầu vượt đường sắt tăng 159,622 tỷ đồng.

Từ những sai sót trong tính toán khối lượng chi tiết các hạng mục nêu trên sau khi tính toán các chi phí tỷ lệ theo quy định tương ứng, cơ quan Thanh tra phát hiện tổng mức đầu tư của dự án đã bị tăng lên 437,629 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, việc trừ các chi phí không phù hợp trong xác định giá trị thu tiền sử dụng đất của các dự án hoàn vốn cho dự án BT khiến giảm số tiền nhà đầu tư TASCO phải nộp ngân sách là 559,312 tỷ đồng.

Trong đó, đối với khu đất “đơn vị số 3” theo Quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách là 654,559 tỷ đồng nhưng kết quả kiểm tra cho thấy số tiền phải nộp là 1.145,098 tỷ đồng (chênh lệch 490.538 tỷ đồng); khu đất tại “đơn vị số 2” số tiền theo Quyết định phê duyệt là 117,009 tỷ đồng nhưng kết quả kiểm tra cho thấy số tiền phải nộp là 225,782 tỷ đồng (chênh lệch 108,773 tỷ đồng).

Từ những phát hiện trên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị TP. Hà Nội và nhà đầu tư đối chiếu lại giá trị đối trừ giữa dự án BT và dự án đối ứng để xác định diện tích đất cần thiết phải giao cho nhà đầu tư. Diện tích đã giao thừa ra được xác định lại đơn giá theo thực tế để tính tiền quyền sử dụng đất phải nộp ngân sách.

Sau cuộc thanh tra này, năm 2013 UBND TP. Hà Nội chỉ đạo một cuộc rà soát lớn các dự án BT. Dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến KĐT mới Xuân Phương cũng nằm trong “Danh sách đen” mà nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu dừng thực hiện theo hình thức BT và giao cơ quan rà soát và thanh lý hợp đồng.

Mặc dù các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý sai phạm cụ thể như vậy nhưng Dự án vẫn tiếp tục được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT và hoàn thành tuyến đường vào năm 2017.

Thậm chí theo thông tin từ Báo cáo thường niên năm 2016 của TASCO, với dự án này TASCO được đối ứng tới 03 khu đất với tổng diện tích gần 90ha chứ không phải 21ha như thời điểm bị thanh tra năm 2012 nêu.

Cụ thể, TASCO được giao 38ha đất tại phường Xuân Phương thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Xuân Phương - Foresa Villa với 813 nhà ở thấp tầng (biệt thự đơn lập, song lập, nhà liền kề, nhà shop-house); được giao 0,28ha đất tại 48 Trần Duy Hưng thì Tasco thực hiện dự án tòa nhà văn phòng và chung cư; và năm 2016 được giao thêm đất tại “Đơn vị đất số 1” với diện tích khoảng 49ha để triển khai dự án Khu nhà ở sinh thái Foresa Mỹ Đình xây được 660 căn hộ thấp tầng.

Chuyện đổi đất lấy hạ tầng ở Hà Nội (dự án BT) - Kỳ 2: Đội giá dự án “đồng hành” đội quỹ đất đối ứng ảnh 1Tuyến đường Lê Đức Thọ đến KĐTM Xuân Phương dài 3,5km - Ảnh: Q.V

Sai phạm “chồng” sai phạm

Lùm xùm của Dự án này chưa dừng lại ở năm 2012, bởi vào năm 2017 Thanh tra Chính phủ cũng đã mở một cuộc thanh tra và vẫn phát hiện rất nhiều sai phạm tại Dự án BT này.

Lần này TASCO bị Thanh tra Chính phủ đánh giá là hạn chế năng lực tài chính, không đảm bảo năng lực theo yêu cầu, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ; vi phạm trong việc liên doanh đầu tư để phân chia đất tại dự án đối ứng khi chưa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.

Trong khi đó, UBND TP. Hà Nội thì không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định đánh giá năng lực nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; lựa chọn kí hợp đồng với nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo yêu cầu. Dự án khi trình lên để xin chủ trương lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức chỉ định thầu đã nêu ra lý do cấp bách, cần thiết nhưng UBND TP. Hà Nội lại không có tài liệu chứng minh.

Ngoài ra, dự án cũng tính sai chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật do áp sai suất vốn đầu tư, trong việc xác định tiền sử dụng đất đối với dự án đối ứng là 11,275 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu điều chỉnh các Quyết định giao đất KĐT Xuân Phương đối với TASCO cho phù hợp quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 đã được quy định; rà soát, xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và xử lý 37,648 tỷ đồng tiền thuê đất tăng thêm do chưa xác định giá trị tiền thuê đất đối với phần diện tích đất công cộng và bãi đỗ xe của dự án.

Đặc biệt, công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư của dự án không chính xác do áp dụng định mức, đơn giá và tính toán khối lượng không đúng, làm tăng giá trị hợp đồng BT thêm gần 20 tỷ đồng.

Như vậy trong quãng gần 10 năm đã có 02 cuộc thanh tra lớn nhắm vào dự án xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến KĐT mới Xuân Phương của TASCO và đều phát hiện nhiều sai phạm. Điều đáng nói là những sai phạm vẫn liên quan đến việc đơn giá, định mức,... tài chính bị xác định không đúng.

Cùng đồng hành

Mặc dù đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại dự án xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến KĐT mới Xuân Phương nhưng tới đây nhiều khả năng Công ty cổ phần TASCO tiếp tục đồng hành cùng Công ty cổ phần bất động sản Thái An thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường 70, đoạn từ Nhổn đến Hà Đông, hình thức hợp đồng BT.

Ngày 12/10/2017 Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh đề xuất của Công ty cổ phần bất động sản Thái An về việc triển khai thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường 70, đoạn từ Nhổn đến Hà Đông theo hình thức hợp đồng BT.

Trong đó, nhà đầu tư tự bỏ vốn và huy động nguồn hợp pháp khác để xây dựng tổng chiều dài tuyến đường là 4,77km, bù lại UBND TP. Hà Nội dự kiến thanh toán 71ha đất tại ô đất quy hoạch ký hiệu GS3-7 trong Quy hoạch phân khu đô thị GS và quy hoạch phân khu S3 thuộc địa bàn phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm để nhà đầu tư khai thác.

Dự án này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 3826/BKHĐT-QLĐT ngày 10/5/2017 về việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư.

Như vậy, Công ty cổ phần bất động sản Thái An có cơ hội được thực hiện dự án BT và khai thác khoảng 71ha đất đối ứng. Nhưng nếu chỉ xét đến đây thì chưa đủ, bởi tuy là doanh nghiệp trực tiếp đề xuất với UBND TP. Hà Nội để được thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đoạn đường Nhổn - Hà Đông nhưng “nòng cốt” của Công ty Thái An lại là Công ty cổ phần TASCO.

Điều này được thể hiện rất rõ khi trong số 200 tỷ đồng vốn điều lệ của Công ty Thái An thì TASCO là cổ đông sáng lập góp 60 tỷ tương đương 30% vốn điều lệ. Trong số 38 thành viên góp vốn thành lập Công ty Thái An thì có rất nhiều cá nhân đồng thời nằm trong Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần TASCO như: Nguyễn Viết Tân, Phạm Văn Lương, Vũ Quang Lâm, Phạm Thị Nhàn, Nguyễn Ngọc Hùng,...

Hơn nữa, trước đây người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần bất động sản Thái An là ông Trương Văn Thinh cũng đồng thời giữ chức Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần TASCO. Hiện nay ông Nguyễn Viết Tân giữ chức Tổng Giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty Thái An.

Có thể thấy mối quan hệ giữa Công ty cổ phần bất động sản Thái An và Công ty cổ phần TASCO rất khăng khít cho nên vai trò của TASCO với dự án nâng cấp đoạn đường 70 đoạn Nhổn - Hà Đông cũng có thể không hề nhỏ.

Ngoài ra, mới đây trên cơ sở đề xuất của TASCO HĐND TP. Hà Nội đã kịp bổ sung thêm dự án Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 theo hình thức BT vào Danh mục các dự án trọng điểm 2016-2020, với tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng.

Một trong những mục tiêu chính được TASCO đặt ra là trong giai đoạn 2017-2022 phải đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BT trên địa bàn TP. Hà Nội. Doanh nghiệp này sẽ sử dụng nguồn đất đối ứng hoàn vốn bằng hình thức kinh doanh các khu đô thị.

Chưa biết TASCO đã chứng minh năng lực, kinh nghiệm với Hà Nội đến đâu nhưng nếu có cơ hội TASCO và Hà Nội có lẽ vẫn tiếp tục đồng hành trong công cuộc phát triển chung kinh tế - xã hội của Thành phố.