“Xuống UPCoM có lợi cho cổ đông”
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa ban hành quyết định huỷ niêm yết bắt buộc với cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình. Nguyên nhân là lỗ lũy kế của công ty tính đến cuối năm 2023 đạt 3.240 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp là 2.741 tỷ đồng.
Trong thông cáo báo chí mới đây, HBC cho biết sẽ tiến hành niêm yết gần 347,2 triệu cổ phiếu sang UPCoM và công việc này sẽ hoàn tất trong tháng 8. Ban lãnh đạo công ty cam kết tiếp tục thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định, đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư.
Trao đổi với VietTimes, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, cho rằng việc xuống “chơi” ở UPCoM tốt cho cổ đông, bởi ít nhất 2 nguyên do.
Một là theo Thông tư 69 của Bộ Tài chính, năm 2026 là hạn chót hợp nhất 3 sàn HoSE, HNX, UPCoM. Như vậy khoảng 2 năm nữa, HBC lại có thể quay về HoSE.
Hai là biên độ của sàn UPCoM là 15%, còn HoSE chỉ 7%, trong khi đó hoạt động giao dịch của UPCoM gần như tương đồng với HoSE.
“Điểm yếu của sàn UPCoM là không được phép margin; song Hoà Bình hiện đang trong diện không được margin, vậy nên sàn nào cũng như nhau”, ông Hải nói.
Trước lo ngại về việc gọi cổ đông chiến lược do UPCoM không có margin (HBC dự tính phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu để tăng vốn), ông Lê Viết Hải cho biết thông thường, cổ đông chiến lược sẽ bị hạn chế trong vòng 1 năm, trong khi thủ tục để có được cổ đông chiến lược cũng mất khoảng nửa năm. Như vậy, tập đoàn hoàn toàn có cơ sở để đàm phán với cổ đông chiến lược về việc nâng thời gian hạn chế lên 2 năm, tức đến hạn chót hợp nhất 3 sàn.
Chủ tịch HBC thông tin thêm, nghĩa vụ công bố thông tin ở sàn UPCoM dễ hơn sàn HoSE, song tập đoàn cam kết thực hiện nghĩa vụ không khác so với trước đó, đảm bảo quyền và lợi ích cơ bản của cổ đông không bị ảnh hưởng.
Có lãi trở lại
HBC đang cho thấy sự trở lại khá mạnh mẽ trong năm 2024. Trong quý I/2024, tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần 1.651 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước và có lãi sau thuế 56 tỷ đồng.
Bước sang quý II, doanh thu thuần tăng mạnh lên 2.160 tỷ đồng. Nhờ hoàn nhập dự phòng và thu về hàng trăm tỷ đồng từ thanh lý tài sản, HBC lãi sau thuế tới 684 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, HBC ghi nhận doanh thu thuần 3.811 tỷ đồng, tăng 10% và lãi sau thuế 741 tỷ đồng, cải thiện vượt trội so với khoản lỗ 713 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Điều này giúp tập đoàn vượt 71% kế hoạch lợi nhuận năm và tổng lỗ lũy kế giảm xuống còn 2.498 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong tháng 5/2024, HBC đã phát hành thành công 73,08 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ cho 99 đơn vị. Điều này giúp nâng vốn điều lệ lên 3.472 tỷ đồng. Con số này lớn hơn 39% so với khoản lỗ lũy kế tính đến tháng 6/2024.
Không chỉ khởi sắc ở việc kinh doanh, chất lượng tài sản của HBC trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng đã có nhiều cải thiện. Cụ thể, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi giảm 17%, xuống còn 2.055 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 30%, xuống còn 1.582 tỷ đồng. Nợ vay giảm 5%, xuống còn 4.484 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 17 lần, lên 1.567 tỷ đồng, khiến hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm xuống còn 8,97 lần.
Những kết quả trên cho thấy HBC dường như đã đi đúng hướng trong việc tái cơ cấu nhằm thoát khỏi khủng hoảng, vốn đeo bám doanh nghiệp này suốt từ quý IV/2022 tới nay. Dù vậy, chặng đường phía trước vẫn là rất dài, khi các khoản phải thu của HBC vẫn đang chiếm tới hơn 74% tổng tài sản (tại ngày 30/6/2024) và tình trạng lệ thuộc vào vốn vay vẫn chưa thể giải quyết, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh vẫn chưa thể tạo ra “tiền tươi”. Còn để mơ về đỉnh doanh thu như đã từng đạt được vào năm 2021 hay tham vọng hơn nữa là tăng trưởng bằng lần, có lẽ HBC phải trông cậy vào phép màu.