Liệu Trung Quốc có còn giữ thông lệ “chỉ định lãnh đạo kế nhiệm cách đời” hay sẽ bị đảo lộn bởi chính sách “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình?
Bài 1: Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19 xét từ “truyền thống”
Thông lệ “chỉ định kế nhiệm cách đời” có thể bị phá vỡ
Thành phần Ban lãnh đạo chiến lược khóa 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn thu hút sự chú ý của dư luận thế giới nói chung và Trung quốc nối riêng. Thực tế cho thấy từ Đại hội 16 đến Đại hội 18, truyền thông hải ngoại, nhất là các ấn phẩm của Nhà xuất bản Minh Kính đều sớm tiết lộ các phương án nhân sự cấp cao của cả 3 khóa ngay cả khi các đại biểu chưa bỏ phiếu bầu BCH TƯ.
Đáng kinh ngạc là các phương án đó đều ứng nghiệm, đúng tuyệt đối về cơ cấu, nhân sự cụ thể và thứ tự quyền lực trong ban lãnh đạo mỗi khóa, từ Đảng cho tới chính quyền. Có thể nói truyền thông bên ngoài Trung Quốc Đại lục đã trở thành “Đài khí tượng dự báo thời tiết chính trị Trung Nam Hải”,
Kỳ thực, ngay từ lúc Tập Cận Bình được xác định làm lãnh đạo thế hệ thứ 5 của Trung Quốc, những gương mặt thế hệ thứ 6 đã bắt đầu được nhắc đến. Tại Đại hội 18, các ông Hồ Xuân Hoa và Tôn Chính Tài đều được bầu vào Bộ Chính trị ở tuổi 49, sau đó lần lượt được điều đi Quảng Đông và Trùng Khánh nắm quyền.
Câu chuyện về thế hệ kế nhiệm Tập Cận Bình- Lý Khắc Cường càng trở nên rõ hơn, dường như ứng nghiệm với những đồn đoán trước đó rằng Hồ Xuân Hoa và Tôn Chính Tài đã được ông Hồ Cẩm Đào chọn nối nghiệp Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường theo thông lệ “chỉ định lãnh đạo kế nhiệm cách đời”.
Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã phát động “đả hổ diệt ruồi” chống tham nhũng, bắt giữ và truy tố nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính pháp Trung ương Chu Vĩnh Khang.
Hành động này đã phá vỡ thông lệ “không được lập án điều tra Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị”. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng lãnh đạo thế hệ 5 của Trung Quốc cũng có thể phá vỡ thông lệ “chỉ định kế nhiệm cách đời” tồn tại từ thời Đặng Tiểu Bình.
Thực tế, ông Đặng Tiểu Bình đã chỉ định ông Hồ Cẩm Đào làm lãnh đạo kế nhiệm Giang Trạch Dân còn khi ông Hồ Cẩm Đào cầm quyền, có tin Giang Trạch Dân đã chọn Tập Cận Bình làm người kế nhiệm ông Đào.
Nguyên tắc “Thất thượng bát hạ” và phụ nữ không được tấn thăng
Theo tạp chí “Kinh tế Chính trị” của Nhà xuất bản Minh Kính, kinh nghiệm qua các kỳ Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc ở Trung Quốc gần đây cho thấy sự tồn tại của một số quy định bất thành văn trong lựa chọn, đề bạt lãnh đạo cấp cao ở nước này. Cho dù quy trình lựa chọn, đề bạt ngày càng được thể chế hóa, nhưng những quy định này khó có thể bị phá vỡ trong thời gian ngắn, bao gồm:
Thứ nhất, nguyên tắc “Thất thượng bát hạ” ấn định độ tuổi của lãnh đạo tấn thăng vào Thường vụ Bộ Chính trị, nghĩa là cán bộ cấp cao 67 tuổi thì có thể vào Thường vụ Bộ Chính trị nhưng đã bước qua tuổi 68 thì phải về hưu.
Có thông tin khẳng cho rằng nguyên tắc này ra đời vào năm 2002, do nguyên Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và nguyên Phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng đặt ra nhằm ép “khắc tinh” Lý Thụy Hoàn (Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc) về hưu.
Thứ hai, một thế hệ lãnh đạo kéo dài 10 năm. Những người được lựa chọn làm Tổng Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ sẽ vào Thường vụ Bộ Chính trị trước một khóa để được bồi dưỡng, sau đó sẽ nắm quyền trong 2 khóa, tương đương 10 năm.
Ví dụ: Tại Đại hội 17 năm 2007, ông Tập Cận Bình vào Thường vụ Bộ Chính trị và tới năm 2012 mới tiếp nhận chức Tổng Bí thư từ ông Hồ Cẩm Đào. Người tiền nhiệm của ông Tập còn có thời gian rèn luyện lâu hơn: ông Hồ Cẩm Đào vào Thường vụ Bộ Chính trị năm 1992, nhưng tới năm 2002 mới trở thành Tổng Bí thư.
Thứ ba, chú trọng trải nghiệm thực tế: Ai đã trải qua công tác cả ở địa phương lẫn Trung ương, nhiều khóa làm Ủy viên Bộ Chính trị hơn sẽ được ưu tiên lựa chọn và sắp xếp vào vị trí cao.
Ví dụ: Sau thời gian làm việc ở Trung ương Đoàn, ông Hồ Cẩm Đào được đưa đi rèn luyện ở Quý Châu, Tây Tạng rồi trở về Trung ương; còn Tập Cận Bình trước khi tới Phúc Kiến, Chiết Giang, Thượng Hải cũng có thời gian công tác ở Quân ủy Trung ương và sau khi rèn luyện ở địa phương lại được đưa về Trung ương.
Thứ tư, trừ trường hợp đặc biệt, phụ nữ không được tấn thăng vào Thường vụ Bộ Chính trị.
Thứ năm, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị được lựa chọn từ các Ủy viên Bộ Chính trị đủ điều kiện, nếu không phải là trường hợp đặc biệt thì không tấn thăng vượt cấp từ Ủy viên Trung ương lên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Tại Đại hội 17, các Ủy viên Trung ương là các ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường tấn thăng vượt cấp vào Thường vụ Bộ Chính trị vì họ đã được lựa chọn để kế nhiệm các ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo.
Ngoài ra, khi trong Quân ủy Trung ương xuất hiện hai quan chức dân sự, một là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương, một là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương thì nhân vật thứ hai đã được mặc định kế nhiệm Tổng Bí thư.
Người này được đưa vào Quân ủy Trung ương để bồi dưỡng, rèn luyện, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để kiểm soát quân đội. Việc này rất quan trọng đối với nhà lãnh đạo tương lai bởi Trung Quốc có câu "quyền lực sinh ra từ nòng súng" và ai kiểm soát được quân đội, người đó mới có thực quyền.
Ông Hồ Cẩm Đào bị nhìn nhận là nhà lãnh đạo yếu thế vì trước khi về hưu, Giang Trạch Dân có người thân tín ở hầu hết các vị trí quan trọng trong Quân ủy. Thông qua đó, nhất là hai Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, Giang Trạch Dân vẫn can dự vào chính trường.
Ai về vườn, ai ở lại?
Trên cơ sở các quy định bất thành văn nêu trên, trong số 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 hiện nay, nếu không có gì bất ngờ thì ngoài ông Tập Cân Bình (sinh ngày 15/6/1953) và ông Lý Khắc Cường (01/7/1955), 5 người còn lại sẽ về hưu, gồm các ông: Trương Đức Giang (Ủy viên trưởng Nhân đại toán quốc - Chủ tịch Quốc hội, sinh tháng 11/1946), Du Chí Thanh (Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc - Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc, tháng 4/1945), Trương Cao Lệ (Phó Thủ tướng thường Trực, tháng 11/1946), Lưu Vân Sơn (Thường trực Ban Bí thư, tháng 7/1947) và Vương Kỳ Sơn (Trưởng ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, tháng 7/1948).
Những người ngồi vào 5 chiếc ghế trống này sẽ được lựa chọn trong số 18 Ủy viên Bộ Chính trị còn lại, nhưng phải tiếp tục trừ đi:
2 Ủy viên Bộ Chính trị đến từ quân đội là các Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long và Hứa Kỳ Lượng. Vì ở Trung Quốc những khóa gần đây không có thông lệ tướng lĩnh quân đội được tấn thăng vào Thường vụ Bộ Chính trị.
5 Ủy viên Bộ Chính trị tới Đại hội 19 sẽ quá tuổi, gồm Phó Thủ tướng Chính phủ Lưu Diên Đông (nữ, sinh 1945);
Bí thư Chính pháp Trung ương Mạnh Kiến Trụ (1947); Phó Thủ tướng Chính phủ Mã Khải (1946); Phó Ủy viên trưởng Nhân đại toán quốc Lý Kiến Quốc (1946) và Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Quách Kim Long (1947).
Như vậy, 5 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19 sẽ được lựa chọn từ 11 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 18 còn lại đáp ứng quy định về độ tuổi và không phải là tướng lĩnh quân đội.
Tiếp tục tiến hành phân tích về độ tuổi, người ta thấy trong số 25 Ủy viên Bộ Chính trị, bao gồm cả 7 vị là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, có 11 người sinh vào thập niên 1940, 12 người sinh vào thập niên 1950 và 2 người đều sinh năm 1963 là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, Hồ Xuân Hoa và Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, Tôn Chính Tài.
Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19 gồm những ai?
Căn cứ vào việc ông Hồ Xuân Hoa và Tôn Chính Tài được đưa đi nắm quyền ở hai địa phương quan trọng, hơn nữa, nếu chiểu theo quy định thứ hai về việc lựa chọn, đào tạo lãnh đạo, hai nhân vật này gần như chắc suất vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19 để bồi dưỡng trở thành lãnh đạo kế nhiệm các ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường.
Điều đó có nghĩa 9 Ủy Bộ Chính trị đáp ứng yêu cầu về độ tuổi và không phải là tướng lĩnh quân đội sẽ cạnh tranh 3 suất còn lại trong Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19, gồm:
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Lật Chiến Thư (sinh 8/1950); Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Triệu Lạc Tế (tháng 3/1957); Phó Thủ tướng Chính phủ Uông Dương (tháng 3/1955); Trưởng ban Nghiên cứu chính sách Trung ương Vương Nộ Ninh (tháng 10/1955); Phó Chủ tịch nước Lý Nguyên Triều (tháng 11/1950);
Bí thư Thành ủy Thượng Hải, Hàn Chính (tháng 4/1954); Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc kiêm Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương Tôn Xuân Lan (nữ, tháng 5/1950); Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Lưu Kỳ Bảo (tháng 1/1953); Bí thư Đảng ủy Khu Tự trị Tân Cương, Trương Xuân Hiền (tháng 5/1953).
(còn nữa)