Một dự án kinh tế, bất kể là ở cấp độ nào, nhiều khi chuyện sai/ đúng cũng chỉ là một sợi chỉ rất mong manh. Song, với người lãnh đạo, nhiều khi vẫn cần sự quyết đoán nếu sau một hồi cân nhắc, lắng nghe sự phản biện nghiêm túc từ dư luận xã hội thì việc cần quyết vẫn phải quyết. Cái mà tôi gọi là “sợi chỉ mong manh” này ý muốn nói nhiều khi sự phụ thuộc vào chuyện thua lỗ hoặc phụ thuộc cả vào “thời tiết chính trị” trong từng thời điểm của một dự án kinh tế nói chung và kinh tế nhà nước nói riêng sẽ quyết định sự thành bại của nó.
Vì thế, nó sẽ là thành công khi giá tốt, thế giới có nhu cầu cao và thất bại, thua lỗ cũng có thể do giá thị trường sụt giảm đến khó lường. Sự thành bại nói trên, chắc ít mấy ai ngờ phải đúng một 1/3 thế kỷ sau mới có thể có được một đánh giá chính xác.
Với các ông chủ là doanh nghiệp tư nhân, chuyện thắng/thua là bình thường. Kiểu như ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh- Gia Lai đầu tư sang nông nghiệp, lâm nghiệp như trồng cây ăn quả, trồng cao su năm nào. Thực chất, đây là chủ trương đúng, đón đầu táo bạo nhưng có cơ sở. Song do thương trường rớt giá mà ông thua lỗ nặng và trở nên gian nan.
Câu chuyện “Bauxite Tây Nguyên" từng rộ lên khoảng trên chục năm về trước với nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh internet.
|
Song họ cũng không cơ cực và cay đắng kiểu như các ông chủ tư nhân vì mất mồ hôi, công sức của họ bỏ ra. Với DNNN, khi được giao trọng trách đứng đầu một doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nếu bị thua lỗ là xem như bị kỷ luật và có thể tiêu sự nghiệp luôn.
Hình như trong kinh tế Nhà nước, chúng ta không cho phép họ bị thua. Thua là bị kỷ luật, là vướng vòng lao lý?
Liệu chúng ta có nên suy xét quá khắt khe với DNNN khi để xảy ra thua lỗ do khách quan đưa lại ?
Bài viết này tôi tuyệt đối không bao biện cho những ai từng làm DNNN để xảy ra thua lỗ, kém hiệu quả ở đơn vị mình quản lý mà nguyên nhân là do tham nhũng, buông lỏng quản lý ...
Câu chuyện “Bauxite Tây Nguyên" từng rộ lên khoảng trên chục năm về trước với nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí phản ứng quyết liệt có lẽ là một ví dụ để giúp chúng ta suy nghĩ về vấn đề này một cách rõ nhất.
Hôm 16/4, mặc dù Chính phủ đang rất bộn bề với bao công việc trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn chủ trì một cuộc họp liên quan đến việc kiểm điểm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về 2 dự án thí điểm đầu tư khai thác và chế biến quặng bauxite thành alumin, nguyên liệu chính để luyện nhôm ở Tân Rai, Bảo Lộc, Lâm Đồng và ở Nhân Cơ, Đắk Nông. Hai dự án được khởi công vào năm 2008 và 2010.
Hẳn mọi người chưa thể quên, khi Chính phủ cho khởi công dự án đã gặp nhiều lực cản ra sao. Nhưng sâu xa của vấn đề thì có một nguyên nhân không nhỏ, đó là sự lo ngại đối tác thực hiện dự án của chúng ta là Trung Quốc. Sự lo lắng này không phải không có lý khi đã từng xảy ra sự cố bùn đỏ ở một dự án tương tự đã đi vào hoạt động bên đất nước Hungary xa xôi. Cái đáng lo bởi Hungary chính là nước đã đề xuất đề án này từ những năm 80 của thế kỷ trước. Chính họ đã đề xuất giúp ta chứ không phải nước nào khác. Vì thế nên dự án không khỏi bị hoài nghi .
Tiến sĩ Đặng Vũ Chư, nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (và cũng là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ khi ghép với Bộ Công nghiệp nặng và Bộ Năng lượng thành Bộ Công nghiệp suốt mấy nhiệm kỳ từ 1990 cho đến tận 2002) có tâm sự với tôi, rằng việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có cuộc họp đánh giá toàn diện dự án nói trên là rất cần thiết. Theo đó, 2 dự án thí điểm khai thác bauxite và chế biến alumin Tân Rai và Nhân Cơ đã có đóng góp nhất định cho kinh tế của đất nước, thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực luyện nhôm, từ đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế tạo cơ khí, thiết bị và hóa chất phụ trợ.
Các dự án này cũng có đóng góp tích cực vào sự phát triển của Tây Nguyên những năm gần đây, là tiền đề để tính tới việc mở rộng khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên khi Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
TS Đặng Vũ Chư vui mừng khi tôi hỏi ông vì có vẻ như ông cũng cảm thấy được nhẹ lòng đi ít nhiều xung quanh câu chuyện này trong hàng chục năm qua mặc dù ông đã nghỉ cương vị bộ trưởng từ 2002.
Sở dĩ ông luôn canh cánh điều này là bởi vì ngay từ giữa những năm 90, với tư cách là bộ trưởng, ông đã từng phải báo cáo trực tiếp việc này với Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải. Rồi thì ngay cả đến nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì ông cũng được Thủ tướng mời tới nhà để nghe ông trình bày thêm, tuy lúc đó ông đã nghỉ công tác từ lâu.
Nhà máy Alumin Tân Rai - Lâm Đồng
|
Theo cựu Bộ trưởng Đặng Vũ Chư, thì tại Đại hội XI, nó đã được Bộ Chính trị Trung ương Đảng trình Đại hội và được thông qua.
Ngày 1/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 167 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite cho giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025.
Được triển khai ở thời điểm có nhiều quan điểm khác nhau về khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên và giá alumin trên thị trường thế giới xuống thấp, dự án gặp không ít khó khăn. Nhưng từ năm 2017, các nhà máy alumin đã bắt đầu có lãi, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Nhờ sử dụng công nghệ Bayer hiện đại của thế giới, độ tinh khiết của alumin đạt cao hơn cả thiết kế, tiêu hao năng lượng ít hơn. Cả 2 nhà máy này đều thực hiện đúng pháp luật về ngân sách, thuế và phí, đồng thời đã cơ bản trả xong vốn vay và lãi vay ngân hàng. Như vậy có thể ghi nhận, đây là một chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển kinh tế đất nước; mặc dù cũng gặp nhiều những khó khăn, chông gai, nhưng đến giờ đều đã vượt qua.
Theo tôi, có lẽ cũng nhờ có những luồng ý kiến nghiêm túc mang tính phản biện tích cực mà Đảng, Chính phủ ta cũng cân nhắc kỹ hơn, thận trọng hơn khi quyết định đầu tư ra sao, mua máy móc công nghệ của ai .
Ngày 1/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 167 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite cho giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025- Ảnh của Vietnamnet.
|
Tôi còn nhớ cái hồi trên nghị trường Quốc hội, các ĐB QH có nêu những ý kiến do tập hợp các ý kiến của cử tri cả nước xung quanh việc chúng ta quyết định làm dự án và khi đang dở dang thì Hungary họ xảy ra sự cố bùn đỏ khiến nhiều người lo lắng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay tức thì đã cử một đoàn công tác do GS TSKH, Viện sĩ Đặng Vũ Minh, Ủy viên Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn vào hiện trường thẩm định để báo cáo với Quốc hội. Tôi đã liên lạc với GS Đặng Vũ Minh để hỏi kỹ ông chuyện này thì được ông cho hay:
“Chuyện chúng tôi vào thẩm định dự án khai thác bauxite, đến nay cũng đã 10 năm rồi. Chuyên môn gốc của tôi là hóa vô cơ nên tôi hiểu khá rõ quy trình chế biến bauxite. Trong quá trình thẩm định, chúng tôi đã xem xét nhiều vấn đề, trong đó có công nghệ chế biến bauxite, tác động đến môi trường thiên nhiên và xã hội và hiệu quả kinh tế.
Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường, trong đó có việc xử lý bùn đỏ và hoàn thổ sau khi khai thác bauxite bởi vì trước đấy ít lâu vừa xảy ra vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary. Trong qua trình thẩm định, chúng tôi đã đề nghị chủ đầu tư làm rõ nhiều vấn đề có liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Bản thân tôi cũng đã đặt 8 câu hỏi và đề nghị chủ đầu tư áp dụng các biện pháp kỹ thuật đã được kiểm chứng để giải quyết với điều kiện phải tuyệt đối an toàn vấn đề bùn đỏ và hoàn thổ, bao gồm cả việc xây đập kiên cố cho hồ chứa bùn đỏ, xử lý đáy hồ chứa bùn đỏ để chống thẩm thấu....
Mấy năm sau, tôi cũng có hai ba lần trở lại nhà máy và trực tiếp đi quan sát hồ chứa bùn đỏ cũng như vùng khai thác đã được hoàn thổ. Rất đáng mừng là các kiến nghị được đưa ra 10 năm trước đều đã được thực hiện.
Chính vì vậy, chưa xảy ra sự cố môi trường nào ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào ta sống xung quanh. Song, đối với tôi, điều quan trọng hơn cả là sau gần mười năm khai thác và chế biến bauxite, chúng ta đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân nắm vững quy trình và vận hành an toàn 2 nhà máy. Và đấy là một điều kiện rất quan trọng để phát triển công nghiệp chế biến bauxite như sau này...”
Từ câu chuyên nói trên, có thể thấy rõ một điều, chỉ có người không làm gì thì mới không sai. Còn một khi đã làm thì cũng có thể thành công mà cũng có thể thất bại. Thất bại về chủ trương thì đã đành, thua lỗ do tham nhũng lãng phí thì phải nghiêm trị bằng pháp luật cũng là lẽ thường, nhưng thất bại nhiều khi lại do giá cả thị trường đi xuống rất khó tránh thì quả là oan trái. Nên chăng, về khen thưởng và kỷ luật với người chịu trách nhiệm cũng cần cân nhắc sao cho công bằng. Doanh nghiệp nhà nước không thể có chuyện làm kinh tế bao giờ cũng có lãi, mà cũng sẽ có khi gặp phải những rủi ro nhất định, y như doanh nghiệp tư nhân vậy.
Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên là dự án từng gây ra nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau trong dư luận, báo chí và cả nghị trường Quốc hội. Các ý kiến chủ yếu xoay quanh vấn đề an ninh, quốc phòng, hiệu quả kinh tế, hậu quả xã hội, tác động tới môi trường sinh thái, công nghệ có đảm bảo không, nguồn lao động lấy từ đâu? v.v. Thực chất, dự án này được manh nha từ khi Chính phủ Việt Nam ta tham gia vào Chương trình hợp tác đa biên với Khối COMECON (Hội đồng tương trợ kinh tế các nước Xã hội Chủ nghĩa) vì Nga và các nước bạn đã từng phát hiện ra trữ lượng bauxite của khu vực này tới những 6 tỷ tấn quặng. Ngay từ giữa những năm 80, Hungary đã khảo sát giúp chúng ta xây dựng nhà máy để khai thác. Song, không thể thực hiện được vì nhiều lý do khác nhau, cả trong nước lẫn quốc tế. |