Bộ tư lệnh quân đội Ấn Độ đóng tại căn cứ Port Blair ở Andaman và quần đảo Nicobar rất có thể sẽ trở thành mục tiêu đầu tiên của hải quân Trung Quốc trong trường hợp hai nước nổ ra chiến tranh. Hiện giới quân sự Ấn Độ mới đang tập trung chú ý vào khu vực biên giới trên bộ với Trung Quốc, khiến quần đảo Andaman trở nên rất dễ tổn thương trước các cuộc tấn công đường biển.
Thậm chí ngay cả khi lục quân Ấn Độ đứng vững trước cuộc tấn công của Trung Quốc tại biên giới trên bộ trong vòng 7-8 ngày, họ chỉ có thể bảo vệ bộ tư lệnh Andaman và Nicobar bằng cách đổ bộ hoặc các tàu tuần tra, một nguồn tin cho biết. Nguồn tin trên nói các chiến hạm Trung Quốc bị phát hiện 2 lần trong khu vực . Nếu như không được trang bị các loại tên lửa thích hợp để phòng thủ trước máy bay và chiến hạm địch kéo tới, sẽ rất khó để quân đội Ấn Độ bảo vệ được quần đảo.
New Delhi có kế hoạch triển khai nhiều chiến hạm hơn, thậm chí cả máy bay tới khu vực này. Phó đô đốc Pradeep Kumar Chatterjee, tư lệnh khu vực Andaman và Nicobar cho biết lực lượng quân đội Ấn Độ bảo vệ quần đảo Andaman sẽ trở nên không thể bị bẽ gãy trong vòng 5 năm nữa. Các cảng mới đang được xây dựng và không quân Ấn Độ cũng đã tăng cường triển khai tới khu vực này nhằm bảo vệ tốt hơn vùng được coi là sân sau của Ấn Độ.
Ấn Độ càng có lý do để lo ngại khi hải quân Trung Quốc và hải quân Ai Cập vừa hoàn tất cuộc tập trận chung đầu tiên tại biển Địa Trung Hải. Trong gần 3 giờ buổi sáng ngày 6/9, tàu hộ vệ tên lửa Yiyang Type 054A của Trung Quốc và tàu hộ vệ Toshka FFG-7 của Ai Cập đã thực hành diễn tập và tiếp tế ngoài vùng biển ở cảng Alexandria. Chiến hạm Yiyang thuộc biên đội tàu số 152, bao gồm khu trục hạm Jinan Type 052C và tàu hậu cần Type 903 Qiandaohu. Ba tàu hải quân Trung Quốc đã hoàn tất nhiệm vụ tuần tra chống cướp biển kéo dài 4 tháng tại vùng vịnh Aden và biển Somalia, đã tới cảng Alexandria của Ai Cập trong chuyến thăm 5 ngày.
Xinhua cho biết, Zhou Yaojin, thuyền trưởng tàu Yiyang nói các cuộc diễn tập với quân đội nước ngoài là một bước đi quan trọng với hải quân Trung Quốc khi lực lượng này đang cố gắng trở thành hải quân nước xanh thực sự. Hồi tháng 5/2015, hải quân Trung Quốc đã lần đầu tiên tập trận chung với hải quân Nga tại Địa Trung Hải.
Theo báo Nihon Keizai Shimbun (Nhật Bản), bằng cách phô diễn các loại tên lửa tiên tiến của mình trong cuộc duyệt binh rầm rộ hôm 3/9, Trung Quốc khiến người ta hiểu rằng nước này có khả năng tấn công tất cả các mục tiêu quan trọng trên lãnh thổ Nhật Bản. Nihon Keizai Shimbun lưu ý, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố cắt giảm 300.000 binh sĩ, chủ yếu là lục quân. Điều đó có nghĩa nhiều nguồn lực hơn sẽ được dành cho việc hiện đại hóa hải quân và không quân nhằm chuẩn bị cho các cuộc xung đột tiềm tàng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Loại tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D đã lần đầu tiên được trưng diễn đã thu hút sự chú ý của giới quân sự Mỹ. Tốc độ hành trình của DF-21 quá nhanh đối với bất kỳ hệ thống đánh chặn nào của Mỹ, nhiều nhà phân tích quân sự nhận xét trên tờ Nihon Keizai Shimbun. Loại tên lửa này được phát triển chuyên để tấn công các chiến hạm cỡ lớn, bao gồm tàu sân bay nên được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”. Trong khi đó, tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 cũng được Bắc Kinh mang ra khoe, có tầm tấn công 5.000km, đủ bắn tới căn cứ Guam của Mỹ.
Với các loại tên lửa mới trình làng, Trung Quốc muốn cho thấy khả năng thực hiện một chiến lược chống tiếp cận nhằm đối phó với sự can thiệp của Mỹ tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Trong khi, máy bay chiến đấu J-15 và máy bay ném bom chiến lược H-6K có thể được điều động tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Nhật Bản, tờ báo nhận định.
Theo QPAN