Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin) hiện là người Trung Quốc giàu nhất thế giới. Danh sách Hồ Nhuận bách phú (Hurun) cho biết tài sản họ Vương lên đến 42,6 tỉ USD (tuy nhiên chuyên san Forbes ghi rằng Vương chỉ có 28,7 tỉ USD).
Ít người để ý rằng tác phẩm giành giải phim xuất sắc nhất Oscar 2016, “Spotlight”, ít nhiều liên quan tới họ Vương. “Spotlight” là sản phẩm của Open Road, chi nhánh thuộc AMC Entertainment, tập đoàn giải trí khổng lồ Mỹ mà nay thuộc sở hữu Đại Liên Vạn Đạt (Dalian Wanda) sau khi được mua với giá 2,6 tỉ USD vào năm 2012.
Đại Liên Vạn Đạt là nhà thầu bất động sản thương mại lớn nhất Trung Quốc. Tập đoàn này còn quản lý chuỗi rạp chiếu bóng lớn nhất thế giới. Việc mua studio Legendary Entertainment của Mỹ với giá 3,5 tỉ USD vào tháng 1.2016 đã đưa Vương Kiện Lâm vào vị trí một trong những ông trùm quyền lực nhất Hollywood.
Tháng 9.2013, Vương đã tổ chức chương trình giới thiệu kế hoạch kinh doanh điện ảnh tại Thanh Đảo (Trung Quốc) với sự tham dự của nhiều ngôi sao trong đó có John Travolta, Nicole Kidman, Leonardo DiCaprio... Cho đến cuối năm 2012, tập đoàn Đại Liên Vạn Đạt của Vương Kiện Lâm đã nắm 66 trung tâm thương mại phức hợp Wanda Plaza, 38 khách sạn 5 sao, 980 rạp hát, 57 siêu thị…
Bộ đội Vương (bìa phải) với con đường làm giàu được phủ hoa hồng bằng quan hệ đỏ |
Năm 2015, Forbes cho biết, Vương được chào đón tại Đại học Harvard; rồi được Tổng thống Pháp François Hollande tiếp trang trọng sau khi Đại Liên Vạn Đạt công bố dự án xây một khu giải trí tại Paris với chi phí 3,3 tỉ USD.
Tháng 3.2015, trong một sự kiện kêu gọi giới đầu tư nước ngoài, Vương là trong vài doanh nhân nước ngoài hiếm hoi được gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama. Không chỉ sở hữu du thuyền, Vương Kiện Lâm mua hẳn một công ty chuyên đóng du thuyền hạng sang (được thuê trong các phim James Bond).
Đầu năm 2015, Vương mua 20% cổ phần trong CLB bóng đá Tây Ban Nha Atlético Madrid. Và như nhiều tay nhà giàu mới nổi, Vương cũng “chơi tranh”. Tay tỉ phú gốc bộ đội Giải phóng quân Trung Quốc này từng mua một bức Picasso trị giá 28,2 triệu USD; trong khi đó, vợ đương sự từng dự tiệc với hoàng tử Albert (Monaco) và con trai từng mời một nhóm pop hàng đầu Hàn Quốc biểu diễn tại sinh nhật lần thứ 27 của mình…
Một phóng sự điều tra công phu của New York Times cho biết, bố của Vương Kiện Lâm là bộ đội từng tham gia cuộc Trường Chinh dưới lá cờ Mao. Vương, người con cả trong gia đình, cũng gia nhập quân đội thời thiếu niên. Sau 16 năm trong quân đội, Vương giải ngũ, làm viên chức quản lý quận Tây Cương thuộc thành phố Đại Liên. Năm 1988, Vương được chuyển đến vị trí tổng quản lý Công ty phát triển nhà dân cư Tây Cương.
Theo lời Vương kể, đương sự phải vay tiền, với giúp đỡ “một bạn quân nhân cũ”, để vực dậy công ty trên. Việc làm ăn thuận lợi một phần nhờ Vương quan hệ với thị trưởng Đại Liên lúc ấy là Bạc Hy Lai. Từ đó, Đại Liên Vạn Đạt nổi như cồn, với dấu ấn mạnh nhất là các khu thương mại phức hợp Wanda Plaza (cụm siêu thị, rạp hát, nhà hàng, căn hộ) rải rác khắp Trung Quốc.
Có thể Vương Kiện Lâm có tài kinh doanh thiên bẩm nhưng sự nghiệp “vạn đạt” của Vương còn có sự “đóng góp” của nhiều tai to mặt bự, đặc biệt trong một nền văn hóa tham nhũng đứng đầu thế giới mà “guanxi” (quan hệ) là yếu tố có thể giúp thành bại.
Điều tra của New York Times cho biết, một trong những người mua cổ phiếu Đại Liên Vạn Đạt là Tập Kiều Kiều, chị của Tập Cận Bình. Tiếp đó là “nhà đầu tư” Ôn Như Xuân, con gái Ôn Gia Bảo; rồi bà con của hai (cựu) Ủy viên Bộ chính trị Giả Khánh Lâm và Vương Triệu Quốc.
Cổ phần liên quan bất động sản của những nhân vật này trị giá 1,1 tỉ USD vào thời điểm Dalian Wanda Commercial Properties lên sàn chứng khoán lần đầu tiên tại Hồng Kông vào tháng 12.2014. Trong lĩnh vực điện ảnh, cổ phần của họ trị giá 17,2 triệu USD. Đến thời điểm xuất hiện bài báo điều tra của New York Times (29.4.2015), tổng cổ phần của họ ở hai công ty trị giá hơn 1,5 tỉ USD.
Năm 2007, khi đã xây loạt cao ốc Wanda Plaza, Vương chưa là tỉ phú và tên tuổi vẫn chưa được nước ngoài biết đến. Danh sách Hồ Nhuận bách phú lúc ấy xếp Vương hạng 148. Tuy nhiên, cuối tháng đó, một công ty mới thành lập ở Bắc Kinh, Minghao Holdings, mua 2,5% trong Đại Liên Vạn Đạt, trở thành cổ đông bên ngoài lớn nhất.
Hai tháng sau, một công ty mới thành lập khác ở Bắc Kinh, Wugufeng Investment Consulting, mua 1,53% cổ phần Đại Liên Vạn Đạt. Hai công ty này đều là người nhà của Giả Khánh Lâm (nhân vật quyền lực thứ tư Bộ chính trị) và Vương Triệu Quốc (người từng gây sức ép đưa ra luật bảo vệ bất động sản tư nhân).
Vương và Enrique Cerezo (chủ tịch Atlético Madrid) trong buổi lễ ký thương vụ sáp nhập |
Tháng 3.2008, Vương trở thành một trong ba tỉ phú có mặt trong ủy ban thường trực của “Nhân Dân chính hiệp”, tổ chức đóng vai trò cố vấn chính trị của đảng cộng sản Trung Quốc. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, thị trường bất động sản Trung Quốc tụt dốc. Tuy nhiên, Đại Liên Vạn Đạt vẫn ăn nên làm ra. 7 cao ốc Wanda Plaza được xây mới đã đẩy Vương lên vị trí 20 trong Hồ Nhuận bách phú, với tài sản 2,3 tỉ USD.
Năm sau, Đại Liên Vạn Đạt tiếp tục bán cổ phần cho người ngoài. Trong số 8 “nhà đầu tư” có mặt thời điểm này là một công ty thuộc hệ thống công ty của Tập Kiều Kiều cùng chồng là Đặng Gia Quý. Năm 2012, Tập Kiều Kiều rút khỏi Đại Liên Vạn Đạt, khi Tập Cận Bình bắt đầu hò hét “chém” tham nhũng. Dĩ nhiên hai sự kiện này không thể không liên quan.
Cổ đông nữa phải kể là một quỹ đầu tư, được sở hữu và quản lý một phần bởi một chi nhánh của Tsinghua Holdings thuộc Đại học Thanh Hoa, nằm dưới sự quản lý của Hồ Hải Phong, con trai của Hồ Cẩm Đào. Chưa hết, có một cổ đông bí hiểm nữa được New York Times nêu thêm là Jin Yi, vốn là đối tác làm ăn của Ôn Như Xuân, con gái Ôn Gia Bảo (thủ tướng từ 2003-2013)…
Phản ứng với các câu hỏi liên quan quan hệ giới chính trị chóp bu của Đại Liên Vạn Đạt, Vương Kiện Lâm khẳng định thành công mình không dính dáng gì đến những nhân vật tai to mặt lớn, dù thừa nhận rằng chị gái của Tập Cận Bình cùng chồng bà từng là cổ đông Đại Liên Vạn Đạt.
Cũng cần nói thêm, Đại Liên Vạn Đạt thật ra đang gặp nhiều rắc rối tài chính. Financial Times (2.3.2016) cho biết, như nhiều công ty Trung Quốc đầu tư vào châu Âu với tổng vốn kỷ lục 20 tỉ USD vào năm 2015, Đại Liên Vạn Đạt đang nằm trên núi nợ.
Vào ngay tuần mà vụ mua Legendary Entertainment được chuẩn thuận, cả Standard & Poor’s lẫn Fitch đều hạ điểm tín dụng của Dalian Wanda Commercial Properties, doanh nghiệp lớn nhất và mang lại lợi nhuận nhiều nhất trong tập đoàn Đại Liên Vạn Đạt. Tổng nợ Dalian Wanda Commercial Properties chiếm gấp 6,5 lần doanh thu hàng năm của nó!
Theo Một thế giới