Đó là khẳng định của Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân (Bộ Quốc phòng), đương kim Chủ tịch Hội Khoa học - kỹ thuật và kinh tế Biển TP.HCM khi trả lời Thanh Niên liên quan đến hành động phi pháp của Trung Quốc điều máy bay đáp xuống đá Chữ Thập, nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo ông, mức độ nguy hiểm của hành động Trung Quốc điều máy bay đáp phi pháp xuống đá Chữ Thập gây ra như thế nào?
Đá Chữ Thập là đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tính về mặt khoảng cách, đá Chữ Thập chỉ cách Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa khoảng 450km, trong khi đó cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) lên đến khoảng 1.200km. Rõ ràng âm mưu của Trung Quốc hòng biến 7 bãi san hô thành 7 đảo nhân tạo, trong đó đá Chữ Thập có vai trò chiến lược riêng của nó.
Thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng vị trí đá Chữ Thập tương đối độc lập, không nằm xen cài trong các cụm đảo. Bây giờ thực chất của họ là dần biến 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng phi pháp thành 7 căn cứ quân sự, nhưng trước mắt vị trí chiến lược nhất là đá Chữ Thập.
Tham vọng của họ là vậy, nhưng lúc này nếu lộ liễu quá, đưa máy bay quân sự ra thì cộng đồng quốc tế phản đối, trong đó Việt Nam, Philipines, Malaysia… là những nước có trách nhiệm lên tiếng đầu tiên và bị ảnh hưởng, đe dọa trực tiếp nhất.
Đá Chữ Thập chỉ cách Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa khoảng 450km |
Thực chất bên trong Trung Quốc đã quân sự hóa đá Chữ Thập rồi. Nếu như máy bay dân sự như Airbus, Boeing cất - hạ cánh được, thì mọi máy bay quân sự, kể cả máy bay ném bom tầm xa, máy bay trinh sát chiến lược… đều lên xuống được hết. Như vậy đá Chữ Thập rồi đây như tướng lĩnh Trung Quốc rêu rao là sẽ thành căn cứ quân sự hải quân và không quân, cách đảo Hải Nam đến khoảng 1.200km. Với hành động ngang ngược này, Trung Quốc rộ lo mưu đồ đẩy tiền duyên tranh chấp về phía nam đến 1.200km. Mưu đồ đó vô cùng nguy hiểm, ngày càng lộ rõ tham vọng “nuốt trọn” Biển Đông.
Đẩy tiền duyên tranh chấp về phía nam đến 1.200km, phải chăng “bước đi then chốt” của Trung Quốc biến đá Chữ Thập thành một “tàu sân bay không chìm khổng lồ” hòng dễ dàng khống chế Biển Đông?
Chúng ta phải nhận thấy rõ mưu đồ này và phải ngăn chặn. Lợi thế của tàu sân bay là di động, tác chiến ở vùng biển sâu và xa nhưng với đá Chữ Thập giữa Biển Đông thì không một tàu sân bay nào so sánh được.
Tàu sân bay cỡ lớn của Mỹ cũng chỉ có chiều dài tầm 350 - 370m, bề ngang khoảng 40m, chứa từ 50 - 80 máy bay. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc chưa đưa ra tác chiến nhưng giỏi lắm cũng chỉ chở được khoảng 40 máy bay.
Bây giờ Trung Quốc đổ đất lên Đá Chữ Thập rộng hơn 800ha, có đường băng dài đến 3km, họ có thể đồn trú ở đó mấy trung đoàn máy bay tiêm kích và máy bay ném bom, trinh sát, phương tiện ra đa tầm xa… để khống chế vùng biển, vùng trời Biển Đông. Và điều cực kỳ nguy hiểm nữa là nó như một “tàu sân bay không chìm khổng lồ” vậy.
Trung Quốc tham vọng có 4 - 5 tàu sân bay, nhưng để có được thì sẽ mất thời gian rất lâu, trong khi đó họ xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo chỉ trong vòng có hơn 1 năm để có những “tàu sân bay không chìm khổng lồ” án ngữ giữa Biển Đông. Chúng ta dễ dàng nhận thấy Trung Quốc luôn rắp tâm tận dụng mọi sơ hở, thời cơ để thực hiện âm mưu của họ độc chiếm, khống chế Biển Đông. Mưu đồ biến các đảo nhân tạo thành “tàu sân bay không chìm khổng lồ” của Trung Quốc bắt đầu từ đá Chữ Thập phải được ngăn chặn.
Vị trí đá Chữ Thập tương đối độc lập, không nằm xen cài trong các cụm đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Tân Phú |
Việt Nam phải đối phó với hành động phi pháp và mưu đồ của Trung Quốc trên Biển Đông như thế nào, thưa ông?
|
Mưu đồ của Trung Quốc đã toan tính từ rất lâu. Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Mà bây giờ họ đưa máy bay xuống thì vi phạm càng trắng trợn hơn, không những ảnh hưởng đến tuyến hàng hải, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hoạt động hàng không, trực tiếp đe dọa đến hoạt động bình thường và an toàn hàng không dân dụng của Việt Nam và quốc tế tại Biển Đông.
Đường tĩnh không ở đá Chữ Thập hết sức thoáng, nên rõ ràng đây là vị trí chiến lược trong tham vọng độc chiếm, khống chế Biển Đông của Trung Quốc. Vì thế không thể để Trung Quốc biến đá Chữ Thập thành căn cứ quân sự thật sự, bởi nó uy hiếp rất lớn đến rất nhiều nước.
Từ lâu Việt Nam cũng đã kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình để giữ ổn định tình hình Biển Đông. Tôi nghĩ rằng bây giờ Việt Nam phải tiếp tục đấu tranh theo luật pháp quốc tế, căn cứ vào Hiến chương Liên Hiệp quốc, vào Công ước về luật Biển năm 1982, căn cứ vào Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2000.
Riêng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc gặp ASEAN thì nói Trung Quốc cố gắng đẩy nhanh mà họ đâu có làm gì đâu, không có động tĩnh gì cả và tôi nghĩ chắc chắn họ cũng không bao giờ muốn COC thành công, vì COC thành công sẽ ràng buộc hành động lộ liễu, phi pháp của Trung Quốc trong quá trình thực hiện tham vọng độc chiếm, không chế Biển Đông.
Tôi nghĩ Việt Nam đấu tranh chống lại những hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ còn lâu dài, có lúc mềm dẻo nhưng cũng rất cần sự kiên quyết, cứng rắn, không có sợ va chạm để giữ lấy chủ quyền của Việt Nam, giữ lấy lợi ích chính đáng, cốt lõi của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam.
Mình mong muốn hòa bình, mong muốn ổn định để phát triển nhưng hoàn toàn không đồng nghĩa với hòa bình, ổn định bằng mọi giá. Không phải anh “ru ngủ” tôi chỗ này, rồi anh lại bộc lộ hành động trái ngược với lời nói, với các cam kết. Chuyện đó chúng ta là phải thấy để có cách ứng xử, giải quyết, đấu tranh rõ ràng.
Vậy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và các nước ASEAN?
Cộng đồng quốc tế và tất cả các nước ASEAN phải cảnh giác, thấy được âm mưu, tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, không chế toàn bộ Đông Nam Á và những khu vực rộng lớn hơn.
Và tôi nghĩ rằng con đường tốt nhất cho khu vực này để giữ vững vai trò, vị trí của mình là sự lựa chọn cân bằng trong quan hệ quốc tế, hay nói một cách khác là sự lựa chọn trung lập, tích cực. Còn nếu như chấp nhận lệ thuộc vào bất cứ bên nào thì sẽ chịu sự khống chế về chính trị, kinh tế, quân sự của bên đó.
Xin cảm ơn ông !