Chân dung 7 gương mặt quyền lực lãnh đạo Trung Quốc

VietTimes -- Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bầu ra 7 Ủy viên Bộ Chính trị đầy quyền lực ở Trung Quốc. Những người này sẽ lãnh đạo Trung Quốc trong 5 năm tới, được dư luận quốc tế rất quan tâm.
Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: Dwnews.
Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: Dwnews.

Vấn đề nhân sự tại Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn được dư luận đặc biệt quan tâm.

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bầu ra 25 Ủy viên Bộ Chính trị và 7 Thường vụ Bộ Chính trị. Trong đó, 25 Ủy viên Bộ Chính trị gồm có: Tập Cận Bình, Vương Thần, Vương Hộ Ninh, Lưu Hạc, Hứa Kỳ Lượng, Tôn Xuân Lan (nữ) , Lý Hi, Lý Cường, Lý Khắc Cường, Lý Hồng Trung, Dương Khiết Trì, Dương Hiểu Độ, Uông Dương, Trương Hựu Hiệp, Trần Hi, Trần Toàn Quốc, Trần Mẫn Nhĩ, Triệu Lạc Tế, Hồ Xuân Hoa, Lật Chiến Thư, Quách Thanh Côn, Hoàng Khôn Minh, Hàn Chính, Thái Kỳ.

Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX gồm có ông Vương Hỗ Ninh, Đinh Tiết Tường, Dương Hiểu Độ, Trần Hi, Quách Thanh Côn, Hoàng Khôn Minh, Vưu Quyền.

Đến trưa ngày 25/10/2017, 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX đã ra mắt báo chí, đánh dấu kết thúc kỳ đại hội này với nhiều vấn đề gây chú ý.

Danh sách Thường vụ Bộ Chính trị lần lượt là các ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hộ Ninh, Triệu Lạc Tế và Hàn Chính.

Như vậy, trong 7 người này có ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường tái nhiệm, thực hiện nhiệm kỳ thứ hai; còn 5 người còn lại là Ủy viên Thường vụ mới của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong Đại hội XIX, điều đáng chú ý là, các ông Hồ Xuân Hoa - Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, người được coi là “ngôi sao chính trị” đang lên trên chính trường Trung Quốc, cùng với ông Trần Mẫn Nhĩ – Tân Bí thư thành ủy Thành Đô đều không trúng cử vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa XIX.

Ông Tập Cận Bình tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, còn các Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương lần lượt là các ông Hứa Kỳ Lượng, Trương Hựu Hiệp. Dự kiến tháng 3/2018, ông Tập Cận Bình sẽ tái cử chức Chủ tịch Trung Quốc; còn ông Lý Khắc Cường dự kiến tháng 3/2018 sẽ tái cử chức Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.

Ông Triệu Lạc Tế đã được bầu giữ chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, chính thức thay thế ông Vương Kỳ Sơn. Những Thường vụ khác sẽ còn chờ quyết định sau.

Dưới đây là một số nét đáng chú ý về lý lịch của các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX:

Ông Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.
Ông Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Tập Cận Bình

Ông Tập Cận Bình năm nay 64 tuổi (sinh tháng 6/1953), là con của cựu Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Tập Trọng Huân, năm 2012 được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Trung Quốc.

Trong giai đoạn 1975 - 1979, ông học tại khoa Hóa, trường Đại học Thanh Hoa. Sau khi tốt nghiệp, ông lần lượt làm thư ký ở Văn phòng Quốc vụ viện, Văn phòng Quân ủy Trung ương, Bí thư huyện ủy Chính Định, tỉnh Hà Bắc, Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến, Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang. Năm 2007 được điều về làm Bí thư thành ủy Thượng Hải.

Tại Đại hội XVII năm 2007, ông Tập Cận Bình được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị (gồm 9 người), đảm nhiệm chức Bí thư Ban Bí thư Trung ương.

Ngày 28/10/2010, Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc biểu quyết thông qua ông Tập Cận Bình đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Từ năm 2012 (Đại hội XVIII), ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia.

Sau khi lên làm Tổng Bí thư, ông Tập Cận Bình đã đưa ra “Giấc mơ Trung Quốc” và sáng kiến “Vành đai, con đường”. Cốt lõi của “Giấc mơ Trung Quốc” được khái quát là hai mục tiêu “100 năm”: Đến năm 2021 khi tròn 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và đến năm 2049 khi tròn 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, từng bước và cuối cùng thực hiện thuận lợi phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa.

Trong 5 năm qua, ông Tập Cận Bình đã tiến hành một loạt cải cách sâu rộng làm thay đổi toàn diện bộ mặt của Trung Quốc, nhất là về chính trị, quân sự. Đại hội XIX đã đưa tư tưởng mang tên ông vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, đó là Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới. Điều này được các chuyên gia cho rằng đã đưa ông lên vị trí “ngang hàng” với cựu lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông.

Tư tưởng Tập Cận Bình nhấn mạnh kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với mọi mặt công tác, kiên trì lấy nhân dân làm trung tâm, kiên trì quan điểm an ninh quốc gia tổng thể, kiên trì đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, thực hiện chế độ bảo vệ môi trường sinh thái nghiêm ngặt.

Vợ ông Tập Cận Bình là bà Bành Lệ Viện, bà từng là ca sĩ dân ca nổi tiếng của Trung Quốc.

Ông Lý Khắc Cường. Ảnh: Channel8news.
Ông Lý Khắc Cường. Ảnh: Channel8news.

Lý Khắc Cường

Ông Lý Khắc Cường sinh tháng 7/1955, tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế Học viện Kinh tế, Đại học Bắc Kinh. Ông Lý Khắc Cường đi lên từ công tác Đoàn. Từ năm 1998 trở đi ông làm Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Hà Nam, Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh.

Trong giai đoạn 2007 - 2008 ông là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện. Năm 2012 ông là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, sau đó được bầu làm Thủ tướng Quốc vụ viện.

Từ khi lên làm Thủ tướng, ông Lý Khắc Cường đề xuất chiến lược “Trung Quốc chế tạo 2025”, “Internet +”, khởi xướng phong trào khởi nghiệp và sáng tạo. Ông tích cực “chào hàng” xuất khẩu trang bị của Trung Quốc, đặc biệt là “ngoại giao đường sắt”.

Tại Đại hội XIX, ông tiếp tục được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị, xếp thứ 2 sau ông Tập Cận Bình. Dự kiến ông tiếp tục được bầu làm Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.

Ông Lật Chiến Thư. Ảnh: Channel8news
Ông Lật Chiến Thư. Ảnh: Channel8news

Lật Chiến Thư

Ông Lật Chiến Thư xếp thứ 3 trong Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX. Trong nhiệm kỳ khóa XVIII, ông Trương Đức Giang cũng xếp thứ ba Thường vụ Bộ Chính trị và được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội (Nhân đại) Trung Quốc sau đó.

Ông Lật Chiến Thư là người Hán, sinh tháng 8/1950 (67 tuổi), người Bình Sơn, Hà Bắc, trình độ Thạc sĩ quản lý công thương cao cấp. Ông Lật có lý lịch tham gia công tác Đảng lâu năm, kinh nghiệm phong phú cả ở Trung ương và địa phương, cả về Đảng, chính quyền và đoàn thể.

Ông từng làm Thường vụ tỉnh ủy Hà Bắc, Thiểm Tây, Chủ nhiệm Văn phòng Tiểu ban lãnh đạo công tác nông thôn, Phó bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây, Chủ tịch tỉnh Hắc Long Giang, Bí thư tỉnh ủy Quý Châu, Phó chủ nhiệm phụ trách công tác Đảng của Văn phòng Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng. Ông là Ủy viên dự khuyết Trung ương các khóa XVI, XVII, Ủy viên Trung ương khóa XVIII.

Năm 2012, ông Lật Chiến Thư trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được coi là “đại nội tổng quản” của Đảng Cộng sản Trung Quốc. 5 năm qua, ông luôn tháp tùng ông Tập Cận Bình, đóng vai trò quan trọng trong đội ngũ cầm quyền của ông Tập Cận Bình.

Ông Lật Chiến Thư được cho là xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, có quan hệ “thân cận” với ông Tập Cận Bình trong hơn 30 năm. Ông đối nhân xử thế khá kín tiếng.

Ông Uông Dương. Ảnh: CRNTT.
Ông Uông Dương. Ảnh: CRNTT.

Uông Dương

Ông Uông Dương xếp thứ 4 trong 7 Thường vụ Bộ Chính trị khóa XIX. Trong nhiệm kỳ khóa XVIII, ông Du Chính Thanh cũng xếp thứ 4 trong Thường vụ Bộ Chính trị. Sau đó, ông Du Chính Thanh được bầu giữ chức Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc.

Ông Uông Dương là người Hán, sinh tháng 3/1955 (62 tuổi), hiện giữ chức Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, phụ trách các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy lợi, phòng chống thiên tai, xóa đói giảm nghèo, thương mại và du lịch. Đây đều là những lĩnh vực trọng điểm trong công cuộc cải cách mới của Trung Quốc.  

Ông Uông Dương là Ủy viên dự khuyết Trung ương khóa XVI, Ủy viên Trung ương ác khóa XVII, XVIII, Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XVII, XVIII.

Ông từng làm Phó Bí thư, Chủ tịch tỉnh An Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch phát triển quốc gia, Phó tổng thư ký Quốc vụ viện, Bí thư thành ủy Trùng Khánh. Từ năm 2007, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, sau đó làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, thành tích chính trị ở tỉnh Quảng Đông được biết đến rộng rãi. Sau đó, ông giữ chức Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.

Ông còn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Trung - Mỹ, có nhiều đóng góp trong các chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cũng như các hoạt động ngoại giao quan trọng khác. Ông là người dám nói, từng ví quan hệ vợ chồng như kinh tế Trung - Mỹ.

Ông Vương Hộ Ninh. Ảnh: Zaobao.
Ông Vương Hộ Ninh. Ảnh: Zaobao.

Vương Hộ Ninh

Ông Vương Hộ Ninh xếp thứ 5 trong Thường vụ Bộ Chính trị khóa XIX. Ông là người Hán, sinh tháng 10/1955 (62 tuổi), quê quán tỉnh Sơn Đông. Ông xuất thân từ học giả, tốt nghiệp chuyên ngành chính trị quốc tế, khoa chính trị quốc tế, Đại học Phục Đán, học vị Thạc sĩ Luật, hàm Giáo sư.

Ông Vương Hộ Ninh từng làm giảng viên trường Đại học Phục Đán, sau làm Viện trưởng Viện Luật học. Năm 1995, ông làm Trưởng ban chính trị Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương.

Ông Vương Hộ Ninh hiện làm Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương. Ông là Ủy viên Trung ương các khóa XVI, XVII và XVIII, Bí thư Ban Bí thư Trung ương khóa XVII; trở thành Ủy viên Bộ Chính trị từ Đại hội XVIII (năm 2012), tạo ra tiền lệ Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính trị Trung ương vào Bộ Chính trị.

Sau Đại hội XVIII, ông Vương Hộ Ninh luôn theo sát ông Tập Cận Bình, trở thành cố vấn chủ yếu của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Vương Hộ Ninh nhiều năm nổi tiếng là “Cố vấn Trung Nam Hải”, hỗ trợ 3 đời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc khởi thảo ra những “tư tưởng chỉ đạo”, gồm ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình.

Với kinh nghiệm công tác của ông Vương Hộ Ninh, có nhiều khả năng ông sẽ phụ trách công tác xây dựng Đảng.

Ông Triệu Lạc Tế. Ảnh: Channel8news.
Ông Triệu Lạc Tế. Ảnh: Channel8news.

Triệu Lạc Tế

Ông Triệu Lạc Tế xếp thứ 6 trong Thường vụ khóa XIX. Ông là người Hán, quê Tây An, tỉnh Thiểm Tây, sinh tháng 3/1957 (60 tuổi), hiện là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, phụ trách công tác sắp xếp nhân sự. Tại Đại hội XIX, ông được bầu giữ chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, thay ông Vương Kỳ Sơn.

Trước đây, ông Triệu Lạc Tế từng công tác hơn 30 năm ở tỉnh Thanh Hải, khi đó kinh tế địa phương tăng trưởng rõ rệt. Ông là Ủy viên Trung ương các khóa XVI, XVII và XVIII.

Ông Triệu Lạc Tế từng làm Giám đốc Sở thương mại và Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hải, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hải, Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây. Năm 2012 được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Trung ương.

Ông Triệu Lạc Tế làm việc tương đối thận trọng, hành động kín tiếng và cân nhắc chu toàn. Ông nội ông từng tham gia cách mạng, là cấp dưới của ông Tập Trọng Huân – bố ông Tập Cận Bình.

Ông Hàn Chính. Ảnh: Channel8news.
Ông Hàn Chính. Ảnh: Channel8news.

Hàn Chính

Ông Hàn Chính là người Hán, quê tỉnh Chiết Giang, sinh tháng 4/1954 (63 tuổi), trình độ Thạc sĩ kinh tế. Khác với các Ủy viên Bộ Chính trị khác công tác ở nhiều địa phương khác nhau, ông Hàn Chính công tác liên tục ở Thượng Hải, làm người đứng đầu thành phố hơn 10 năm.

Trong thời gian đó, Thượng Hải phát triển nhanh, xác lập được địa vị đô thị quan trọng về kinh tế của Trung Quốc, thành tích chính trị được khẳng định, Bí thư thành ủy Thượng Hải nhiều đời đều được vào Thường vụ Bộ Chính trị, bao gồm ông Tập Cận Bình, Du Chính Thanh, Hoàng Cúc, Ngô Bang Quốc, Chu Dung Cơ.

Ông Hàn Chính trở thành Ủy viên Trung ương từ Đại hội XVI, đã có 4 nhiệm kỳ là Ủy viên Trung ương. Sau Đại hội XVIII, ông Hàn Chính được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, được bổ nhiệm làm Bí thư thành ủy Thượng Hải, kết thúc nhiệm kỳ thị trưởng 10 năm.

Lần này, ông Hàn Chính xếp thứ 7 trong danh sách Thường vụ Bộ Chính trị khóa XIX, có khả năng sẽ được bầu làm Phó Thủ tướng Quốc vụ viện.