Luôn coi trọng cơ hội
Có mặt tại Việt Nam kể từ năm 1870, nhưng đến nay HSBC Việt Nam mới lần đầu tiên bổ nhiệm CEO người Việt. Ông có nghĩ rằng, mình là người đặc biệt và có chút may mắn?
Theo tôi, bất cứ thành công nào cũng hội tụ 3 yếu tố như các cụ vẫn nói là thiên thời, địa lợi và nhân hòa. May mắn là yếu tố không thể phủ nhận, nhưng như mọi người vẫn nói, tài năng chỉ chiếm 1% và tôi luôn coi trọng nguyên tắc này trong cuộc đời cũng như quá trình làm việc. Tôi luôn coi trọng các cơ hội và làm việc để có thể kết nối các cơ hội với nhau.
20 năm trước, tôi không nghĩ tới hôm nay, ở vị trí này và làm công việc này. Nhưng trong suốt thời gian đó, không ít lần đứng trước các lựa chọn, tôi tự hỏi “tại sao không cố hết sức trong tất cả các cơ hội mà mình có được?” và tôi đã thực hiện điều đó.
20 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, gắn bó với HSBC, ông có nghĩ đó là quãng thời gian khá dài để hội đủ kinh nghiệm khi lên giữ vị trí CEO?
Nếu nói về học đủ thì tôi nghĩ chúng ta sẽ không bao giờ học đủ, vì kiến thức trong bất cứ lĩnh vực nào cũng không có giới hạn. Chỉ có điều, tôi tự nhận thấy, tôi hiểu biết khá tốt về thị trường Việt Nam và HSBC. Đây có lẽ cũng là một lý do mà lãnh đạo Tập đoàn cân nhắc giao nhiệm vụ này cho tôi.
Mỗi ngày đến văn phòng tôi vẫn tiếp tục học, học từ cả điều tốt lẫn điều xấu, điều tốt để làm theo và điều xấu để hiểu và tránh. Tiếp tục học và giữ mình bận rộn sẽ làm con người năng động và tiến lên phía trước. Lúc này, đối với tôi, học về lòng người để có thể thúc đẩy cả một tập thể 1.400 con người cùng tiến lên phía trước để đạt mục tiêu chung là thử thách nhưng cũng là điều háo hức nhất.
Ông từng nói, trong kinh doanh vốn và ngoại tệ, chỉ nên làm những gì mình hiểu. Nhưng thực tế, năm 1997 hay 2008, ông đã đem lại nhiều điệp vụ “triệu đô-la” cho HSBC, dù chưa có kinh nghiệm và chưa qua một trường lớp nào về kinh doanh ngoại tệ. Ông có nghĩ rằng, mình có chút liều lĩnh khi đưa ra quyết định kinh doanh?
Đó là sở thích thì đúng hơn. Khi đã thích điều gì thì tôi muốn làm cho bằng được. Từ lúc học đại học, tôi đã thích buôn bán và kinh doanh ngoại hối. Khi làm giao dịch viên (trader), bạn sẽ phải tính toán và ra quyết định rất nhanh, nhạy bén với những biến động của thị trường. Đồng thời, bạn cũng phải chấp nhận rủi ro, nhưng phải biết xác định mức độ rủi ro để kiểm soát được rủi ro. Nếu để cái đầu quá “nóng” cuốn mình đi tới độ không kiểm soát được rủi ro và bị lỗ thì thất bại.
Tôi nghĩ, những giao dịch tiên phong mà HSBC đã làm có đầy đủ những yếu tố mà tôi vừa nhắc tới. Chúng tôi thích sự sáng tạo của các sản phẩm ngoại hối và sự hồi hộp cũng như nguy hiểm của nó, nhưng lại rất cẩn thận khi tính toán và quản trị rủi ro. Bất kỳ giao dịch nào đều phải xét đến tình huống, nếu muốn đóng trạng thái của giao dịch này thì sẽ làm thế nào và mức lỗ tối đa mà mình chấp nhận được là bao nhiêu. Đây là điều tôi học được ở HSBC.
Có vẻ ông rất có duyên với nghề “buôn tiền”, cơ duyên nào đã đưa ông đến với HSBC?
Tôi tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Kinh tế TP.HCM năm 1995. Nhưng trước đó, vào năm cuối đại học, tôi đã tham gia thực tập ở một số doanh nghiệp tên tuổi như: Vinamilk, Công ty Vận tải biển, P&G và đã được tiếp nhận ở các vị trí kinh doanh. Tôi không nghĩ đến việc mình sẽ làm trong ngân hàng, cho dù trong quá trình học tôi rất ham thích các môn học về tài chính - chứng khoán.
Nhưng cuối cùng, cái duyên với ngành ngân hàng đã đưa tôi đến với HSBC kể từ năm 1995. Cùng với 17 đồng nghiệp khác được tuyển vào HSBC Việt Nam, sau khi trải qua 2 tháng thử việc, tôi đã được nhận vào Bộ phận Quản lý tài chính của Ngân hàng. Lúc đầu, tôi không hài lòng lắm với sự sắp xếp này, nhưng với mong muốn được hỏi học thêm kinh nghiệm, tôi quyết định ở lại. Đầu năm 1997, HSBC Việt Nam thành lập Phòng Kinh doanh ngoại tệ và tôi được điều chuyển qua đây.
Đúng 1 tháng sau đó (thời điểm cận Tết Nguyên đán), tiền đồng bị phá giá do ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính năm 1997, với mức phá giá từ 5 - 6%. Lúc đó, tôi chưa có kinh nghiệm và qua một trường lớp nào về kinh doanh ngoại tệ, nên cảm giác còn rất mới mẻ. Mặc dù vẫn làm việc dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo, nhưng tôi đã phải mua - bán ngoại tệ với khách hàng cũng như các ngân hàng.
Trải qua giai đoạn này, tôi bắt đầu rút ra nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh ngoại tệ. Nghề buôn tiền đòi hỏi một nguyên tắc là dừng lại ở một ngưỡng cho phép. Một quyết định mang lại lợi nhuận vài trăm ngàn USD có thể khiến bạn dễ dàng có thêm nhiều quyết định sai lầm vài giây sau đó, nếu không nhớ ngưỡng giới hạn trong nghề.
Tài sản quý nhất là gia đình
Được biết đến là “người buôn tiền” số một Việt Nam, đem lại không ít “điệp vụ triệu đô-la” cho HSBC trong giai đoạn thị trường ngoại hối có nhiều biến động, ông có nghĩ, đến một giai đoạn nào đó, thời hoàng kim người buôn tiền sẽ lặp lại?
Nhìn lại lịch sử ngành tài chính - ngân hàng, có thể thấy, lĩnh vực này đã đi từ mô hình quản lý theo mệnh lệnh hành chính sang phục vụ nhu cầu quản lý kinh tế vĩ mô với nhu cầu thị trường và thông qua các công cụ kinh tế. Trong bất cứ một nền kinh tế nào, thị trường bao giờ cũng đóng vai trò quyết định cung và cầu. Tùy từng thời điểm, các nhà quản lý sẽ có các biện pháp khác nhau phù hợp với diễn biến thị trường.
Có một thực tế chúng ta cần nhìn nhận là, thị trường khó có khả năng quay lại thời kỳ mua bán ngoại tệ lòng vòng và các ngân hàng kiếm lời lớn từ việc trông đợi vào các đợt phá giá lớn. Các ngân hàng cần phải tập trung vào xây dựng nền tảng của phòng kinh doanh ngoại tệ và vốn bằng việc đa dạng hóa doanh thu thông qua các mảng kinh doanh trái phiếu, vốn, các sản phẩm phái sinh và mở rộng khách hàng.
Ông từng chia sẻ mong muốn luôn được góp sức cho thị trường ngoại tệ Việt Nam. Hơn 20 năm qua, ông đã thực hiện được phần nào mong muốn này chưa hay vẫn còn đau đáu chờ cơ hội?
Tôi rất mong muốn đến một thời điểm trong tương lai, chúng ta sẽ phát triển được một thị trường phái sinh đồng nội tệ có thanh khoản tốt, bao gồm quyền chọn ngoại hối, hoán đổi tiền tệ và lãi suất. Đây là những sản phẩm cơ bản của thị trường, giúp khách hàng chuyển rủi ro thị trường cho ngân hàng và các ngân hàng có thể chia sẻ rủi ro cho nhau. Khi thị trường này hoạt động tốt, sẽ giúp thu hút nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam. Tôi cũng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm thành công và thất bại của các thị trường mà HSBC có hoạt động. Điều này sẽ giúp thị trường Việt Nam phát triển ổn định và vững chắc hơn.
Để điều hành thành công trong lĩnh vực tài chính trước viễn cảnh thị trường nợ xấu tăng như hiện nay, theo ông, một CEO cần có cái nhìn thế nào để đưa ra quyết định đúng?
Chúng tôi không chỉ tìm hiểu về bản thân khách hàng, mà còn cả nguồn gốc tài sản của họ, bạn hàng, lĩnh vực kinh doanh, thị trường và nhà cung cấp của họ. Tất cả những điều này nhằm đảm bảo khách hàng đúng là đối tượng chúng tôi muốn phục vụ, tiền của khách hàng là tiền sạch và tiền chúng tôi cho khách hàng vay được dùng đúng mục đích.
Ngoài các hệ thống trợ giúp nhân viên trong việc thẩm định khách hàng và mức độ rủi ro của họ, chúng tôi luôn muốn đào tạo nhân viên khả năng cảm nhận khách hàng. Đó không phải là thứ mà hệ thống có thể ghi nhận hay xác định được mà phải đến từ kinh nghiệm mà bạn tự xây dựng qua thời gian.
Giá trị doanh nghiệp đầu tiên HSBC luôn đề cao là “luôn làm điều đúng” và một CEO phải đảm bảo giá trị cá nhân của anh ta cũng đi cùng giá trị doanh nghiệp và tất cả nhân viên của anh ta cũng phải sở hữu giá trị này. Do đó, một CEO ngân hàng cũng cần phải xác định được việc, có khi bạn phải quyết định bỏ qua một khách hàng hay một giao dịch với mức lợi nhuận có khả năng thu về rất cao, nhưng lại không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm soát rủi ro đưa ra.
Nhiều người cho rằng, sở dĩ ngân hàng ngoại thành công ở thị trường nội là do thừa hưởng từ tập đoàn ngân hàng mẹ và điều đó cũng chính là lợi thế cho CEO như ông?
Thứ nhất, thương hiệu là thế mạnh cạnh tranh không thể chối cãi. 150 năm lịch sử hoạt động và là một trong hiếm hoi ngân hàng toàn cầu còn lại trên thế giới khiến HSBC đúng là một cái bóng đồ sộ trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu. Ở Việt Nam, chúng tôi thừa hưởng điều này.
Thứ hai, khách hàng FDI cũng là một phần thừa hưởng nữa, rất nhiều khách hàng này đã là khách hàng của tập đoàn tại các quốc gia khác. Tuy nhiên, bạn thừa hưởng gia tài mà không biết quản lý, thì liệu tài sản đó có tồn tại không. Nếu chúng tôi không phục vụ khách hàng với chuẩn toàn cầu và đáp ứng các nhu cầu cụ thể của khách hàng tại thị trường Việt Nam, họ sẽ không có lý do ở lại với chúng tôi.
Bên cạnh đó, rất nhiều khách hàng doanh nghiệp trong nước (bao gồm các tổng công ty nhà nước và công ty tư nhân đang mở rộng ngoại thương và đầu tư với các thị trường khác nhau) cũng chính là thế mạnh rất lớn của chúng tôi với mạng lưới trên 74 quốc gia trên toàn cầu.
Bản thân tôi cho rằng, ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam còn gặp thử thách nhiều hơn khi bạn phải áp dụng chuẩn toàn cầu vào một bối cảnh thị trường chưa phát triển tới mức như các nước phát triển. Với những khó khăn đó, đội ngũ nhân viên Việt Nam phải tìm cách xử lý và tìm giải pháp, nên tôi luôn cảm ơn họ.
Rõ ràng, ngồi ghế “nóng” CEO trong bối cảnh thị trường hiện nay gặp áp lực lớn. Vậy làm thế nào để có thể cân bằng được công việc và gia đình, khi ông được biết đến không chỉ là CEO HSBC, mà còn người cha mẫu mực chăm lo cho 3 con nhỏ?
Các cuộc gặp gỡ khách hàng, các cuộc họp nội bộ hay họp với các nhà quản lý thị trường chiếm hầu hết thời gian, nhưng tôi vẫn cố gắng dành một phần thời gian cuối tuần để đạp xe và chơi thể thao cùng các con. Tôi nghĩ rằng, gia đình là tài sản quý giá nhất và nền tảng cho thành công của bất cứ con người nào và hiện tại đây là hậu phương vững chắc nhất của tôi.
Tôi thích một gia đình đông con và các con hiểu và sống theo các giá trị đạo đức Việt về sự kính trọng, niềm yêu thương sâu sắc dành cho các thành viên trong gia đình. Với vai trò người cha, tôi định hướng và cho các con nền tảng giáo dục cơ bản, phần còn lại tùy vào sở thích, cá tính, lựa chọn của các con.
Theo Đầu tư