CEO Đoàn Kiều My: Trước khi nghĩ về kỳ lân, hãy xem có bao nhiêu startup Việt gọi vốn đến Series C

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

Theo CEO YellowBlocks, khi số startup gọi vốn thành công đến vòng Series C vẫn còn "đếm trên đầu ngón tay" thì sẽ rất khó để có thêm những kỳ lân mới.

Đoàn Kiều My là nhà sáng lập và CEO YellowBlocks – tổ chức xây dựng hệ sinh thái giúp kết nối các công ty khởi nghiệp Việt Nam với thế giới. Với vai trò Trưởng làng Tiên phong tại Techfest 2020, nữ CEO này đã có một số chia sẻ với Người Đồng Hành về câu chuyện của startup Việt trong thời gian qua.

- Với vai trò là người kết nối nhà đầu tư và startup, chị đánh giá như thế nào về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong năm 2020 khi đại dịch Covid-19 diễn ra?

- Hệ sinh thái startup Việt trong năm qua gặp rất nhiều khó khăn. Với lượng vốn đầu tư mạo hiểm cao kỷ lục năm 2019, mọi người đều rất mong chờ vào sự thành công của năm 2020. Tuy nhiên, vì Covid-19, nhiều nhà đầu tư năm ngoái đã biết về Việt Nam và dự định năm nay sẽ đến cũng như chốt các thương vụ hợp tác lại không thể đến được. Dự định của các nhà đầu tư cũng thay đổi rất nhiều do đại dịch.

Bản thân các startup khi khởi nghiệp không có nguồn tiền dự trữ dồi dào. Thường các startup chỉ có tiền dự trữ trong 3-6 tháng, nhưng giai đoạn vừa qua thời gian đóng băng dài, số lượng startup chết rất nhiều.

Bên cạnh đó, khi Covid-19 xảy ra, xu hướng đầu tư và ngành nghề nhà đầu tư rót vốn cũng thay đổi tùy theo nhu cầu của thị trường. Đây là cơ hội tốt để cho Việt Nam nhìn lại. Chúng tôi rất vui vì trong khuôn khổ Techfest 2020, Thủ tướng và đại diện các Bộ đã có buổi đối thoại với thanh niên khởi nghiệp, từ đó tìm cách tháo gỡ các khó khăn cho startup.

- Theo chị, Covid-19 đã bộc lộ những điểm yếu gì của startup Việt?

- Tôi nghĩ rằng không chỉ riêng startup Việt mà startup nói chung trên thế giới cũng bộc lộ nhiều điểm yếu khi Covid-19 diễn ra. Xu hướng bây giờ là “lean startup” (khởi nghiệp tinh gọn), có nghĩa là nhiều bạn có ý tưởng, khởi nghiệp rồi vừa làm vừa sửa.

Khi Covid-19 diễn ra, các doanh nghiệp lớn cũng rất lao đao, vì vậy sẽ là sai lầm nếu các startup chỉ trông chờ vào nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Một điều tôi thường nói với các bạn startup Việt là dù mình cần tiền đầu tư để có thể phát triển nhanh hơn nhưng ngay cả khi không có thì vẫn phải tìm cách sống được.

Đoàn Kiều My, nhà sáng lập và CEO YellowBlocks. Ảnh: Văn hóa doanh nhân Việt Nam

Đoàn Kiều My, nhà sáng lập và CEO YellowBlocks. Ảnh: Văn hóa doanh nhân Việt Nam

- Từ kinh nghiệm và sự quan sát của mình, chị thấy các nhà đầu tư thường tìm gì ở startup?

- Thật ra họ thường tìm sự thành công trong quá khứ nhiều hơn. Nhà đầu tư quan tâm đến mô hình kinh doanh của startup nhưng cái họ nhìn là “profile” của founder. Trong quá trình đi vào thị trường, startup sẽ có sự thay đổi liên tục. Vì vậy, tiềm năng của founder là điều họ nhìn vào để đánh giá.

- Nhiều startup gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nhà đầu tư và ngược lại. Chị và startup của mình kết nối hai bên như thế nào?

- Quan điểm của tôi là bản thân các nhà đầu tư có nguồn lực rất mạnh, vì vậy khi startup đủ lớn hoặc đủ tiềm năng, nhà đầu tư sẽ tìm thấy họ. Vai trò của chúng tôi là đưa ra các thông tin “insider” của startup cho nhà đầu tư và giúp họ kết nối với các bên liên quan để họ hiểu hơn về startup đó trước khi đưa ra quyết định. Chúng tôi là công ty tư vấn nên sẽ cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau cho nhà đầu tư.

- Việt Nam được đánh giá là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á của nhiều quỹ đầu tư. Tuy nhiên đến nay chúng ta mới chỉ có 2 startup tỷ USD (kỳ lân). Theo chị đâu là lý do?

- Theo tôi, thời điểm Việt Nam có thêm nhiều kỳ lân sẽ đến và lúc đó không phải là chỉ có thêm một, hai mà có thể nhiều hơn. Tuy nhiên, một startup không thể chỉ qua một đêm đã có thể trở thành kỳ lân. Các startup sẽ phải trải qua nhiều vòng gọi vốn khác nhau, từ Series A, B, C đến D...

Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên đặt câu hỏi là hiện có bao nhiêu startup tỷ USD rồi mà hãy xem có bao nhiêu startup Việt gọi vốn đến Series C. Khi mà số lượng startup làm được điều này mới "đếm trên đầu ngón tay" thì tỷ lệ thành kỳ lân vẫn còn rất thấp.

Tương tự, chúng ta tiếp tục đặt câu hỏi đã có bao nhiêu startup thành công ở Series B, Series A... Từ đó sẽ tìm ra đâu là gốc rễ của vấn đề và cách giải quyết, còn ngay lập tức nói chuyện từ 0 đến tỷ USD thì rất xa vời.

- Theo chị, những lĩnh vực nào sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư mạo hiểm trong thời gian tới?

- Tôi nghĩ một số ngành như logistics (hậu cần) hay supply chain (chuỗi cung ứng) đang rất được quan tâm. Thương mại điện tử hiện nay có thể coi là “đại dương đỏ” với nhiều “người chơi máu mặt”, vì vậy có thể không còn “hot” như trước. Nếu như xu hướng trước đây là các ứng dụng gọi xe hay thương mại điện tử thì thời gian tới fintech và logistics... sẽ hút vốn từ các nhà đầu tư.

- Nếu được đưa ra lời khuyên cho các startup, chị sẽ nói gì?

- Tôi gặp rất nhiều bạn startup trẻ, giỏi và rất nhiệt huyết. Tuy nhiên, giữa việc mình muốn làm lớn và việc mình có đủ khả năng và kinh nghiệm hay không đôi khi lại có khoảng cách rất lớn. Trên thế giới, nhiều người startup thành công từng làm việc cho các công ty lớn như Google, Apple...

Tôi nghĩ các bạn trẻ Việt Nam có thể tham khảo xu hướng này. Chẳng có gì sai khi bạn đi làm cho những "gã khổng lồ", học hỏi và rèn luyện bản thân. Để xây dựng công ty tỷ USD có 2 hướng. Thứ nhất là may mắn bạn phát minh ra một điều gì đó không ai nghĩ ra được, nhưng điều này rất khó. Thứ hai là bạn làm việc giống người khác nhưng là người nhanh nhất, hiệu quả và đúng thời điểm nhất.

Cảm ơn chị,

Theo NDH