Cao su bị chặt là giống chưa được khảo nghiệm?
Như đã đưa tin, hơn 53ha cây cao su tại xã Mường Bú, huyện Mường La và 16ha xã Chiềng La, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La vừa bị đốn hạ. Đây là những cây cao su đã trồng được 6-7 năm, chỉ khoảng 2 đến 3 năm nữa là cho thu hoạch mủ.
Theo phản ánh của VOV, đã xuất hiện những hốc để trồng thay thế giống cao su khác. Như vậy, người nông dân nơi đây lại phải bắt đầu lại từ đầu và ít nhất phải 9 năm nữa thì cây cao su mới đến kỳ cho thu hoạch.
Cũng theo tìm hiểu của VOV, Công ty cổ phần Cao su Sơn La thực hiện việc chặt cây cao su này do diện tích trên có giống không phù hợp, không đạt yêu cầu về sức chịu rét, sẽ dẫn đến phát triển chậm và cho sản lượng mủ kém.
Ngày 11/5, ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La cho Đất Việt hay, liên quan đến sự việc này, Tập đoàn Cao su Việt Nam và Công ty CP Cao su Sơn La chưa có số liệu báo cáo phân tích. Nhưng qua trao đổi, Công ty CP Cao su Sơn La cho biết, giống cao su này được trồng từ năm 2007-2008, là giống chưa được khảo nghiệm nên không phù hợp.
"Tuy nhiên, Tập đoàn Cao su Việt Nam đã đồng ý cho Công ty CP Cao su Sơn La trồng thay thế giống mới nên mới có việc chặt diện tích cao su nói trên. UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản đề nghị Công ty CP Cao su Sơn La báo cáo cụ thể về vấn đề này nhưng đến nay, Sở NN&PTNT vẫn chưa nhận được báo cáo", ông Nghị nói.
Nhìn nhận động thái đốn hạ gần 70ha cao su sắp thu hoạch mủ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La cho rằng, đây là một thiệt hại rất lớn ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn tư tưởng, tâm lý của người dân vì họ đã góp đất sản xuất để trồng cao su.
"Chúng tôi cho rằng quyết định của Tập đoàn Cao su Việt Nam và Công ty CP Cao su Việt Nam là có cơ sở. Sở NN&PTNT cũng không nên tham gia vào những việc này. Chúng tôi đang yêu cầu Công ty CP Cao su Sơn La báo cáo, còn quyết định là của Tập đoàn Cao su Việt Nam".
Trước ý kiến cho rằng, việc chặt hạ diện tích cao su nói trên là động thái chứng tỏ lời cảnh báo về việc không nên đưa cao su lên trồng ở Tây Bắc đã đúng, ông Hà Quyết Nghị nói: "Theo quy trình kỹ thuật, phải sau 2 vụ sản xuất thì mới kết luận được có phù hợp hay không".
Nông dân mất trắng
Là người nhiều năm gắn bó với cây cao su, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho rằng chưa thể khẳng định cảnh báo của giới chuyên gia về nguy cơ cao su Tây Bắc không cho mủ đã thành hiện thực.
"Khi cảnh báo, chúng tôi lưu ý việc trồng cao su phải xem xét có phù hợp với đặc điểm sinh thái, địa hình, thời tiết của vùng đó. Thông tư 58 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp quy định rõ những thứ không phù hợp với sinh thái. Ví dụ, không được trồng cao su ở vùng có gió trên cấp 8, không có sương muối, mưa đá. Nếu không tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật thì cao su không cho mủ.
Trong trường hợp của Sơn La, có thể đất trồng cao su đảm bảo đủ các điều kiện nhưng giống xấu quá thành ra cao su không qua được mùa đông. Để biết được chính xác nguyên nhân, khi công ty chích mủ cao su, chúng tôi phải tới tận nơi xem xét, đồng thời cần nhìn lại thời tiết trong 6-7 năm vừa qua như thế nào.
Tuy nhiên, cũng theo Thông tư 58 còn một quy định quan trọng là đất thích hợp để trồng cao su phải có nhiệt độ trung bình năm từ 25-30 độ C, như vậy nhiệt độ trung bình ở Tây Bắc không đảm bảo. Ngoài ra, Quyết định số 750 của Thủ tướng về Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 có quy định rõ, diện tích cao su vùng Tây Bắc đến năm 2020 toàn vùng đạt khoảng 50 nghìn ha, thế nhưng quy hoạch của các địa phương đều đã vượt quá mục tiêu chỉ đạo của Chính phủ.
Quyết định 750 của Chính phủ đã quy định rõ: không phát triển theo phong trào và có bước đi phù hợp. Muốn phát triển cao su phải đợi đến khi các vùng trồng thử cho kết quả.
Thời gian tạo mủ có hai mức: vùng phù hợp chỉ cần 6-7 năm; vùng không phù hợp phải 8-9 năm mới cho mủ. Riêng chuyện cao su ở Sơn La kéo dài thời gian cho mủ đã cho thấy trồng cao su ở đây không phù hợp. Như thế, số mủ thu được chưa chắc đã đủ vốn so với số tiền phía Tập đoàn đã bỏ ra.
Khi biết rõ chỉ tiêu không phù hợp mà cứ trồng thì người cứ trồng ấy phải chịu trách nhiệm. Trồng cao su phải chích mủ vài ba năm mới ổn định được sản lượng. Tập đoàn Cao su Việt Nam đã không làm theo quy định của Chính phủ là phải đợi đến khi có kết quả và dùng kết quả ấy để phát triển", GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung chỉ rõ.
Bởi vậy, ông Lung một lần nữa nhấn mạnh, trồng cao su ở Tây Bắc phải cực kỳ thận trọng. Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam (thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) mới công bố được 3 giống cao su phù hợp với Tây Bắc cách đây 3-4 năm. Như vậy, những diện tích cao su trồng cách đây 6-7 năm là liều lĩnh khi chưa thể biết giống nào phù hợp, trừ khi Tập đoàn mua được giống của Trung Quốc.
"Phía Trung Quốc đã tạo được giống cao su chịu được rét. Nhưng giống cao su Trung Quốc không phải tạo ra để lấy mủ mà để trồng rừng phòng hộ. Họ không quan tâm đến mủ vì mủ ít, nhưng cây sẽ tốt. Đứng từ bên Lào Cai nhìn sang Trung Quốc, cao su của họ trồng rất tốt, họ có khai thác mủ nhưng chỉ tận dụng thêm.
Năm 2014, Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam mời tôi lên Tây Bắc. Sau khi xem ở Lai Châu tôi nói họ đã mắc tất cả những cấm kỵ mà tôi nêu ở trên. Nhưng Viện cho hay, họ đã trồng cao su ở Hà Giang có độ cao cao hơn và chỉ trồng 3 giống mà Viện đã khẳng định. Ở Hà Giang, đúng là giống ấy đang sinh trưởng nhưng liệu phía Tập đoàn có dám cam đoan với dân là đã tốt? Viện Nghiên cứu cao su khi ấy cho biết, họ cũng chỉ đánh giá về mặt sinh trưởng của cây là được, còn ra mủ hay không thì chưa thể trả lời".
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung nhắc lại điều ông luôn trăn trở: "Lẽ ra khi chưa sản xuất thử, Tập đoàn Cao su Việt Nam đừng cố gắng trồng nhiều, trồng đại trà làm gì bởi càng trồng nhiều thiệt hại về vốn sẽ càng lớn và người nông dân khổ hơn doanh nghiệp rất nhiều. Tập đoàn Cao su Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước, có mất vốn cũng là Nhà nước mất, toàn dân đều nghèo đi, còn cá nhân tập đoàn thì thiệt hại chẳng đáng gì.
Người nông dân đã góp đất sản xuất trồng cao su, có thể mấy năm vừa qua, công ty cho họ một mức lương cao hơn mức thu nhập có được từ việc trồng cây khác như keo, chè... nhưng đến bây giờ thì họ đã mất trắng. Rõ ràng là người nông dân bị thiệt hại nhiều hơn khi suốt 6-7 năm vừa qua đất của họ không làm ra được của cải gì cho xã hội, trong khi nếu trồng cây khác đã thu được tiền. Như vậy, ảnh hưởng xã hội còn lớn hơn nhiều.
Mặt khác, mức lương Tập đoàn trả cho nông dân không phải là từ hiệu quả kinh doanh cao su mà là bỏ vốn đầu tư trả cho họ. Tập đoàn đã lấy ngân sách nhà nước để đầu tư cao vào những nơi rủi ro lớn nên đừng nghĩ rằng mình có công lao cải thiện đời sống người dân".
Theo Báo Đất Việt