Cách Hancorp 'chia phần' với Taseco Land ở khu Đoàn Ngoại Giao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi được chỉ định đầu tư dự án khu Đoàn Ngoại Giao, Hancorp đã ‘chia’ nhiều lô đất/dự án thành phần cho các nhà đầu tư thứ cấp, nổi bật là Taseco Land.
Phối cảnh dự án tòa nhà hỗn hợp NO1-T6, T7, Khu Đoàn Ngoại Giao (Tên thương mại: Han Jardin)
Phối cảnh dự án tòa nhà hỗn hợp NO1-T6, T7, Khu Đoàn Ngoại Giao (Tên thương mại: Han Jardin)

Ngày 27/4/2022, Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư và Xây dựng số 4 (Icon4) đã phê duyệt việc ký kết hợp đồng thi công hạng mục “Hoàn thiện và lắp đặt hệ thống cơ điện khối căn hộ tại Toà N01-T6” – thuộc dự án Toà nhà hỗn hợp tại N01-T6, T7 Khu Đoàn Ngoại Giao (tên thương mại: Han Jardin).

Đơn vị ký hợp đồng với Icon4 là CTCP Đầu tư bất động sản Taseco (Taseco Land). Thời gian thực hiện hợp đồng dự kiến kéo dài từ tháng 5/2022 – tháng 8/2023.

Han Jardin là toà nhà hỗn hợp được cấp phép xây cao nhất (45 tầng) tại dự án Khu đô thị Đoàn Ngoại Giao do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp – Mã CK: HAN) làm chủ đầu tư. Trong nhiều tài liệu của Hancorp, Khu đô thị Đoàn Ngoại Giao thường được gọi là khu Ngoại Giao Đoàn.

Doanh nghiệp do Bộ Xây dựng nắm cổ phần chi phối này, nên biết, từng là cổ đông lớn của Icon4. Sau khi Hancorp thoái lui, Taseco Land đã trở thành công ty mẹ của Icon4, với tỉ lệ sở hữu 61,25% vốn điều lệ (tại ngày 24/2/2022).

Vị trí dự án Han Jardin ở khu Đoàn Ngoại Giao do Hancorp làm chủ đầu tư

Vị trí dự án Han Jardin ở khu Đoàn Ngoại Giao do Hancorp làm chủ đầu tư

Mối hợp tác giữa Hancorp và Taseco Land

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, từ cuối quý 2/2021, Hancorp đã bắt đầu ghi nhận doanh thu chưa thực hiện tại dự án Han Jardin, lên tới 370,1 tỉ đồng.

Đây là doanh thu nhận trước tiền cho các căn hộ hình thành trong tương lai của dự án Han Jardin, phát sinh từ hợp đồng mua bán giữa Hancorp và Taseco Land (ký kết vào tháng 3/2021), cùng một số hợp đồng mua bán chung cư tại dự án này do Hancorp ký kết trực tiếp với cá nhân.

Tính đến cuối quý 1/2022, khoản doanh thu chưa thực hiện này đã tăng lên mức 774,2 tỉ đồng.

Ngoài Han Jardin, ít ai để ý, Taseco Land cũng là nhà phát triển loạt dự án căn hộ trên các khu đất thành phần thuộc dự án Khu Ngoại Giao Đoàn do Hancorp làm chủ đầu tư, có thể kể tới như: Phú Mỹ Complex (N01-T4), An Bình Complex (N02-T1) và Taseco Complex (N03-T2).

Cùng với đó, Taseco Land còn liên danh với CTCP Trung Đô – thành viên của Hancorp, làm chủ đầu tư dự án toà nhà chung cư ở khu đất ký hiệu N03-T6, nằm ở khu vực trung tâm Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn.

Việc phát triển một loạt dự án ở Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn không chỉ nâng tầm vị thế của Taseco Land trên thị trường bất động sản, mà còn góp phần giúp doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trong ít năm trở lại đây.

Trong giai đoạn 2019 – 2021, Taseco Land ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 1.759,7 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 364,9 tỉ đồng, tương ứng với biên lãi ròng lên tới 20,7%. Riêng năm 2021, Taseco Land ghi nhận doanh thu thuần đạt 750 tỉ đồng (tăng 73,1% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 132 tỉ đồng (tăng 38,6% so với cùng kỳ), tương ứng với tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 17,6%.

Trái ngược với đối tác tư nhân, dù sở hữu nhiều quỹ đất tiềm năng ở Tây Hồ Tây và khu vực khác ở Hà Nội, hiệu quả kinh doanh của Hancorp lại có phần khiêm tốn. Năm 2021, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 1.488,7 tỉ đồng, song chỉ báo lãi sau thuế 60,6 tỉ đồng – tương ứng với tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu vỏn vẹn 4%.

Quỹ đất ‘khủng’ của Taseco Land

Taseco Land và CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs – Mã CK: AST) được biết tới là các công ty con cấp một của CTCP Tập đoàn Taseco (Taseco Group).

Thành lập từ tháng 2/2005, Taseco Group tiền thân là CTCP Dịch vụ hàng không Thăng Long (Taseco). Chủ tịch HĐQT Taseco Group là ông Phạm Ngọc Thanh, còn Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Minh Hải (SN 1976).

Việc triển khai thành công loạt dự án ở khu Ngoại Giao Đoàn của Taseco Land dường như đã mang lại ‘niềm cảm hứng’ để giới chủ Taseco Group đẩy mạnh mảng bất động sản, tích luỹ quỹ đất.

Năm 2020, CTCP Taseco Invest – một thành viên cùng nhóm với Taseco Land – đã hoàn tất việc chuyển nhượng tổ hợp Khách sạn, Văn phòng, Trung tâm thương mại và dịch vụ cao cấp – Landmark 55 từ Công ty TNHH Phát triển THT – thành viên của Công ty Daewoo E&C Hàn Quốc.

Phối cảnh Tổ hợp Khách sạn, Văn phòng, Trung tâm thương mại và dịch vụ cao cấp – Landmark 55
Phối cảnh Tổ hợp Khách sạn, Văn phòng, Trung tâm thương mại và dịch vụ cao cấp – Landmark 55

Tại Hà Nội, Taseco Land giới thiệu đang đầu tư nhiều dự án bất động sản như: Dự án Khu nhà ở thấp tầng tại lô đất TT32, TT84 và TT164 – Khu đô thị Nam An Khánh, Hoài Đức; dự án Khu nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu, Nam Từ Liêm.

Ngoài thị trường địa ốc Thủ đô, Taseco Land còn triển khai loạt dự án ở các địa phương, trong đó có thể kể tới: dự án Tòa nhà thương mại dịch vụ và căn hộ chung cư Alacarte Hạ Long (quy mô 5.125 m2, tổng mức đầu tư 1.800 tỉ đồng); Khu nghỉ dưỡng cao cấp sinh thái 4 mùa tại xã Ninh Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa (quy mô 45ha, tổng mức đầu tư 993 tỉ đồng); Khu đô thị nghỉ dưỡng Vinconstec – Huế (quy mô 30,4ha); Khu đô thị Green Park Cửa Cạn, Phú Quốc (quy mô 12ha, tổng mức đầu tư 369 tỉ đồng)…

Mới đây, liên danh Taseco Land – CTCP Xây dựng và Thiết bị Hà Nam đã trở thành nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới phía Nam trung tâm hành chính thị xã Duy Tiên có diện tích 115,1ha, tổng mức đầu tư 4.764 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu của VietTimes, cuộc đồng hành giữa nhóm Taseco và Hancorp dường như không chỉ dừng lại ở lĩnh vực bất động sản, mà còn mở rộng sang lĩnh vực hàng không, cụ thể là việc thành lập CTCP Dịch vụ Hàng hoá hàng không Việt Nam với quy mô vốn điều lệ 250 tỉ đồng./.