Ngày 21/06/2023, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex – Mã CK: VCG) đã bán ra toàn bộ 1,326 triệu cổ phiếu VCM, tương đương 44,2% vốn điều lệ của CTCP Nhân lực và Thương mại Vinaconex (Mã CK: VCM).
CTCP Vimeco (Mã CK: VMC) cũng triệt thoái vốn khỏi VCM khi bán ra 130.000 cổ phiếu, tương đương 4,33% vốn điều lệ.
Cùng ngày, VCM đã đón hai cổ đông lớn khác là CTCP BV Asset và CTCP TG Capital, với tỷ lệ sở hữu lần lượt ở mức 24,68% và 24% vốn điều lệ. Trước đó, cả hai pháp nhân này đều không sở hữu cổ phiếu VCM nào.
Theo tìm hiểu của VietTimes, BV Asset là thành viên của CTCP Tập đoàn Bách Việt (BV Group) – tập đoàn đa ngành của vị doanh nhân sinh năm 1979 Tạ Hoài Hạnh, hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, giáo dục, dịch vụ, tài chính và công nghiệp.
Thành lập tháng 11/2017, BV Asset (trước đây là CTCP Viet Kan) có vốn điều lệ ban đầu ở mức 20 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: CTCP Địa ốc Bách Việt (tiền thân của BV Group) sở hữu 51% vốn điều lệ; CTCP Xây dựng Balimas (37%) và ông Tạ Hoài Hạnh (12%).
Tính đến tháng 9/2022, vốn điều lệ của BV Asset đạt 150 tỉ đồng. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Vũ Thiện.
Sinh năm 1983, ông Thiện đồng thời cũng là Phó Tổng giám đốc BV Group, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP BV Land (Mã CK: BVL) - một thành viên khác của BV Group.
Đáng chú ý, từ tháng 7/2017 – 4/2021, ông Thiện từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Balimas – công ty mẹ nắm 99,25% cổ phần CTCP TG Capital. Mà TG Capital là tân cổ đông pháp nhân sở hữu 24% vốn điều lệ VCM mà VietTimes đã đề cập ở đầu bài viết.
Sau loạt chuyển động lớn trong cơ cấu cổ đông, tới ngày 30/6/2023, VCM tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023) để miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Khắc Hải (Chủ tịch), ông Nguyễn Quốc Huy và ông Vũ Mạnh Hùng.
Ở chiều ngược lại, AGM 2023 của VCM bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 – 2027, bao gồm ông Lưu Vũ Trường Đạm, ông Trịnh Đức Mạnh và bà Trần Hải Yến. Ông Đạm – Phó Tổng giám đốc BVL – sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT VCM.
Với sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới, năm 2023, VCM đặt mục tiêu doanh thu đạt 27,4 tỉ đồng, tăng 51% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ lên 0,9 tỉ đồng.
VCM hoạt động ra sao?
Theo tìm hiểu của VietTimes, VCM tiền thân là Trung tâm Xuất khẩu lao động trực thuộc Vinaconex, được thành lập vào tháng 12/1995 với chức năng là hoạt động xuất khẩu lao động.
Tới tháng 5/2007, VCM chính thức được cổ phần hóa, rồi niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào tháng 5/2010.
Kể từ khi cổ phần hóa, VCM mới thực hiện duy nhất một lần tăng vốn điều lệ từ 20 tỉ đồng lên 30 tỉ đồng thông qua phát hành 100.000 cổ phần cho cán bộ công nhân viên; 695.000 cổ phần cho cổ đông hiện hữu và 205.000 cổ phần cho nhà đầu tư khác.
Kết thúc quý 1/2023, VCM ghi nhận doanh thu thuần đạt 3 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 5,7 triệu đồng.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của VCM đạt 89,2 tỉ đồng, giảm 5,9% so với đầu năm. Quy mô vốn chủ sở hữu ở mức 67,5 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 28,6 tỉ đồng./.