Buốt ruột cá chết nằm như ngả rạ trên sông Bưởi

Sáng 7/5, người dân tiếp tục vớt những con cá 2-4 kg từ dưới lồng bè lên mang đi tiêu hủy. Ít nhất 14 tấn cá nuôi trên sông Bưởi (Thanh Hóa) đã chết trong vài ngày qua. Đây là lần thứ ba trong vài năm trở lại đây xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Bưởi.
3 ngày qua, nguồn nước sông Bưởi bị ô nhiễm nặng khiến rất nhiều loài thủy sản chết bất thường. Sáng 7/5, nhiều tấn cá lồng của người dân các xã Thành Mỹ, Thành Vinh, Thạch Cẩm... (Thạch Thành, Thanh Hóa) tiếp tục chết.
3 ngày qua, nguồn nước sông Bưởi bị ô nhiễm nặng khiến rất nhiều loài thủy sản chết bất thường. Sáng 7/5, nhiều tấn cá lồng của người dân các xã Thành Mỹ, Thành Vinh, Thạch Cẩm... (Thạch Thành, Thanh Hóa) tiếp tục chết.

"Từ 2h sáng nay, nhiều hộ nuôi phát hiện cá nhảy bất thường rồi nổi lập lờ trong lồng. Nước sông bắt đầu đổi màu, có mùi hôi khác lạ. Tiếng gọi nhau huyên náo nhằm cứu cá vang cả một quãng sông. Nhưng đến khi trời hửng sáng thì tất cả đều bất lực vì cá đã chết sạch, nổi trắng lồng...", bà Nguyễn Thị Báu, một hộ nuôi cá ở xã Thành Vinh nói. 

Nhà bà Báu có gần 3 tấn cá bị chết. Nếu tính theo giá thị trường khoảng 150 nghìn/kg, gia đình bà thiệt hại ít nhất 160 triệu đồng. Mất mát quá bất ngờ khiến bà Báu suy sụp. “Gia đình tôi dốc hết vốn liếng nuôi cá. Nếu để đến cuối năm, lượng cá bán sẽ lãi 300-400 triệu. Giờ mất sạch, biết sống sao đây”, người đàn bà nói trong nước mắt.

Theo thống kê sơ bộ của chính quyền địa phương, ít nhất 14 tấn cá lồng đã chết trong vài ngày qua. Xác cá được vớt lên xếp ngổn ngang ở khắp các bè cá. Không dám ăn hay đem bán, người dân đang gom cá chờ tiêu hủy.

Không chỉ cá lồng, những loài cá sinh sống trong môi trường tự nhiên vẫn tiếp tục chết nổi trắng mặt sông. Trước đó từ sáng 4/5, nhiều người dân ra sông Bưởi (đoạn chảy qua xã Thạch Lâm, Thạch Thành, Thanh Hóa) phát hiện cá chết nổi khắp lòng sông. Nước sông chuyển màu xanh đục và bốc mùi hôi.

Những ngày tiếp theo, cá lồng nuôi của nhiều hộ dân phía hạ lưu sông Bưởi cũng chết hàng loạt. Phạm vi ghi nhận thủy sản chết ước tính 30 km dọc sông. Chính quyền đã phát thông báo khuyến cáo người dân không tự ý vớt cá chết về ăn, không lấy nước để tắm rửa sinh hoạt và cho gia súc, gia cầm đến khi cơ quan chức năng có kết quả kiểm tra.

Cá chết khiến nhiều hộ dân ở huyện Thạch Thành điêu đứng. Ông Nguyễn Văn Vững và người vợ già chỉ biết ngồi ngóng về phía lòng sông nơi lồng cá của gia đình đã chết sạch. 

Nhiều hộ nuôi xót ruột khi phải mang cả tấn cá đi tiêu hủy. Bước đầu, nhà chức trách xác định, "thủ phạm" gây ra hiện tượng cá chết trên sông Bưởi là do Công ty CP mía đường Hòa Bình (có trụ sở đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) xả thải bẩn ra môi trường.

Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thanh Hóa), cho hay trong buổi làm việc với đoàn công tác của Sở Tài nguyên Môi trường hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình, lãnh đạo Công ty CP mía đường Hòa Bình thừa nhận đã xả nước thải chưa qua xử lý ra thượng nguồn sông Bưởi. Việc xả thải bẩn diễn ra nhiều ngày liên tiếp trong khoảng nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Đây là nguyên nhân khiến cá trên sông chết hàng loạt.

Những lồng cá trên sông Bưởi giờ hiu hắt. Đây là lần thứ ba trong vài năm trở lại đây xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Bưởi. Trước đó vào tháng 12/2013, nước trên thượng nguồn sông Bưởi, đoạn chảy qua xã Thạch Lâm bỗng chuyển đen kịt, bốc mùi hôi, cá sau đó chết hàng loạt. Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa) sau đó kết luận, cá chết hàng loạt trên thượng nguồn sông Bưởi là do nhà máy chế biến tinh bột sắn Hòa Bình (trụ sở ở xã Tân Mỹ, Lạc Sơn, Hòa Bình) gây ra.

Theo VnE