Theo Reuters, ngày 26/6, chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini thuộc Đại học New York, cho rằng việc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit có thể là sự khởi đầu của tình trạng tan vỡ EU hoặc Vương quốc Anh.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở thành phố Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc, nhà kinh tế học Roubini kêu gọi mọi người không nên nghĩ tới tình trạng suy thoái hoặc khủng hoảng tài chính sau cuộc trưng cầu dân ý với kết quả người dân Anh ủng hộ Brexit.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ cho rằng việc cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu đã làm gia tăng tình trạng bất ổn cho các thị trường song ông coi những phản ứng mới đây của thị trường là "thái quá" do những hậu quả thực tế của cuộc bỏ phiếu có thể trong 5-10 năm tới mới xảy ra.
Phát biểu tại cuộc họp thường niên đầu tiên của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Lâu Kế Vĩ nhấn mạnh quyết định Brexit "sẽ phủ bóng đen xuống nền kinh tế toàn cầu... Những tác động và hậu quả sẽ xuất hiện trong 5-10 năm tới. Hiện giờ rất khó để dự đoán. Phản ứng thiếu linh hoạt từ thị trường có thể là hơi thái quá và cần phải bình tĩnh để có một tầm nhìn khách quan."
Các thị trường tài chính trên khắp thế giới đã chao đảo sau khi người dân Anh quyết định rời EU, trong khi giá đồng bảng Anh cũng tụt dốc.
Trong khi đó, tại buổi khai mạc cuộc họp thường niên đầu tiên của ban giám đốc AIIB tại thủ đô Bắc Kinh ngày 25/6, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Yoo Il-ho, người cũng là thành viên ban giám đốc của AIIB khẳng định Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Ácó thể tham gia vào lực lượng cùng với các ngân hàng quốc tế để giúp giải quyết bất cứ những thay đổi hay bất ổn nào sau khi Anh quyết định rời EU.
Bộ trưởng Yoo Il-ho nói: "Đó là một đòn giáng mạnh với những người có niềm tin về quá trình hội nhập toàn cầu. Thị trường tài chính toàn cầu đang đối diện với nguy cơ thay đổi và bất ổn lớn hơn sau Brexit."
Tuy nhiên, quan chức trên cũng khẳng định rằng AIIB "có thể giúp giải quyết tình hình hiện nay".