Chiều 20-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đọc tờ trình về phương án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên.
Theo đó, tổng mức vốn được bố trí cho dự án là 64.294 tỉ đồng, tuy nhiên chỉ sử dụng hết 50.035 tỉ đồng, còn dư 14.259 tỉ đồng.
Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dư trên vào hai mục đích: hoàn thành các dự án trên tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên. Thứ hai là bố trí vốn cho một số công trình có tính kết nối với quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên nhằm đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư của hai tuyến đường này.
Trình bày báo cáo thẩm tra về phương án này, ông Phùng Quốc Hiển - chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - cho biết đa số ý kiến cho rằng dự án mở rộng quốc lộ 1 và dự án đường Hồ Chí Minh là kết quả tích cực trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng tỉ trọng vốn dư lớn so với tổng vốn được bố trí (dư 23%) thể hiện việc lập dự toán, thẩm định, phê duyệt chưa sát với thực tiễn.
“Việc cắt giảm quy mô đầu tư một số dự án có thể ảnh hưởng tới chất lượng công trình, không bảo đảm thực hiện đúng quy mô ban đầu của công trình; chất lượng thi công một số đoạn, tuyến chưa thật sự bảo đảm cần được khẩn trương sửa chữa” - ông Phùng Quốc Hiển nói.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc tại sao có số dư “khủng” tới hơn 14.200 tỉ đồng sau khi thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên, “đây là số tiền tiết kiệm được từ thực hiện các siêu dự án này hay là do việc lập dự toán, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư không sát với thực tiễn nên mới thừa nhiều như vậy?”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng nói rằng: trước hết, cần phải làm rõ là dự án có thực hiện theo đúng quy định của pháp luật không.
“Đây là dự án có sử dụng số vốn trái phiếu chính phủ rất lớn đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Quá trình lập, phê duyệt, quyết định đều theo đúng trình tự của pháp luật. Việc trích lập dự phòng cũng phải đúng quy định, đâu phải muốn dự phòng bao nhiêu thì dự phòng” - ông Thăng nói.
Vậy tại sao “dư” nhiều tiền như vậy? Theo Bộ trưởng Thăng, trước hết là do việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công nên chi phí thực tế thấp hơn số vốn đã bố trí, đặc biệt không phải sử dụng vốn dự phòng trượt giá. Đồng thời, các dự án đều thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng tiết kiệm 5% dự toán.
Phần còn lại là do thực hiện điều chỉnh thiết kế, kỹ thuật và điều chỉnh biện pháp thi công phù hợp. “Kinh nghiệm lớn nhất là đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công. Chính phủ vào cuộc rất quyết liệt, ba phó thủ tướng chỉ đạo ba mảng công việc (một người lo giải phóng mặt bằng, một người lo tiền và một người lo xây dựng)” - ông Thăng giải thích.
Theo Tuổi trẻ